Phụ nữ Hơ Moong gắn bó với tổ chức hội
Nếu như ngày trước cả xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) chỉ có lèo tèo vài hội viên Hội Phụ nữ; năm thuở, mười thì mới tổ chức được một buổi sinh hoạt hội thì nay chị em phụ nữ luôn đi đầu, nhiệt tình, hăng hái tham gia các hoạt động. Không chỉ tham gia các phong trào, nhiều chị còn mạnh dạn vay vốn, chủ động đăng kí thực hiện 5 không, 3 sạch, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Hôm chúng tôi đến cũng là lúc Hội LHPN xã Hơ Moong đang rốt ráo chuẩn bị cho lễ phát động phong trào phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới diễn ra vào ngày 8/3. Lật quyển sổ để ghi lại các công việc đã hoàn thành, chị Y Gứt – Chủ tịch Hội LHPN xã thở phào nhẹ nhõm: Có rất nhiều việc nhưng nhờ chị em phụ nữ ở 7 thôn, làng tham gia nhiệt tình, sôi nổi nên mọi thứ đều được thực hiện rất nhanh.
Quả vậy, chẳng còn ngại tiếp xúc, rụt rè như trước, nay, vừa thấy cán bộ phụ nữ đến, nhiều chị em niềm nở, tay bắt mặt mừng, hỏi han đủ thứ chuyện. Khi biết cán bộ hội đến thông báo chuẩn bị cho lễ phát động, chị em, ai nấy đều vui mừng, nhanh nhảu tự nhận các nhiệm vụ. Chị nhận đem cờ, chị lại tự giác nhận đem cuốc, xẻng để ra quân xây dựng nông thôn mới.
Chị Y Gứt nói rằng, so với ngày trước, bây giờ mọi thứ đã khác nhiều lắm. Theo lời chị, ngày trước, theo tà đạo Hà Mòn, 113 chị em phụ nữ trong xã cương quyết không gặp, không tham gia vào tổ chức Hội Phụ nữ. Ngày ngày, mọi người cứ lẩn trốn trong rừng đọc kinh, không lo làm ăn; nhà cửa bỏ bê, không chăm nom cũng không dọn dẹp. Đời sống kinh tế khó khăn, con cái nheo nhóc, dang dở học hành.
|
Dạo ấy, khi nghe cán bộ Hội Phụ nữ vào vận động, các chị lại bỏ trốn, thậm chí còn mắng nhiếc, có những hành động thô lỗ. “Các chị càng không hiểu thì chúng tôi càng tìm vào vận động. Chẳng kể ngày hay đêm, chúng tôi cứ ở bên cạnh, cùng nói chuyện, chia sẻ để các chị hiểu” – chị Y Gứt nhớ lại.
Thế rồi, chị Y Gứt cùng với các chị em trong Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã tìm cách tiếp cận, động viên các chị phụ nữ cốt cán theo tà đạo nên trở về với đạo Thiên chúa. “Đúng là mưa dầm thấm lâu, sau này, khi chúng tôi động viên, phân tích nhiều thì các chị mới hiểu ra” – chị Gứt kể.
Từ vài hội viên ban đầu, cán bộ phụ nữ tiếp tục vận động. Cùng với công tác tuyên truyền, các chị cũng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, tạo sân chơi hướng về truyền thống cho bà con. Bên cạnh đó, các chị cũng hướng dẫn chị em vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. “Đến nay, toàn xã đã có hơn 800 hội viên Hội Phụ nữ rồi đấy; trong đó có hơn 60% hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên” – chị Y Gứt cho hay.
Mới ngày nào còn nhất quyết không tham gia công tác hội, đến nay, nhiều chị đã mạnh dạn tham gia và hoạt động rất tích cực. Chị Y Byun ở làng Đăk Wơk Yốp là một trong những trường hợp điển hình.
Từng theo tà đạo, sau này, khi được vận động, chị mới tham gia vào tổ chức hội. Không còn lẩn trốn, e dè, nay gặp chúng tôi, chị Y Byun tay bắt mặt mừng, dẫn chúng tôi ra vườn rau sau nhà rồi phấn khởi khoe: Nghe lời cán bộ hội hướng dẫn, mình mới trồng rau để ăn đấy.
Rồi đâu chỉ có thế, vừa rồi, được Hội LHPN xã đứng ra tín chấp cho vay vốn, chị Byun mạnh dạn vay 15 triệu mua bò về nuôi. “Vợ chồng mình làm thêm cà phê, đánh bắt cá để tăng thu nhập trong gia đình. Bây giờ đời sống ổn định lắm” – chị Byun vui mừng.
Có riêng gì chị Y Byun, từng theo tà đạo, đến năm 2013, chị Y Khương ở làng Đăk Wơk Yốp mới tham gia sinh hoạt Hội LHPN và hoạt động rất tích cực. Đến nay, chị Y Khương cũng vay vốn và nuôi được bò, chăm làm kinh tế, nuôi dạy các con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Cùng với việc tham gia vào các phong trào, hội viên phụ nữ trong xã còn nhiệt tình tham gia vào các mô hình: Phụ nữ dân tộc thiểu số với pháp luật, không sinh con thứ 3, trồng cây xanh… Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn của các cấp hội, hơn 300 hội viên phụ nữ trong xã đã mạnh dạn vay vốn (tổng số hơn 12 tỉ đồng) để phát triển kinh tế. “Hội viên đã đổi thay nhận thức, chăm lo làm kinh tế và xây dựng gia đình ngày càng hạnh phúc. Các chi hội đã “lột xác” từng ngày, nhờ vậy, Hội LHPN xã càng thêm phát triển và vững mạnh” – chị Y Gứt chia sẻ.
Bình An