Phía trước là mùa xuân
Ia H’Drai, những ngày cuối năm. Suốt mấy hôm rong ruổi từ Ia Tơi, qua Khu trung tâm huyện đang bộn bề công trình xây dựng, đến Ia Dom, lên tuyến đường tuần tra biên giới tới Ia Đal, tôi cảm nhận rất rõ sự đổi thay của vùng đất biên giới vốn nhiều gian khó này...
Chưa “an cư” vẫn “lạc nghiệp”
Xe mới dừng, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lộc đã kéo chúng tôi xuống phòng ở, ấn vào tay ly trà ngun ngút khói: Uống đi cho ấm. Đi hướng đó lên chi cho cực vậy? Tôi cười cười: Thì cũng đi một lần cho biết mà anh.
Tôi ngắm nghía căn phòng chật chội, được ngăn đôi, ngoài cái bàn gỗ, để làm việc và tiếp khách, tủ đựng tài liệu, là bộn bề giường chiếu, chăn màn... Anh Lộc bộc bạch: Huyện mới thành lập chưa được 2 năm, mọi thứ khởi đầu gần như là con số không, nên chuyện ăn chuyện ở cũng còn bề bộn lắm. Nơi làm việc của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thì tạm ổn, vì có trụ sở của Ban Chỉ đạo Nam Sa Thầy (cũ), nhưng nhiều cơ quan còn phải thuê nhà dân; riêng chỗ ở của anh em thì hầu hết đều là nhà tạm cả.
Dạo qua một vòng mới thấy, từ lãnh đạo cao nhất huyện là Bí thư, Chủ tịch đến anh lái xe, cậu bảo vệ đều vui vẻ chia nhau những căn phòng lợp tôn rộng sàn sàn như nhau, chừng vài chục mét vuông, ấy vậy mà còn kê 2-3 cái giường để đơn giản hóa cái sự ngủ. Hôm nào có khách quen, như hôm nay chẳng hạn, thì có người phải “di tản” đi nơi khác ngủ nhờ để nhường chỗ.
Ấy vậy mà lại hay- Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Nguyễn Tiến Dũng hào hứng- Ăn tập thể, ngủ tập thể, mọi người gắn bó với nhau hơn, phối hợp công việc cũng trôi chảy, nhịp nhàng hơn. Có những việc, ban ngày làm chưa hết, ban đêm làm tiếp, anh em ở cùng một dãy nhà, ới một tiếng là có mặt. Công việc là trên hết.
|
Nếu tính chi li, kể từ khi Ia H’Drai chính thức “ra riêng” (tháng 3/2015) đến nay mới 1 năm 9 tháng. Liệu có bao nhiêu người biết được những người đi tiên phong đã và đang phải vượt qua, phải khắc phục bao nhiêu khó khăn để có thể “lạc nghiệp” trong điều kiện chưa “an cư”? Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Lộc gạt đi: Chuyện khó khăn của Ia H’Drai thì nói cả ngày cũng không hết. Cái chính là anh em đã thích nghi tốt, vững vàng trước khó khăn, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Nói không ngoa, ngay từ những ngày đầu, mọi người nhanh chóng thích ứng với điều kiện mới, nhất là biên chế thiếu nên chuyện một người kiêm nhiệm 2 vị trí hay nhiều công việc một lúc là bình thường. Vượt qua những bỡ ngỡ, cả “guồng máy” bắt nhịp với bộn bề công việc của một huyện biên giới mới thành lập để “vận hành” một cách trơn tru, nhịp nhàng...
Đón mùa xuân mới...
Bằng nghị lực và quyết tâm vượt khó, trong năm 2016, Ia H’Drai đã có những thành công đáng khen ngợi. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 19,67 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất nhóm ngành nông-lâm-thủy sản ước đạt 340,3 tỷ đồng; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đạt 103,4 tỷ đồng. Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện dần khởi sắc với 27 cơ sở kinh doanh, buôn bán ở 3 xã, cơ bản đáp ứng nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 5% so với đầu năm. Giáo dục phát triển nhanh chóng với 1.497 học sinh/92 lớp ở 7 trường (3 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở). Mạng lưới cơ sở y tế từng bước được củng cố, kiện toàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
|
Nhưng nói gì thì nói, thế mạnh của Ia H’Drai vẫn là phát triển cây công nghiệp. Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Lộc, đến nay, toàn huyện có 5 doanh nghiệp đầu tư trồng được hơn 24.719 ha cao su. Trong suốt mấy ngày qua, dù là ở Ia Tơi, Ia Dom hay Ia Đal, đâu đâu tôi cũng đi dưới tán lá cao su; đi trên đường tuần tra biên giới cũng thấy ngút ngát tầm mắt là cao su. Cùng việc đưa cây cao su lên vùng biên này, các doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng kéo điện, làm đường, xây trường...góp phần làm nên diện mạo mới cho Ia H’Drai.
Năm 2016 cũng là năm mà Ia H’Drai trở thành “đại công trường” từ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh. Hàng loạt dự án lớn, quan trọng trên địa bàn huyện được khởi công xây dựng, như trụ sở Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; công trình cấp nước sinh hoạt Trung tâm hành chính huyện; các tuyến đường chính; các nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cổ phần cao su Sa Thầy, Công ty TNHH MTV cao su Chư Mom Ray, Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15), Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Ia H’Drai...Chưa kể hàng loạt công trình trụ sở của các cơ quan, ban ngành cũng đang được gấp rút triển khai.
Nhưng thôi, hãy tạm gác những con số thống kê khô khan ấy qua một bên để theo Chủ tịch Nguyễn Văn Lộc đi thăm anh em văn phòng. Cuối năm, lại mới có mấy ngày mưa, nên khi đêm về lạnh như cắt vào da thịt. Gió núi tràn về, hừng hực quăng mình trên những triền núi, rừng cao su, thỉnh thoảng lại nhào xuống siết lấy những mái tôn khiến chúng rung lên bần bật.
Mặc, tiếng cười vẫn rộn lên trong căn phòng tạm. Ở trong ấy, hơn chục con người, già có, trẻ có đang ngồi quây quần bên mâm cơm. Trông giống như một tổ sản xuất của nông trường cao su nào đó- không biết người nào đã đưa ra nhận xét như vậy, đúng là giống thật. Tôi chợt hiểu: Nhân hòa là đây. Từ người lãnh đạo cao nhất đến mỗi cán bộ, nhân viên đều làm việc hết lòng, gắn bó hết lòng, và như vậy, cái ngày Ia H’Drai vươn mình sẽ không xa nữa.
Anh Lộc rủ chúng tôi đi thăm Trạm kiểm soát liên ngành bên cầu Sê San, giáp Gia Lai. Xe lướt qua những mảng rừng cao su đen thẫm, những nếp nhà nép ven rừng, lấp lóa ánh đèn điện.
Cái lạnh giá của đại ngàn, sự heo hút của vùng biên đã không còn là nỗi ám ảnh, núi rừng Ia H’Drai đang bừng sáng từng ngày đón mùa xuân của đất trời và đón mùa xuân mới của chính mình phía trước.
Thành Hưng