Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS
Sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 6/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (viết tắt Nghị quyết số 02-NQ/TU), tỉnh ta đạt kết quả tích cực và chuyển biến theo hướng bền vững.
Sau khi Nghị quyết số 02-NQ/TU được ban hành, việc triển khai thực hiện luôn đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước, sự phối hợp của các ban, ngành, sự hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh cho đến cơ sở và sự chung tay chăm lo của toàn xã hội.
Các cấp ủy cơ sở, các chi bộ nhà trường chú trọng triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, chủ động đề xuất tham mưu cấp ủy, chính quyền các giải pháp huy động học sinh ra lớp, chăm lo giáo dục có hiệu quả. Chi bộ nhà trường đã quan tâm lãnh đạo toàn diện các hoạt động đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; đảng viên, cán bộ quản lý giáo dục phát huy vai trò nêu gương, tiên phong trong xây dựng mô hình hay, cách làm hiệu quả.
|
Các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là các xã, phường, thị trấn, các chi bộ nhà trường đã ban hành các văn bản triển khai và thường xuyên lãnh đạo thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh vùng DTTS trong phạm vi lãnh đạo, quản lý. Các chi bộ, đảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đã phát huy trách nhiệm sáng tạo trong việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cải thiện điều kiện học tập cho học sinh vùng DTTS.
Công tác quản lý nhà nước về nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS được chú trọng triển khai. Điển hình là việc HĐND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù của địa phương như hỗ trợ kinh phí phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh học phổ thông; miễn học phí đối với học sinh vùng DTTS học hệ giáo dục thường xuyên; hỗ trợ kinh phí tăng cường môn tiếng Việt cho học sinh mầm non.
Qua hai năm triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TU, tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho các chính sách học sinh vùng DTTS, vùng khó khăn của tỉnh hơn 354,221 tỷ đồng. Đồng thời, còn huy động có hiệu quả các nguồn lực bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Việc sử dụng có hiệu quả các chính sách tạo điều kiện thuận lợi để huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội các cấp cùng vào cuộc với sự chung tay của các ban, ngành, hệ thống trường lớp các cấp học ngày càng được sắp xếp, củng cố, trong đó hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú được quan tâm duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS được ưu tiên đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh vùng DTTS.
Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với giáo viên, học sinh vùng đồng bào DTTS, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn được triển khai kịp thời, góp phần quan trọng giảm bớt khó khăn về kinh tế, tạo cơ hội cho học sinh đến trường.
|
Ngoài các chế độ chính sách của Nhà nước hỗ trợ, sự vào cuộc của toàn xã hội cũng được thể hiện rõ ở việc đa dạng trong tổ chức mô hình bán trú dân nuôi. Đơn cử như việc cha mẹ học sinh đã chung tay góp lương thực, thực phẩm cùng nhà trường để nấu ăn cho các em hoặc cha mẹ nấu cơm cho các em mang theo duy trì học 2 buổi trên ngày; tham gia đóng góp ngày công hay vật liệu cùng nhà trường tăng cường môi trường học tập cho học sinh. Mô hình này được các cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, nhân rộng, huy động nhiều nguồn lực xã hội quan tâm.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên được bổ sung về số lượng, khá đồng bộ về cơ cấu, ngày càng được nâng cao về chất lượng. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên công tác vùng DTTS có tâm huyết hơn, gắn bó, trách nhiệm và sáng tạo trong tổ chức hoạt động giáo dục, đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng vùng DTTS. Một số địa phương chủ động đăng ký nguồn tuyển và phát huy chính sách đào tạo giáo viên để kịp thời đáp ứng nguồn nhân lực cho địa phương.
Có thể nói, sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, các mục tiêu Nghị quyết đề ra đã đạt kết quả tích cực và chuyển biến theo hướng bền vững, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS.
Dương Đức Nhuận