Khi người nghèo xin được thoát nghèo
Nếu như trước đây nhiều người nghèo trình bày đủ mọi lý do để được làm hộ nghèo thì những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã có những hộ nghèo tình nguyện viết đơn xin được thoát nghèo. Sự thay đổi trước hết từ trong nhận thức của chính hộ nghèo là bước chuyển biến quan trọng, góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo đi vào chiều sâu và ngày càng bền vững.
Chuyện hộ nghèo không muốn thoát nghèo vẫn tồn tại bấy lâu ở các khu dân cư tưởng chừng như ngược đời nhưng lại thật, rất thật. Nguyên do chính xuất phát từ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của chính người nghèo. Vì khi còn giữ được hộ nghèo thì không những được hỗ trợ tiền điện, bảo hiểm y tế, các chế độ học tập cho con, mà mỗi khi có các đoàn từ thiện hay chương trình hỗ trợ của tổ chức, cá nhân nào đó cũng đều nằm trong diện đầu tiên được xem xét.
Và tất nhiên đó không chỉ là chuyện của trước đây. Vì trên thực tế cho đến nay vẫn còn những hộ gia đình, những người dân tư duy cũ, nếp nghĩ cũ nên vẫn khư khư, muốn bám trụ hộ nghèo để mong chờ sự hỗ trợ của Nhà nước từ chuyện ăn, chuyện ở, cho tới chuyện học hành, chuyện chăm sóc sức khỏe.
|
Nhưng, “miệng ăn núi lở” – cha ông ta từ xưa đã nói như vậy. Mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ dù có lớn đến đâu cũng sẽ trôi sông trôi bể nếu bản thân mỗi người, mỗi gia đình thiếu ý chí vươn lên. Nói cách khác, ngoài sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành (điều kiện cần) thì sự nỗ lực của chính hộ nghèo (điều kiện tiên quyết) mới đưa công tác giảm nghèo đi vào bền vững.
Có thể tạm chia hộ nghèo ra thành 2 nhóm. Không muốn thoát nghèo (lười biếng lao động, sa đà vào rượu chè, cờ bạc, thụ động) và không thể thoát nghèo (đau ốm, thiên tai, hoạn nạn, già cả, thiếu sinh kế). Trên cơ sở phân tích, nắm bắt nguyên nhân dẫn đến nghèo, cùng với việc triển khai các chính sách từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn cho người nghèo, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tập trung triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” để người nghèo có sự thay đổi về nhận thức, tự phát huy nội lực của chính mình.
Từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và từ Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, các cấp, các ngành mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ cây giống, phân bón, các mô hình sản xuất. Được chỉ hướng đi, được hỗ trợ các điều kiện cần thiết, được cầm tay chỉ việc và quan trọng nữa là sự thay đổi về nếp nghĩ, nhiều người nghèo vốn gặp hoạn nạn, ốm đau, chưa biết cách làm ăn đã được tiếp sức, hiện thực khát vọng, tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Và rõ ràng, khi đâu đó vẫn còn tồn tại tư tưởng trông chờ, ỷ lại thì những lá đơn tình nguyện xin được thoát nghèo của các hộ nghèo trong mấy năm gần đây thật sự đáng trân trọng. Từ một vài hộ ban đầu ở một vài địa phương, dần dà ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có những hộ nghèo viết đơn tình nguyện xin thoát nghèo. Trong số đó, có những hộ sau nhiều nỗ lực vươn lên đã thoát khỏi nghèo nàn, cuộc sống ổn định, dần vươn lên khá giả; nhưng, cũng có những hộ cuộc sống mới tạm ổn, vừa đủ mức thoát nghèo đã tình nguyện xin thoát nghèo.
|
Những hộ này đều biết rằng, là hộ nghèo sẽ nhận được trợ cấp của Nhà nước và sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành nhiều hơn. Nhưng, họ cũng biết, nếu chỉ vì mong chờ sự hỗ trợ thì muôn đời vẫn mãi là hộ nghèo. Muốn vươn lên, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, thì khả năng tự thân vận động, nuôi dưỡng và hiện thực khát vọng thoát nghèo của chính hộ nghèo mới là yếu tố cốt lõi. Thay vì thụ động, trông chờ, ỷ lại, họ đã chuyển sang chủ động, nỗ lực biến sự hỗ trợ của Nhà nước, của các cấp, các ngành thành đòn bẫy để vươn lên thoát nghèo thực chất và bền vững. Đó chính là sự thay đổi, chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ (tư duy) để tạo ra sự thay đổi trong cách làm (hành động).
Khi người nghèo không muốn thoát nghèo thì hẳn rằng họ cũng sẽ không nỗ lực thoát nghèo. Và ngược lại, khi người nghèo tình nguyện xin được thoát nghèo thì bản thân họ sẽ không ngừng nỗ lực, không chỉ để thoát nghèo, mà còn vươn lên xây dựng cuộc sống khá giả. Những hộ gia đình này trở thành điểm sáng, tác động rất lớn trong cộng đồng làng, xã. Họ không chỉ dám từ bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, khư khư giữ hộ nghèo mà còn khơi gợi được khát vọng vươn lên của nhiều hộ nghèo khác, cùng nỗ lực học tập và làm theo để sớm thoát được nghèo.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 -2025 đã đề ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm. Riêng năm 2022, toàn tỉnh có hơn 6.780 hộ thoát nghèo; tỷ lệ giảm hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 4,46%, vượt so với kế hoạch đề ra. Để đạt được kết quả này, cùng với các chủ trương, chính sách hỗ trợ người nghèo của Đảng, Nhà nước và sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội, có sự nỗ lực rất lớn của chính những hộ nghèo và nhất là tinh thần chủ động, sự tự giác, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của chính những hộ nghèo đã tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Nguyên Phúc