Ngục Kon Tum, ngày trở lại
Giữa tháng 12, trời biêng biếc xanh, gió se sắt lạnh, chúng tôi rảo bước về thăm Ngục Kon Tum – nơi một thời được ví là “địa ngục trần gian”. Dưới tượng đài bất khuất, ai nấy bồi hồi nghe lại những câu chuyện “lấy cái chết chống lại cái chết” năm xưa.
1. “Lao ngoài biến động vừa yên/ Lao trong hưởng ứng tuyên truyền đấu tranh/ trăm rưỡi người đồng thanh nỗ lực/ hô khẩu hiệu tuyệt thực tranh đua/ vỗ tay diễn thuyết reo hò/ Đế quốc mật vỡ, hung đồ hồn bay” - đọc vang những dòng thơ được chép lại trong quyển Ngục Kon Tum của tác giả Lê Văn Hiến, ông Huỳnh Đăng Hải không giấu được nghẹn ngào.
Rảo bước về phía gò đất cao, ông Hải lặng im ngắm nhìn, chìm trong những hồi ức. Đâu chỉ lần này, mỗi lần đến với nơi đây, trong ông lại vẹn nguyên cảm xúc, hệt như những lần được cùng ông nội – cụ Huỳnh Đăng Thơ rảo bước dưới bóng xà cừ xanh ngút.
Ông Hải và cả gia đình luôn tự hào vì cụ Huỳnh Đăng Thơ là đảng viên cộng sản đầu tiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ở Kon Tum. Nhớ ngày trước, mỗi lần ông nội đến với Kon Tum, ông Hải đều đưa về thăm Ngục Kon Tum. Với ông, đó là khoảng thời gian vô cùng quý báu, ông luôn trân quý. Chính tại nơi này, ông đã được nghe rất nhiều về ý chí, tinh thần đấu tranh của các anh hùng, liệt sĩ của dân tộc. “Ông nội tôi gắn bó với cụ Ngô Đức Đệ như hai anh em ruột. 2 ông là trong số những người có công lập ra tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên ở Kon Tum, lại là chi bộ giữa hàng ngũ địch. Cả đời hướng về cách mạng, ông nội tôi nói rằng, trong hoàn cảnh tưởng chừng bế tắc, chính sự ra đời của Chi bộ binh đã thể hiện tinh thần cách mạng chủ động, sáng tạo, tạo điều kiện truyền bá lý tưởng của Đảng. Luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, với nỗ lực của ông nội tôi cũng như các đồng chí, các đường liên lạc được thông suốt, tiếp nhận được chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng” - ông Huỳnh Đăng Hải bồi hồi kể lại.
|
Dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ hi sinh trong cuộc đấu tranh lưu huyết, tuyệt thực, ông Huỳnh Đăng Hải cũng nhớ lại câu chuyện từng được nghe từ cụ Huỳnh Đăng Thơ: “Ông nội tôi đã tuyệt thực 21 ngày đêm để chống sự tra tấn khai thác của địch. Noi gương ông, các đồng chí, đồng đội cũng tuyệt thực để đấu tranh. Và bọn địch đã chùn tay lại trước tinh thần thép, ý chí quật cường của các chiến sĩ cách mạng”.
Ông Hải được 24 tuổi cũng là lúc cụ Huỳnh Đăng Thơ về “đoàn tụ” với các đồng đội, chiến sĩ đã hy sinh. Cụ mất đi nhưng tinh thần, ý chí cách mạng, yêu nước, thương dân, suốt đời cống hiến vẫn luôn sống mãi. “Gia đình tôi có 4 đời theo cách mạng, tham gia các cuộc kháng chiến. Giờ đây, trong thời bình, chúng tôi càng thấm thía lời truyền dạy của ông nội, mỗi thành viên trong gia đình đều nỗ lực sống tốt” – ông Hải cho hay.
2. Ở thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, năm nào ông Lê Việt Hùng cũng đôi ba lần tìm về thăm ngục Kon Tum, dâng hương bày tỏ niềm biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ. Và lần này, trở về thăm ngục, trong ông dạt dào cảm xúc. “Nhà phạt lúc ấy người nào người nấy đều liệt nhược, đi đứng không vững chỉ ôm nhau nằm chồng chất trong nhà lao” –những dòng phóng sự trong tác phẩm Ngục Kon Tum của Lê Văn Hiến khiến ông Hùng không kìm được sự xúc động. “Nay ta được sum vầy vô sự/ hạnh phúc này bởi tự đấu tranh” – ông thốt lên hai câu thơ của Lê Văn Hiến trong nghẹn ngào.
