Kon Rẫy: Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS
Nhiều năm qua, để giúp học sinh DTTS hoàn thành tốt chương trình giáo dục phổ thông, các trường học ở huyện Kon Rẫy đã tổ chức nhiều hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh.
Với đặc thù có khoảng 60% học sinh là người DTTS trên địa bàn huyện Kon Rẫy, hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Kon Rẫy đều ban hành kế hoạch tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh người DTTS. Theo đó, việc dạy tiếng Việt thực hiện xuyên suốt trong năm học và cả trong kỳ nghỉ hè.
Theo Phòng GD&ĐT huyện Kon Rẫy, các trường đã có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng góc địa phương, trang trí hình ảnh, tạo môi trường để học sinh người DTTS học tiếng Việt. Ngoài ra, các trường phát huy khả năng tương tác giữa giáo viên với học sinh và giữa học sinh với học sinh; xây dựng thư viện thân thiện, thư viện lớp học, tạo phong trào đọc sách.
|
Tại Trường Mầm non Ánh Dương (xã Đăk Ruồng) mỗi năm học có khoảng 500 học sinh, trong đó gần 70% là học sinh DTTS, chủ yếu là dân tộc Ba Na. Việc dạy học gặp rất nhiều khó khăn do học sinh chủ yếu chỉ nói tiếng dân tộc mình.
Để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, Trường Mầm non Ánh Dương đã xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt trong và ngoài lớp học với các thông tin, dữ kiện phù hợp với năng lực của trẻ và điều kiện thực tế của trường: xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt theo giai đoạn, năm học, lứa tuổi học sinh; lồng ghép nội dung tăng cường tiếng Việt vào từng chủ đề, kế hoạch tuần, từng buổi học; khuyến khích phụ huynh nói tiếng Việt tại trường, tại nhà, khi đưa đón con.
Cô Lê Thị Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương chia sẻ, phương pháp giáo dục trực quan được chú trọng thông qua việc dán chữ viết tiếng Việt vào đồ chơi, đính tên cây lên thân cây, ghế đá để trẻ học (thấy, đọc, nhắc lại, ghi nhớ); tổ chức các hoạt động đọc thơ, ca dao, đồng dao giúp trẻ phát âm lưu loát. Bên cạnh đó, giáo viên trong trường chủ động học tiếng DTTS để giao tiếp, tương tác với học sinh, dạy học sinh nói tiếng Việt.
“Các em mới đi học rất nhút nhát, ngại trò chuyện, thường chỉ giao tiếp với bạn bè trong lớp bằng tiếng của dân tộc mình. Vì thế, mỗi giáo viên phải tự học tiếng để đón trẻ, trò chuyện, gần gũi với các em. Khi đã quen với bạn bè, giáo viên thì học sinh sẽ được học tiếng Việt trong các hoạt động trong và ngoài lớp học”- cô Minh cho hay.
Tương tự, Trường Tiểu học KaPaKơLơng (xã Đăk Tờ Re) cũng đa dạng hóa hình thức tăng cường tiếng Việt, tăng thời lượng môn tiếng Việt bằng những tiết luyện tập tiếng Việt vào buổi chiều các ngày trong tuần; tổ chức trò chơi tập thể, hoạt động văn nghệ, thể thao để học sinh tham gia với tinh thần xung phong nhằm khuyến khích sự chủ động giao tiếp tiếng Việt của học sinh.
|
Theo cô Tiến Kim Dung- Hiệu trưởng Trường Tiểu học KaPaKơLơng, học sinh DTTS nếu không được tăng cường tiếng Việt sẽ tiếp thu bài chậm, rụt rè trong giao tiếp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vì vậy, nhà trường luôn chú trọng tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh. Trong 2 tuần trước khi bước vào năm học mới, trường đã tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1. Qua đó, các em học sinh có sự tiến bộ, mạnh dạn, tự tin hơn khi tiếp xúc với bạn bè, thầy, cô giáo bằng tiếng Việt. Nhà trường yêu cầu giáo viên tiếp tục duy trì và tăng cường việc dạy tiếng Việt xuyên suốt năm học.
Cô Nguyễn Ngọc Hoàng My - giáo viên Trường Tiểu học KaPaKơLơng cho biết: Trong 2 tuần đầu vào lớp 1, giáo viên tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS thông qua tranh ảnh, trò chơi, tập hát múa, giao tiếp với bạn bè. Nhờ vậy, khi bước vào năm học mới, các em tự tin hơn.
Cô Hồ Thị Cảnh - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kon Rẫy cho biết, thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện tiếp tục hướng dẫn các trường trên địa bàn xây dựng môi trường sử dụng tiếng Việt trên nền tảng tiếng DTTS để khơi gợi sự tò mò của học sinh, giúp học sinh vận dụng tiếng Việt trong cuộc sống. Tích cực biên soạn, sưu tầm tài liệu, tranh ảnh phù hợp với trẻ em và học sinh DTTS nhằm giúp học sinh nhớ từ, tạo sự hứng thú trong học tập.
Nay Săt