“Những anh hùng vô danh”
Xin được mượn cụm từ của Bác Hồ trong bài nói chuyện với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào ngày 21/10/1964 để làm tiêu đề cho bài viết của mình. Bác đã nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Với những gì mà các thầy, cô giáo nói chung, các thầy, cô giáo đang công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh nói riêng đã, đang và sẽ luôn nỗ lực vì học sinh thân yêu thì họ xứng đáng được tôn vinh là những “anh hùng vô danh” như vậy.
Không “anh hùng vô danh” sao được khi ngày qua ngày, nắng cũng như mưa, hàng trăm giáo viên vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh vẫn vượt núi băng rừng mang con chữ đến với học sinh. Nào đâu mỗi chuyện dạy con chữ ở lớp, các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa còn phải lo thêm chuyện ăn, chuyện ở, chuyện sách vở và cả đến từng nhà, lên tận rẫy tìm gặp phụ huynh, tìm gặp học sinh để vận động các em có ý định bỏ học tiếp tục trở lại lớp.
|
Còn nhớ khi chỉ còn tầm hơn nửa tháng nữa là kết thúc năm học 2022-2023, các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) đã lên mạng xã hội rao bán hai con heo do thầy cô tự góp tiền mua heo giống, chăm sóc mấy tháng trời. Chỉ vì kinh phí nấu ăn cho 63 học sinh ở điểm trường Ty Tu của trường do chính giáo viên đóng góp và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm đã cạn, lo ngại không có cơm trưa miễn phí, quãng đường đi lại xa xôi sẽ khiến các em nghỉ học, các thầy cô bàn nhau bán hai con heo dự định dành liên hoan dịp kỷ niệm 20/11 để lo cơm trưa miễn phí cho các em, đảm bảo duy trì sĩ số đến hết năm học. Biết chuyện, nhiều tổ chức, cá nhân kính phục thầy cô, thương cảm học sinh đã trao tặng nhiều phần quà để nâng đỡ cho các em đến lớp, không chỉ trong quãng thời gian trước khi năm học 2022-2023 kết thúc mà còn cho cả năm học 2023 -2024 này.
Lo cho các em học sinh từ bữa cơm, giấc ngủ, cho đến chuyện học hành, sách vở, áo quần, nhưng cuộc sống của các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa nào đâu phải đủ đầy, thuận lợi. Nhìn hình ảnh các thầy, các cô ngả nghiêng trên con đường dốc trơn trượt, bùn đất nhão nhoét ken đặc bánh xe, tay chân, quần áo lấm lem bùn đất, vẫn cố dắt díu nhau để về trường, về lớp cho đúng giờ, đúng tiết mà vô vàn kính trọng. Nhìn hình ảnh thầy cô giáo ở các điểm trường vùng cao treo điện thoại lên chiếc dây bên góc cửa sổ vì chỉ nơi đó thỉnh thoảng mới có sóng để gọi điện thăm hỏi con cái mà thương. Nhìn những bữa cơm của các thầy cô ở nơi quanh năm mây mù bao phủ đường xa, chợ khó chỉ với ít cá khô được cất trữ trong góc bếp cả mấy tháng trời và chút rau hái vội mà cảm phục.
Điều kiện dạy học, sinh hoạt bộn bề gian khó nhưng với nhiều thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa, hạnh phúc đối với họ trong ngày lễ của nghề dường như rất giản dị. Không phải là những bó hoa rực rỡ sắc màu, cũng không phải là những món quà mang nặng ý nghĩa vật chất mà các thầy cô chỉ mong sao các em được ăn no, mặc áo quần gọn gàng, ấm áp, đến lớp đông đủ, học hành tiến bộ.
|
Ai cũng biết là cho đến nay, cuộc sống của người giáo viên vùng sâu, vùng xa nhìn chung vẫn chưa thể gọi là khá giả. Mức lương có thêm phụ cấp vùng miền nên cao hơn vùng thuận lợi đôi chút nhưng chi phí cho quãng đường đi lại xa xôi, sinh hoạt đắt đỏ và cho những lần về làng “dỗ” trò thì còn lại chẳng đáng là bao. Thế nhưng, họ không chỉ xây đắp sáng kiến kinh nghiệm, những mô hình hay phục vụ cho dạy tốt, học tốt mà còn có những việc làm hết sức nhân văn, từ gom góp chút tiền lương ít ỏi lo bữa cơm miễn phí đến đứng ra kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các em học bổng, áo quần, sách vở, để nâng đỡ bước chân học trò băng qua gập ghềnh của sự học.
Những việc làm ấy của các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa – “những anh hùng vô danh” đã trở thành điểm tựa mọi bề cho học sinh vùng khó. Họ không chỉ mở ra cánh cửa tri thức mà còn mở ra cánh cửa ước mơ, cánh cửa khát vọng cho các em học sinh ở những nơi còn bộn bề thiếu thốn vươn lên thì câu nệ gì cờ, hoa, quà cáp. Phần thưởng lớn nhất đối với họ đó là sự tiến bộ hằng ngày của các học trò đang dạy hay có thêm nhiều học trò cũ nhờ được tiếp cận tri thức mà biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
Khó mà kể hết những gì mà các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa – “những anh hùng vô danh” đã, đang và sẽ ngày đêm lặng thầm, giúp cho các em học sinh vùng khó vốn chịu nhiều thiệt thòi không chỉ được học con chữ, được tiếp cận tri thức mà còn được học kinh nghiệm sống để ứng dụng trong cuộc sống, vươn tới những điều tiến bộ, tốt đẹp. Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin được gửi đến họ sự cảm thông, chia sẻ như một lời tri ân.
Nguyên Phúc