|
Tháng 3/1966, từ quê nhà Quảng Nam, ông Hùng tình nguyện tham gia quân giải phóng thuộc đơn vị 304, H30 (nay là huyện Đăk Glei). “Ngày đầu tiên ở đơn vị, trong buổi học về lịch sử chính trị địa phương, tôi biết về ngục Kon Tum, biết về đồng chí Bí thư Chi bộ binh Huỳnh Đăng Thơ, biết về các cuộc đấu tranh lưu huyết, tuyệt thực. Lúc đó, cảm xúc rưng rưng khó tả lắm, trong đầu cứ hình dung ra cảnh tượng lưng dựa bên cùm, hình ảnh khổ sai… Những câu chuyện như thôi thúc, khiến ý chí cách mạng càng dâng cao. Giữa rừng thiêng nước độc, chính những cuộc đấu tranh kiên cường càng giúp chúng tôi giác ngộ cách mạng. Bản thân tôi cũng như các đồng chí, đồng đội quyết tâm tiếp bước theo cha ông, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” – ông Hùng bồi hồi nhớ lại.
Kon Tum giải phóng, ông Hùng liền đặt chân đến khu đất Ngục Kon Tum. Nhìn những dấu tích còn sót lại, càng giúp ông hiểu hơn về những tội ác dã man của chế độ lao tù thực dân với chính trị phạm tại Ngục Kon Tum; càng hiểu hơn về tinh thần cách mạng của các anh hùng, liệt sĩ.
Đến bây giờ, ông luôn ghi nhớ những câu chuyện, lịch sử về các cuộc đấu tranh, đặc biệt là cuộc đấu tranh lưu huyết và cuộc đấu tranh tuyệt thực. “Trong thời bình, tôi càng thấm thía về ý chí, tinh thần cách mạng. Mỗi lần trở về Ngục Kon Tum, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, ý chí, tinh thần để phấn đấu, tiếp bước cha ông theo lý tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng tôi và cả thế hệ sau – là những người tiếp bước, phải sống thật tốt, phải noi gương để xây dựng nước nhà thêm phồn thịnh” – rảo bước trong Ngục Kon Tum, ông Hùng nói lời tâm huyết.
|
3. Kể rõ ràng về từng sự kiện lịch sử trong cuộc đấu tranh tuyệt thực, cuộc đấu tranh lưu huyết, anh Phạm Bình Vương – cán bộ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch luôn tự hào vì bản thân từng vinh dự được thuyết minh về hai cuộc đấu tranh cho các vị khách đến với tỉnh nhà.
Bản thân đam mê tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của dân tộc nói chung và của tỉnh nhà nói riêng, anh Vương nói rằng, mỗi giai đoạn lịch sử đều có điểm nhấn riêng. Với tỉnh ta, Ngục Kon Tum là tư liệu sống, là dấu ấn lịch sử quan trọng về đấu tranh cách mạng, là minh chứng hùng hồn về cuộc đấu tranh vô cùng kiên cường, anh dũng của dân tộc ta trên đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Anh Vương luôn tìm hiểu về thơ ca, những ghi chép liên quan đến Ngục Kon Tum. Thậm chí, mỗi lần có dịp, anh luôn xâu chuỗi các sự kiện có liên quan đến Ngục Kon Tum. “Qua tìm hiểu, tôi thấy nhiều cuộc đấu tranh sau này đều xuất phát từ tinh thần, cuộc đấu tranh của những người tù chính trị ở Ngục Kon Tum” – anh Vương chia sẻ.
Anh Vương không thể nhớ trong một năm anh về thăm Ngục Kon Tum bao nhiêu lần. Lần nào cũng vậy, với lòng trắc ẩn của mình, anh luôn cố gắng tìm tòi những câu chuyện trong hai cuộc đấu tranh tuyệt thực, lưu huyết để gởi đến các du khách khi đến với Kon Tum, để mọi người hiểu hơn về tinh thần dũng cảm, kiên cường.
Mỗi khi thắp nhang, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, anh Vương lại nhớ như in hai dòng thơ của cụ Hồ Bá Cư (tức Hồ Tùng Mậu): “Sớm tối đi về lòng thổn thức/ Thấy người nằm đó nghĩ mình sao”. Anh nói rằng, mỗi dòng thơ như thúc giục bản thân phải luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao, tiếp tục tìm hiểu, giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Các lớp cha ông đã kiên cường nằm xuống để Tổ quốc quyết sinh, mình phải nỗ lực sống cho xứng đáng.
Dưới bóng xà cừ, ông Hải, ông Hùng và anh Vương rảo bước trong khuôn viên Ngục Kon Tum. Dù mỗi người có cảm xúc khác nhau, nhưng ở họ đều chung một niềm tự hào về tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người tù chính trị nói riêng, của dân tộc nói chung.
Hoài Tiến