Nâng cao năng lực và chất lượng mạng lưới y tế cơ sở
Nhân kỷ niệm kỷ niệm 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2017), phóng viên Báo Kon Tum đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
- Phóng viên: Xin ông cho biết, thực trạng mạng lưới y tế cơ sở hiện nay ở Kon Tum như thế nào?
- Bác sĩ Đào Duy Khánh: Toàn tỉnh hiện nay có 10 trung tâm y tế huyện, thành phố; trong đó, 8 trung tâm y tế thực hiện 2 chức năng là y tế dự phòng và khám, chữa bệnh với 450 giường bệnh và 2 trung tâm y tế thực hiện 1 chức năng là y tế dự phòng; 14 phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc 9 trung tâm y tế huyện, thành phố (trừ huyện Đăk Tô không có phòng khám đa khoa khu vực) với 170 giường bệnh. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 102 trạm y tế xã, phường, thị trấn với 510 giường bệnh (mỗi trạm y tế 5 giường bệnh) và 100% thôn, làng, tổ dân phố đã có nhân viên y tế hoạt động.
Đối với tuyến huyện, từ năm 2006 đến nay, trung tâm y tế các huyện: Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông và thành phố Kon Tum đã được nhà nước đầu tư xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp mở rộng về cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị thiết yếu và nhiều trang thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân ở tuyến cơ sở và giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, với tổng đầu tư 263,3 tỷ đồng. Giai đoạn 2008 - 2010, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã đầu tư cải tạo, mở rộng, nâng cấp và xây dựng mới 11/14 phòng khám đa khoa khu vực, đồng thời đầu tư mới trang thiết bị hiện đại với tổng đầu tư gần 40 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà nước đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp trên 50 trạm y tế với gần 80 tỷ đồng.
- Phóng viên: Từ sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị như vậy, kết quả hoạt động chuyên môn của y tế cơ sở trong những năm qua như thế nào, thưa ông?
- Bác sĩ Đào Duy Khánh: Trong những năm qua, trung tâm y tế các huyện, thành phố đã đảm bảo tốt công tác khám chữa bệnh, bình quân trong năm, số lượt người đến khám chữa bệnh chiếm trên 25% trong tổng số lượt khám chữa bệnh trên toàn tỉnh; công suất sử dụng giường bệnh bình quân đạt trên 80%, trong đó một số bệnh viện có công suất giường bệnh cao như: Đăk Glei, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô.
|
Ngoài ra, trung tâm y tế các huyện, thành phố còn thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh và triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát hỗ trợ trạm y tế xã hoạt động có hiệu quả, nên tình hình dịch bệnh tương đối ổn định.
Chất lượng hoạt động tại các trạm y tế xã từng bước được nâng lên. Việc bố trí bác sĩ về công tác tại trạm y tế xã đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, bình quân trong năm, số lượt người đến khám chữa bệnh chiếm trên 70% trong tổng số lượt khám chữa bệnh trên toàn tỉnh. Hầu hết nhân viên y tế thôn, làng đều phát huy tác dụng tốt và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
- Phóng viên: Mạng lưới y tế cơ sở đã có bước phát triển, tuy nhiên so với yêu cầu vẫn có một số bất cập, hạn chế, ông có thể cho biết cụ thể hơn?
- Bác sĩ Đào Duy Khánh: Chất lượng cung cấp dịch vụ y tế của một số cơ sở y tế tuyến huyện, xã chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh còn hạn chế so với phân tuyến kỹ thuật (bình quân bệnh viện tuyến huyện đạt 32%, phòng khám đa khoa khu vực đạt 20% và tuyến xã đạt 49% so với danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến quy định); các dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chuyên môn của tuyến huyện như các phẫu thuật, thủ thuật, các kỹ thuật hồi sức cấp cứu... chậm được triển khai; chưa triển khai được một số chuyên khoa lẻ như: mắt, tai mũi họng, phục hồi chức năng và khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền còn hạn chế.
Hoạt động phòng khám đa khoa khu vực chưa tương xứng với vai trò là tuyến sau của y tế xã. Một số dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chưa đến được thường xuyên với người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Trình độ năng lực của y tế cơ sở ở một số nơi còn hạn chế nhất định. Phần lớn bác sĩ đưa về công tác tại xã là mới ra trường, còn thiếu kinh nghiệm trong chuyên môn. Mạng lưới nhân viên y tế thôn làng luôn có sự biến động qua từng năm, nên hiệu quả hoạt động của các đội ngũ này chưa cao.
- Phóng viên: Để khác phục những tồn tại đó, trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh đã có những kế hoạch như thế nào?
- Bác sĩ Đào Duy Khánh: Mục tiêu chung của ngành trong thời gian tới là đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trạm y tế xã thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện. 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Phấn đấu 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe. Hoàn thành việc đầu tư trạm y tế ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trạm y tế xã thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện. 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe…
- Phóng viên: Xin cám ơn ông!
Trần Văn Phúc (thực hiện)