Nét đẹp tâm linh ngày mùng Một Tết
Sáng mùng một Tết, thay vì đóng cửa ở trong nhà, người dân ở Kon Tum lại nườm nượp tìm về các nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang nhân dân để thắp những nén nhang tưởng nhớ người đã khuất.
Tôi để ý, từ nhiều năm nay, sáng mùng Một Tết, thay vì đóng cửa trong nhà vì kiêng cữ, hầu hết gia đình ở xóm tôi lại đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, viếng mộ người thân ở nghĩa trang nhân dân.
Trong xóm tôi có 3 người là con liệt sĩ. Tết nào cũng vậy, sáng mùng một, cả gia đình dậy sớm sửa soạn hương hoa, trái cây, bánh mứt, sau đó đến Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh thắp nhang.
Năm ngoái tôi đã đi cùng họ và nhận thấy trên ngôi mộ liệt sĩ nào cũng nghi ngút nhang thơm. Nghe người quản trang kể, bắt đầu từ sáng mùng Một cho đến hết Tết, ngày nào cũng có khá đông người đến viếng nghĩa trang và thắp nhang trên mộ liệt sĩ.
|
Thắp nén tâm nhang, bày tỏ lòng tri ân, sự kính trọng những anh hùng liệt sĩ hy sinh máu xương vì Tổ quốc đã trở thành nét đẹp văn hóa ngày xuân- người quản trang xúc động nói.
Và đặc biệt hơn, rất nhiều gia đình, dù không có thân nhân là liệt sĩ an nghỉ tại đây, nhưng vẫn chọn hướng xuất hành đầu năm là nghĩa trang liệt sĩ. Họ đến thắp nhang cho các liệt sĩ, nhất là những mộ liệt sĩ còn chưa xác định được tên tuổi, bày tỏ lòng biết ơn, sự thành kính của mình.
Hẳn là với mỗi người, vào buổi sáng đầu năm, thắp nén tâm nhang trước phần mộ liệt sĩ, sẽ thấy cuộc sống thêm tình người, thêm lòng biết ơn, thêm trách nhiệm với cuộc sống, với quê hương, đất nước.
Không chỉ đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, cũng trong sáng mùng Một Tết, dòng người nườm nượp đổ về các nghĩa trang nhân dân để thắp những nén nhang tưởng nhớ người đã khuất.
Tôi nhớ năm nào cũng vậy, 6 giờ ngày mùng Một, gia đình bà Nguyễn Thị Mai ở trước nhà tôi đã chộn rộn chuẩn bị xuất hành lên Nghĩa trang nhân dân thành phố Kon Tum viếng mộ ông bà, tổ tiên.
Trong khi bà Mai cùng cô con dâu tíu tít chuẩn bị nhang, hoa, nến, trái cây, rượu, trà thì anh Vũ- con trai bà Mai, và 2 đứa cháu trai hì hụi chất mấy chậu vạn thọ vàng rực lên xe để trưng trước các ngôi mộ.
Sáng mùng Một Tết hàng năm, tôi đều cùng người thân trong nhà lên nghĩa trang lo hương khói. Đây cũng là ngày để con cháu thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên đã sinh thành, dưỡng dục mình- anh Vũ tâm sự.
Theo anh Vũ, kinh nghiệm là nên đi sớm, vừa mát mẻ, lại không lo tắc đường. Có năm, do trực cơ quan nên mãi đến 9 giờ, anh Vũ mới về cùng cả nhà đi nghĩa trang. Có lẽ vì đi vào “giờ vàng” nên đường lên nghĩa trang rộng thênh thang bỗng chốc trở nên chật chội bởi người, xe.
