Những thầy thuốc quanh tôi
Tôi viết những dòng này mến tặng bạn bè đang công tác trong ngành Y, cùng các đồng nghiệp của họ, những người luôn thân thiện, luôn làm hết sức mình để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
|
Với tôi, tháng 2 “chốt hạ” bằng một ngày kỷ niệm “khá quan trọng”: Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Lý do là, trong số bạn bè thân thiết của tôi, vốn không nhiều, có một số người đang công tác trong ngành Y. Hằng năm vào ngày này, chúng tôi sẽ cố gắng thu xếp “ngồi với nhau một chút”, nhưng chưa bao giờ đủ mặt.
Và cũng xin được nói luôn rằng, tôi rất phục họ, những người đã và đang cống hiến tuổi xuân, sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Họ luôn nỗ lực phấn đấu để xứng đáng “lương y như từ mẫu”.
Ban đầu, khi có ý định viết về họ, vì “bệnh nghề nghiệp’ nên tôi cố gắng tìm kiếm những con số thống kê, nhằm “phác thảo” một bức tranh về ngành Y. Nhưng khi có rồi thì lại không thể nào làm được.
Bởi tôi phát hiện ra, lúc này mình chỉ nhớ đến chuyện, đã nhiều cái Tết rồi, bạn tôi không được đón giao thừa bên gia đình vì phải trực cấp cứu; đôi mắt thâm quầng khi phải trực xuyên đêm; sự chịu đựng đầy căng thẳng và mệt mỏi khi bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân la mắng.
Tất cả những điều đó thôi thúc tôi thoát khỏi tư duy và cách hành văn cũ của mình, cũ đến mức trở thành lối mòn. Cho nên, tôi muốn kể dăm ba câu chuyện hết sức đời thường của những thầy thuốc xung quanh tôi.
Như đã nói ở trên, tôi có một số bạn là y, bác sĩ. Chúng tôi chia sẻ buồn vui trong cuộc sống hàng ngày, giúp đỡ nhau mỗi khi gặp khó khăn. Đôi khi tôi tự thấy xấu hổ vì các bạn giúp tôi là chính, chứ tôi nào giúp được gì cho các bạn.
Bởi cuộc sống mà, có ai mà không đau ốm? Hoặc không có người nhà, người quen cần đến sự chăm sóc của thầy thuốc? Thế cho nên, số lần tôi phiền đến họ nhiều vô số kể. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy họ phàn nàn hay tỏ ý khó chịu.
Cho đến một ngày, tôi bị căn bệnh, có thể gọi là nan y, bất ngờ ập tới quật ngã. Từ một người năng động, hoạt bát và yêu đời, tôi suy sụp cả về thể xác và tinh thần.
Tôi phải tuân thủ chế độ ăn thấp protein. Đó là một chế độ ăn giúp hạn chế tăng urê máu, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Luôn đối mặt với nguy cơ biến chứng, có thể dẫn đến tử vong.
Không phải tôi chưa từng nghĩ về cái chết, thậm chí có thời gian, suy nghĩ về cái chết luôn xuất hiện trong đầu. Thỉnh thoảng có những người cùng bị căn bệnh ấy ra đi không kịp nói câu vĩnh biệt, làm tôi càng nghĩ nhiều về ngày mình chết.
Mình sẽ tìm một nơi nào đó thật xa và âm thầm ra đi- tôi từng suy tính. Sức khỏe yếu ớt, những lần lọc máu đến kiệt quệ không cho tôi nhiều hy vọng sống. “Đôi khi, chết lại là một sự giải thoát”- tôi chua chát nghĩ, và lấy bút viết lên tường câu nói ấy.
Không cần nhắc nhiều đến việc vì sao tôi có thể đứng dậy được. Nhờ ý chí, nghị lực của bản thân; nhờ tình cảm, sự động viên khích lệ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, và cả những người không quen biết.
Và trong đó có sự chăm sóc tận tình không kể ngày đêm của các thầy thuốc, bao gồm những người bạn của tôi.
Có thể sẽ có người cho rằng, vì tôi có bạn bè trong ngành Y, trong cơ sở y tế nên mới được quan tâm, giúp đỡ như vậy. “Hãy là người xa lạ thử xem, không bị “hành” mới lạ”- có người đã nói với tôi.
Tôi không tranh cãi về điều đó, nhưng khẳng định rằng, kể cả những nhân viên y tế hoàn toàn xa lạ vẫn rất thân thiện, nhiệt tình và trách nhiệm.
|
Và tôi kể một câu chuyện. Tôi còn nhớ như in đêm giao thừa năm 2019 trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chúng tôi ngồi trên những giường bệnh kê sát nhau, cùng ăn bánh và nói dăm ba câu chuyện đùa.
