Nỗi niềm người dịch sử thi
Tuổi thơ của tôi là một chuỗi ngày tươi đẹp với nhiều kỷ niệm, vui nhiều hơn buồn. Kỷ niệm sâu đậm nhất là những đêm trăng thanh gió mát, nằm trong nhà rông cao vút, được nghe nghệ nhân kể những câu chuyện thần thoại, truyện cười dân gian, truyện cổ tích hoặc hát kể chuyện sử thi Dăm Giông.
Những lần nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật dân gian như thế đã thu hút được khá đông người đến xem, gồm đủ các thành phần, già trẻ, trai gái, mà đông nhất vẫn là bọn trẻ. Mọi người đều bị cuốn hút bởi nội dung, tình tiết của câu chuyện. Khi nghệ nhân kể đến đoạn hào hứng nào đó, như khi cái thiện thắng cái ác, bọn trẻ cùng reo hò vang dậy. Rồi đến khi nỗi bất hạnh quặn thắt, đổ ập xuống thân phận nhân vật thiện bị lăng nhục, chịu đau thương tủi hờn thì các khán giả sụt sùi khóc. Rồi tới khúc nhân vật hài xuất hiện với những pha gây cười đầy thú vị thì bà con lại cười vang.
Những bài hát kể sử thi đã từng đưa hồn tôi chìm vào thế giới huyền ảo và hùng tráng, tôi say mê các truyện dân gian kể từ đó và thầm mong những câu chuyện ấy sẽ còn mãi mãi tồn tại với thời gian.
|
Thật sự tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng mình sẽ là người dịch sử thi, việc sưu tầm truyện cổ tích dân gian của các dân tộc Ba Na, Xơ Đăng cũng đã quá sức rồi. Nhưng những lúc đi sưu tầm truyện cổ tích dân gian, có dịp được nghe các nghệ nhân - thường là những cụ già hát kể sử thi, tôi chợt nghĩ: Di sản phi vật thể này nếu không kịp sưu tầm, ghi chép lại thành văn bản thì không còn bao lâu nữa cũng sẽ ra đi theo nghệ nhân già về với cát bụi, với rừng núi, sông suối, cỏ cây. Rồi tôi quyết định không thể để chúng bị mai một.
Dịp may đến với tôi vào năm 1988, khi anh Bùi Ngọc Quang- Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Triển lãm Kon Tum tìm gặp, ngỏ ý ký hợp đồng dịch sử thi từ tiếng Ba Na ra tiếng Việt. Trong lúc tôi còn đang lưỡng lự, anh Quang giải thích thêm: “Tôi không yêu cầu anh dịch theo lối văn học, mà chỉ cần dịch thô, tức là dịch nghĩa bình thường thôi. Anh làm được chứ?”. Nghe vậy, tôi yên tâm phần nào và đồng ý nhận làm thử.
Công việc đầu tiên tôi phải làm là gỡ băng sử thi. Hai từ “gỡ băng” thoạt nghe có vẻ đơn giản, đến khi bắt tay vào việc mới biết chẳng dễ dàng một chút nào. Vừa mở băng, tôi chẳng nghe được câu từ nào trong tiếng hát kể hơ mon đó. Phải tua đi tua lại, tôi mới quen dần với những âm thanh hỗn tạp trong máy, rồi tôi lại phải lọc ra những âm thanh chính. Ngày đầu đã làm tôi oải trong người và nhức đầu. Có lúc tôi định bỏ cuộc, rồi được anh Quang động viên, tôi nghĩ, nếu chúng ta không biết giữ gìn, bảo lưu và phát huy các di sản phi vật thể ấy thì sẽ có tội với các bậc tiền bối và thế hệ trẻ sau này. Vì vậy, ngày qua ngày, tôi lại miệt mài gỡ băng, mỗi ngày được vài trang giấy.
Những ngày tiếp theo đó, do quen dần nên công việc gỡ băng có phần suôn sẻ hơn, tôi bắt đầu hứng thú với công việc này, rồi say mê lúc nào không biết. Tôi dồn hết thời gian vùi đầu vào công việc gỡ băng, không kể ngày đêm và có khi quên cả đói, tôi cặm cụi gỡ hết từ băng này đến băng khác.
Sau hơn một tháng tôi đã gỡ xong một bộ sử thi và bắt đầu dịch thuật. Đây là giai đoạn rất quan trọng.
|
Hiện nay, số người dịch sử thi ở tỉnh ta rất hạn chế. Công việc gỡ băng thật ra có nhiều người làm được. Song việc dịch thuật thì ngược lại, trước đây đã có không ít người tham gia dịch nhưng chưa đạt yêu cầu. Ngay chính bản thân tôi cũng chưa thể gọi là “dịch tốt”. Dịch sử thi không phải là việc dễ dàng, bởi trước hết, người dịch phải thông thạo tiếng Việt và có một trình độ hiểu biết nhất định. Người dịch phải tuyệt đối trung thành với nội dung, ý tưởng của nghệ nhân hát hơ mon. Những lời hát của nghệ nhân thường sử dụng khi diễn xuất là những từ cổ mà hiện nay rất ít người dùng tới. Do vậy, muốn hiểu được nghĩa của các từ ấy phải tìm đến nghệ nhân đã hát kể bài đó, hoặc tìm đến các cụ già khác mà hỏi. Đây là việc làm vất vả và mất khá nhiều thời gian.
Lắm lúc gặp những đoạn, những câu toàn từ đệm hoặc còn gọi là “hư từ” thì không thể dịch được. Cũng có khi, nghệ nhân sử dụng các từ “tượng thanh” quá nhiều nên cũng gây trở ngại trong việc dịch thuật. Lại còn có những câu tối nghĩa hoặc thiếu chủ ngữ. Trong trường hợp này đòi hỏi người biên dịch cần am hiểu thủ pháp hát kể sử thi, cần phải đầu tư suy nghĩ để tìm ra ý của nghệ nhân thì dịch mới sinh động.
Một cái khó nữa là người đồng bào DTTS đôi lúc sử dụng ngôn từ ngược, ví dụ muốn nói là “Tôi không ăn cơm được” nhưng họ lại nói “Inh bĩ gơh sõng por” có nghĩa là “Tôi không được ăn cơm”. Nếu không nhạy bén, nếu dịch một cách máy móc sát thì khi đọc sẽ thấy ngây ngô và tối nghĩa.
Ngoài ra, vốn từ tiếng Việt của tôi cũng còn có phần hạn chế, nên tôi đã phải vừa làm và vừa tự học hỏi thêm, do đó chất lượng dịch thuật chưa thật sự sát như nguyên tác của sử thi.
Dẫu vậy, tôi đã không bỏ cuộc. Tôi tự hứa với mình sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để công việc dịch thuật của tôi ngày càng tốt hơn. Và hơn hết, tôi mong mỏi sẽ có thêm nhiều người có năng lực, tâm huyết cùng hợp tác với tôi để công việc dịch thuật đạt chất lượng cao hơn./.
A JAR