Nhà trường được trao quyền chọn sách giáo khoa
Mấy ngày nay, thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo trao lại quyền chọn sách giáo khoa cho các nhà trường từ năm học 2024-2025 đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ngày 28/12/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020, và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/2/2024.
Điểm khác biệt lớn nhất của Thông tư 27, cũng là điểm được dư luận quan tâm nhất, là quyền quyết định chọn sách giáo khoa được giao về cho các cơ sở giáo dục, thay vì UBND cấp tỉnh như Thông tư 25.
Cụ thể, mỗi cơ sở giáo dục thành lập một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học được thành lập một hội đồng.
|
UBND cấp tỉnh, thay vì trực tiếp thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cho cả tỉnh, thì nay chỉ còn nhiệm vụ ra quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục lựa chọn (do sở GD&ĐT trình).
Ban đầu, khi đọc thông tin này, tôi bất ngờ về “đường đi” khá lòng vòng của quy định lựa chọn sách giáo khoa.
Trước đó, ngày 30/1/2020, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 01, trong đó quy định, quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa là của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Đến ngày 26/8/2020, Bộ GD&ĐT lại ban hành Thông tư số 25 thay thế Thông tư 01, trong đó quy định hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh thành lập, giúp UBND cấp tỉnh lựa chọn sách giáo khoa.
Khi triển khai, quy đinh này gặp nhiều phản ứng trái chiều của dư luận. Ngay cả Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa cũng đánh giá rằng quy định lựa chọn sách giáo khoa phổ thông tại Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới việc triển khai không thống nhất giữa các địa phương; thậm chí, tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.
Và thế là, sau 3 năm học lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư 25, Bộ GD&ĐT đã phải xây dựng và ban hành Thông tư 27 về quy định chọn sách giáo khoa, trong đó quyền lựa chọn sách giáo khoa được trả lại về các nhà trường.
Nhưng sau đó, tôi cho rằng, đây là việc làm cần thiết. Và qua theo dõi dư luận cho thấy, khác với một số quyết định khác liên quan đến giáo dục, việc trao quyền chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục phổ thông nhận được sự ủng hộ của đa số ý kiến.
|
Khảo sát ở một số trường học và phụ huynh học sinh cũng cho thấy sự thống nhất cơ bản về cách nhìn nhận đối với vấn đề này.
Một giáo viên trung học cơ sở ở thành phố Kon Tum (đề nghị giấu tên) nhìn nhận việc trao quyền chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục phổ thông là hợp lý.
Bản thân tôi ủng hộ việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa về cho các trường. Đội ngũ giáo viên là những người sát nhất với chương trình, với học sinh, nên khi nghiên cứu, có thể nhìn ra được điểm mạnh, yếu của từng bộ sách để thuận lợi cho quá trình dạy học- cô nói.
Về góc độ quản lý giáo dục, một hiệu trưởng cho rằng, khi nhà trường và các giáo viên kết hợp thảo luận, nghiên cứu sẽ tìm ra được bộ sách giáo khoa nào là thích nhất, phù hợp nhất với học sinh của trường.
Theo vị hiệu trưởng này, việc trao quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường khắc phục được bất cập của quy định cũ là người trực tiếp sử dụng sách giáo khoa (giáo viên, học sinh) lại không có quyền chọn sách giáo khoa, dẫn đến nguy cơ không sát thực tiễn, không phù hợp với mong muốn của người dạy, người học.
Trước đây, việc chọn sách giáo khoa thuộc hội đồng cấp tỉnh nên trách nhiệm của các trường, của giáo viên chưa cao. Thậm chí nảy sinh tâm lý “cứ đề xuất, nhưng chắc gì hội đồng lắng nghe, lựa chọn” nên làm cho có.
Với phụ huynh học sinh, việc trao quyền cho nhà trường lựa chọn sách giáo khoa sẽ giúp nhà trường chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tế, tạo sự thống nhất. Điều này đồng nghĩa với việc giảm bớt phiền phức cho phụ huynh.
Anh Nguyễn Văn Sơn (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) bày tỏ ủng hộ quyết định này. “Mấy năm học rồi, cứ vào đầu năm là phấp phỏng chờ tin của nhà trường về sách giáo khoa để mua sắm, không dám mua trước vì phải chờ hội đồng cấp tỉnh duyệt”- anh Sơn kể.
Nhưng với quyết định mới, anh Sơn tin tưởng nhà trường sẽ chủ động trong xây dựng kế hoạch giáo dục, trong đó có lựa chọn sách giáo khoa sớm để khắc phục bất cập trên.
Tất nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn rằng, khi các trường được trao quyền chọn sách sẽ nảy sinh tiêu cực giữa nhà trường và các nhà xuất bản, hoặc các đầu mối cung cấp sách giáo khoa.
Nhất là khi việc chọn bộ sách giáo khoa nào không chỉ đơn thuần về chuyên môn, mà đi cùng đó là các kiểu lợi ích. Từ đó sẽ dẫn đến việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện trên “quan hệ” và “sở thích”, hay “nhu cầu” của nhà trường.
Vì vậy, khi trao trả quyền lựa chọn sách giáo khoa về các trường thì vấn đề đặt ra là phải có cơ chế để đảm bảo hội đồng lựa chọn SGK công tâm, bài bản, minh bạch, vì giáo viên và học sinh.
Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề này, từng giáo viên phải ý thức sâu sắc về quyền và vai trò của mình, làm việc một cách nghiêm túc, không qua loa. Người đứng đầu cơ sở giáo dục không thể can thiệp và thao túng vào quyết định lựa chọn sách giáo khoa của giáo viên.
Nhiều ý kiến đề nghị nhà trường có thể tham khảo ý kiến của học sinh, là đối tượng trực tiếp sử dụng sách, để nắm được ưu điểm, hạn chế của các bộ sách, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp.
Về góc độ quản lý, dù đã trao quyền cho các trường, nhưng các cấp quản lý (phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT) cũng cần có quy định về việc giám sát việc thực thi quyền lựa chọn của nhà trường để đảm bảo tính minh bạch và phù hợp thực tiễn.
Nhưng dù ai có quyền chọn sách giáo khoa, thì cuối cùng vẫn là để phục vụ việc dạy và học. Vì vậy, hãy luôn nghĩ đến lợi ích của sự nghiệp “trồng người”, đừng để học sinh phải gánh hậu quả từ việc chọn sai.
Thành Hưng