Lương y phải như từ mẫu
Thầy thuốc là một nghề cao quý, bởi họ có sứ mệnh cao cả là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đây là nhiệm vụ vẻ vang, nhưng cũng đặt lên vai người thầy thuốc những trách nhiệm rất nặng nề.
Cách đây 69 năm, trong thư gửi cho ngành Y tế ngày 27/2/1955 nhân dịp tổ chức Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc, Bác Hồ đã căn dặn, những người làm công tác y tế phải thực hiện cho kỳ được tinh thần trách nhiệm lớn lao trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt, “phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”.
Suốt những năm qua, lời căn dặn của Bác đã trở thành kim chỉ nam và động lực cho đội ngũ người thầy thuốc Việt Nam phấn đấu, rèn luyện.
Trong những năm tháng gian khổ, ác liệt của chiến tranh, lớp lớp thầy thuốc đã có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh và nhân dân. Không ít thầy thuốc đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
|
|
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ những người thầy thuốc tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, nâng cao y đức, y nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước.
Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, những người làm công tác y tế trên cả nước luôn thầm lặng cống hiến, hy sinh để thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân mà Đảng, Nhà nước giao phó. Vì thế, Đảng, Nhà nước ta cũng luôn đánh giá cao và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho y tế phát triển, nhân dân ta luôn quý trọng những người làm nghề y.
Nhằm nêu cao trách nhiệm và vị trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời, tôn vinh, cổ vũ cán bộ y tế quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ, ra sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 39-HĐBT lấy ngày 27/2 hàng năm làm ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Thực hiện lời dạy “Lương y phải như từ mẫu” của Bác Hồ, cùng với đội ngũ những người thầy thuốc trong cả nước; các y, bác sĩ tỉnh ta luôn phát huy vai trò trách nhiệm, nỗ lực thực hiện y đức, nêu cao những phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc, tận tụy phục vụ và thương yêu chăm sóc cho người bệnh. Các thế hệ thầy thuốc đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người thầy thuốc của nhân dân.
Đặc biệt, trong những năm diễn ra đại dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh đã không quản gian khổ, hy sinh, luôn vững vàng trên “mặt trận” chống dịch, cùng với các lực lượng trên tuyến đầu kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, góp phần bảo đảm điều kiện cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh, y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến cơ sở không ngừng được đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường, các quy trình thủ tục từng bước được rút gọn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Mặc dù vậy, thực tế có lúc, có nơi, việc tổ chức thực hiện công tác khám, chữa bệnh còn những bất cập; chuyên môn nghiệp vụ của một số y, bác sĩ chưa cao. Đâu đó vẫn có những cán bộ y tế có thái độ ứng xử chưa đúng mực khiến người bệnh chưa hài lòng.
Xã hội phát triển cũng đặt ra cho ngành Y tế nhiều thách thức hơn khi nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, các bệnh truyền nhiễm, bệnh mới, lạ khó lường. Điều đó, đòi hỏi dịch vụ khám chữa bệnh, thái độ phục vụ, ứng xử của cán bộ, nhân viên Y tế càng phải được đề cao. Thời gian, thủ tục khám chữa bệnh phải được cải tiến để đem lại thuận lợi cho người bệnh.
Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành y tế, sự phấn đấu của bản thân mỗi thầy thuốc, luôn cần có sự đồng cảm, ủng hộ, chia sẻ, động viên khích lệ của người dân, của cộng đồng. Qua đó, những người làm ngành Y có thêm niềm tin, động lực để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Thiên Hương