Có năm, do lượng người đổ về quá đông nên xảy ra tình trạng ùn tắc, nhất là khu vực cổng ra vào và các đường nhánh bên trong nghĩa trang. Dòng người phải nhích từng tý một để vào đến mộ người thân, ông bà.
|
Không ai biết thói quen này bắt đầu từ khi nào, và cũng không thể biết được là trên đất nước ta, có bao nhiêu vùng quê mà người dân có thói quen “xuất hành” đầu năm về hướng nghĩa trang. Nhưng ông anh tôi thì một mực cho rằng: chỉ có duy nhất ở Kon Tum, ở các nơi khác, họ chỉ đi viếng nghĩa trang trước Tết- trừ nghĩa trang liệt sĩ.
Có thể điều đó chưa chính xác, nhưng rõ ràng thói quen ấy đã trở thành nét văn hóa tâm linh rất đẹp của người dân Kon Tum, và được mọi người dân chấp nhận, thực hiện một cách thành tâm.
Tết đến, ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe, tiến bộ, thành đạt hơn năm cũ. Tết còn là dịp biểu lộ sự giao lưu tình cảm, hòa hợp giữa con người với nhau, trong đó có cả người đang sống và người đã qua đời.
Trong tâm thức của người Việt Nam, mùng Một Tết là ngày thiêng liêng nhất của cả một năm. Vì thế, ai cũng muốn thắp nén tâm nhang nhớ ơn tổ tiên và cầu tổ tiên phù hộ cho gia đình sức khỏe, đoàn kết, làm ăn thịnh vượng.
Nghĩa trang nghi ngút khói nhang. Không chỉ thắp nhang cho ông bà, tổ tiên mà ai cũng thành kính thắp nén nhang thơm cho những ngôi mộ xung quanh. Nhất là những ngôi mộ chưa có người thân đến thăm viếng, hoặc không có người thân, để ấm lòng người nơi chín suối và yên lòng người thân chưa kịp về viếng mộ.
Có những người vợ, người mẹ dẫn theo con nhỏ lặng lẽ đứng bên mộ chồng, mộ cha, khuôn mặt thẫn thờ, dường như nỗi đau vẫn chưa kịp nguôi ngoai. Bàn tay mẹ nắm chặt tay con...
Có những bà cụ lưng đã còng xuống vì thời gian tỷ mẩn nhổ từng cọng cỏ vương trên mộ, chăm chút lau dọn trang thờ, rồi nhắc con cháu chia nhau đi thắp nhang cho những ngôi mộ xung quanh.
Thỉnh thoảng tiếng chúc năm mới, tiếng chào hỏi rộn lên, bởi trong dòng người có đủ mặt bạn bè, cô dì, chú bác, hàng xóm, đồng nghiệp. Nghĩ cũng lạ, nghĩa trang vốn phải là nơi âm khí lạnh lẽo, u tịch, nhưng vào sáng mùng Một lại phủ một bầu không khí ấm áp tình người.
Mấy năm gần đây, ban quản lý nghĩa trang đã tu sửa đường vào nghĩa trang; phân luồng, hướng dẫn người và xe ra vào đảm bảo thông thoáng. Các phương tiện được sắp xếp dừng, đỗ tại các vị trí hợp lí để không ảnh hưởng việc di chuyển.
Người đi viếng mộ cũng có ý thức di chuyển trật tự, hạn chế tối đa hành vi chen lấn, xô đẩy nên đã cơ bản khắc phục được tình trạng kẹt xe, ách tắc giao thông.
Giữa nắng chang chang, dòng người cứ nhích từng tý nhưng không hề có sự lộn xộn, hay một tiếng gắt gỏng, càu nhàu nào. Ngay cả mấy anh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng ở khu vực cổng ra vào nghĩa trang cũng luôn mỉm cười, nhiệt tình hướng dẫn, dù trên lưng áo ướt đẫm mồ hôi.
Bởi vậy, có thể nói, viếng nghĩa trang sáng mùng Một Tết đã thành nét đẹp văn hóa mang tính tâm linh, thể hiện tấm lòng, đạo nghĩa và sự tri ân của người còn sống đối với tổ tiên, ông bà.
Hồng Lam