Dù vẫn còn rất mệt mỏi sau mấy đêm thức trắng chăm sóc mẹ già nhưng nụ cười vẫn làm cho khuôn mặt rầu rĩ của chị Q. tươi hẳn lại. Được cứu chữa kịp thời và sự chăm sóc chu đáo, nhiệt tình của các y bác sĩ, tình hình sức khỏe của mẹ chị đã khá hơn nhiều.
Trò chuyện khá lâu, Chị Q. ngượng ngùng kể cho tôi nghe việc chị đưa phong bì “cảm ơn” y bác sĩ. “Thú thật với chú, trước khi đi, tôi cũng đã được mấy người mách nước rằng, nếu không quen biết thì cần phải có “quà” gửi bác sĩ để được thăm khám cẩn thận hơn”- chị nói.
Thế nên, ngay sau khi làm thủ tục nhập viện, lựa lúc vắng người nhất, chị và cậu em tìm vào phòng trực của bác sĩ trưởng khoa để đưa quà và nhờ “bác sĩ quan tâm hơn”.
Ai ngờ, anh đã nhẹ nhàng cảm ơn và cương quyết từ chối. Chị hoảng quá, cứ đứng năn nỉ mãi, cho đến khi bác sĩ “dọa” gọi người vào lập biên bản, chị mới chịu rời đi trong lo lắng.
Nhưng hôm sau, rồi hôm sau nữa, chị vẫn thấy y bác sĩ chu đáo, nhiệt tình chạy chữa cho mẹ mình. Và chị hiểu ra một thực tế là: Không phải cứ vào khám chữa bệnh trong bệnh viện là phải có “quà”. Các y bác sĩ vẫn đối xử, phục vụ bệnh nhân chu đáo, dù quen hay lạ, dù có “quà” hay không.
Trong cuộc sống hiện nay, ranh giới giữa đời và nghề, giữa cám dỗ và đạo đức nghề nghiệp rất mong manh. Không thể tránh khỏi những lúc nao núng, cũng không thiếu những cá nhân thoái hóa, biến chất để rồi sa ngã.
Không cần là một người quá quan tâm đến thời sự, cũng có thể nhận ra sự hao hụt niềm tin đối với ngành Y đã có biểu hiện cực đoan thế nào trong thời gian qua.
Nhưng vượt qua những ánh mắt nghi ngờ, vượt qua những lời rì rầm thiếu thiện chí, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế chân chính vẫn vững niềm tin; vẫn kiên trì với nghề, với lời dạy “lương y như từ mẫu” của Bác Hồ. Tất thảy vui, buồn, ước mơ, hy vọng của họ đều gắn với nghề y.
Trong số bạn tôi, có người đã phải đấu tranh rất nhiều giữa “đi hay ở”, khi mà hiện tượng “nhảy việc” từ y tế công lập sang y tế tư nhân trở thành “trào lưu”, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Đó là một quyết định hết sức khó khăn. Không thể không thừa nhận rằng, lời mời chào từ một cơ sở y tế tư nhân rất hấp dẫn, và có lúc anh đã xiêu lòng. Nhưng cuối cùng anh đã lựa chọn ở lại.
Lý do ư? Không hề có ý “lý tưởng hóa”, nhưng những ánh mắt vừa tin tưởng vừa trông chờ, hy vọng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khiến tôi thấy day dứt, thấy mình như là kẻ trốn chạy. Có đôi khi, đi hay ở không chỉ được quyết định bởi thu nhập và cơ hội thăng tiến- anh tâm sự.
Trong ngày 27/2 này, bạn bè tôi phấn khởi chia sẻ những lời chúc tốt đẹp nhất của mọi người dành cho họ. Có thể nói ngành Y cả nước nói chung và đội ngũ y, bác sĩ ở tỉnh nói riêng đã luôn nỗ lực hết mình phục vụ nhân dân. Với đóng góp của mình, họ xứng đáng được nhận sự trân trọng ấy.
Như mọi năm, bữa cơm thân mật của nhóm chúng tôi lại không đủ mặt thành viên. Hai trong số bác sĩ phải trực cấp cứu. Với họ, ngày 27/2 trôi qua trong căng thẳng và mệt mỏi.
Nhưng có hề chi. Dù cuộc sống, công việc có khó khăn, có áp lực thế nào đi chăng nữa, các bạn tôi, và đại đa số y bác sĩ, vẫn sẽ luôn tận tâm cống hiến, nhiệt huyết với nghề, giữ vững y đức.
Tôi tin như vậy!
Hồng Lam