Kết nối, chia sẻ kinh nghiệm học tập cho học sinh
Cuối tháng 1 vừa qua, nhiều trường học tổ chức chương trình kết nối, truyền đạt kinh nghiệm học tập từ cựu học sinh đến các bạn đang theo học trên địa bàn. Qua đó, giúp cho các em học sinh có phương pháp học tập tích cực, học hỏi kinh nghiệm đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT quốc gia, tự tin bước vào giảng đường đại học, cao đẳng...
Chia sẻ kinh nghiệm
Tại buổi tuyên dương 67 cựu học sinh đạt điểm cao kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016 do Sở GD&ĐT tổ chức, các tân sinh viên đang theo học các trường đại học đã chia sẻ phương pháp học tập tốt, chủ động trong việc tự hệ thống “kho” kiến thức tiếp thu ở trường học và các hình thức khác có hiệu quả, giúp các học sinh chuẩn bị tâm thế vững vàng trong những mùa thi quan trọng.
Bạn Phạm Trương Bảo Ngọc - cựu học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm học vừa qua, em thi THPT quốc gia khối B đạt tổng số 27,15 điểm. Kết quả học tập cá nhân xuất sắc cuối năm 2016, cộng điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia khá cao đã giúp Ngọc tự tin nộp hồ sơ trúng tuyển vào Trường Đại học Y dược, tiếp tục cơ hội học tập.
|
“Kinh nghiệm học tập của em là chăm chỉ lắng nghe thầy cô giảng bài trên lớp. Thời gian học chuyên, em nỗ lực làm hết bài tập củng cố, nâng cao ở các môn học trong khối đã chọn. Mặt khác, phải biết chọn cách học phù hợp với bản thân, không nên đi học thêm 1 môn học cùng lúc 2-3 chỗ bên ngoài nhà trường, hay cố mua nhiều sách tham khảo nhưng quá trình nghiên cứu, giải quyết mỗi phần bài tập chưa đi đến hết và không tìm ra được cái hay, cái tích cực để tích lũy các kiểu xử lý tình huống riêng cho mỗi môn học, bộ đề thi” - Ngọc nói.
Còn bạn Y Hầng – cựu học sinh Trường PTDTNT tỉnh bộc bạch: Gia đình em thuộc diện nghèo ở xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi. Nhà em có đến 5 anh chị em. Bản thân em cố gắng học thật giỏi, nuôi ước mơ tương lai sẽ có công việc ổn định hơn, thoát khỏi cuộc sống cơ cực làm quanh năm mà không đủ ăn như hoàn cảnh hiện tại của gia đình.
Kết quả mùa thi THPT quốc gia năm học qua, Hầng đạt tổng số 24 điểm các môn thuộc khối C. Hiện tại, em đang học năm nhất Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế.
Qua tâm sự, tân sinh viên này cho biết vẫn học tập chăm chỉ như thời phổ thông, theo lịch học ở trường không bỏ sót buổi học ở giảng đường. Khi về ký túc xá dành thời gian cho ôn bài, đi thư viện bổ sung nội dung giáo trình giảng viên ở trường giới thiệu. Tất cả tư liệu có được, Hầng đọc, ghi chép và tổng hợp lại. Em nói: Lúc bước vào mùa thi học kỳ, em chỉ việc làm lại đề cương, thêm phần nâng cao và mở rộng thực tế, cho mỗi môn học đã đăng ký trước đấy.
Kết nối, mở rộng ước mơ
Sau ngày Sở GD&ĐT tổ chức tuyên dương các cựu học sinh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã tổ chức chương trình “Kết nối các thế hệ học sinh chuyên Kon Tum” với gần 300 bạn trẻ đã và đang học dưới mái trường này tham gia giao lưu, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý về quá trình tự học, tự chọn ước mơ nghề và say mê chinh phục ước mơ, khởi nghiệp thành công ngoài đời.
Sinh viên Nguyễn Thị Thanh Dung đang theo học năm nhất, Trường Đại học Ngoại thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Cách đây 5 năm, em đạt thành tích học tập xuất sắc ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Em theo số đông bạn bè đăng ký thi đầu vào trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Suốt 4 năm học đến khi ra trường đi làm gần 1 năm, em tự thấy việc chọn ngành học Luật không phù hợp với tính cách hướng ngoại, thích sự khám phá những điều mới mẻ, tự thân độc lập sáng tạo. Vì vậy, em quyết định tạm dừng công việc đang làm, để nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Ngoại thương Thành phố Hồ Chí Minh, theo học chuyên ngành makerting như hôm nay.
Rút kinh nghiệm từ bản thân, Dung khuyên các bạn học sinh đang học phổ thông, việc chọn nghề nghiệp trong tương lai ở lĩnh vực nào cũng tốt, cũng đẹp và có ích cho xã hội. Tuy nhiên, tương lai mỗi cá nhân phụ thuộc vào sự siêng năng ở hiện tại của mỗi học sinh. Các bạn phải dựa trên sự đam mê, yêu thích công việc tương lai cần soi xét phù hợp với cá tính, không nên chịu sự tác động bên ngoài. Mỗi bạn học sinh làm được điều này, thì việc tìm trường và theo đuổi giấc mơ thuận lợi hơn, tự tin thành đạt với công việc, nghề nghiệp cho tương lai hơn.
Giải đáp về môi trường học tập đại học có khác với phổ thông hay không, đến kinh nghiệm việc đi xin việc làm khi tốt nghiệp, bạn Thuận - đang là giám đốc một công ty tư nhân chuyên kinh doanh phần mềm công nghệ thông tin ở Thành phố Hồ Chí Minh đã động viên: Các bạn hãy kiên trì theo đuổi việc học, trái ngọt thành tích là đỗ đại học trong nước, hay cao hơn nữa là giành học bổng du học nước ngoài, luôn đón chờ cho những ai biết bồi đắp, làm dày kiến thức và kỹ năng sống khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thuận nhấn mạnh thêm, khi các bạn đỗ vào trường đại học uy tín ở các tỉnh, thành phố khác, sẽ luôn có cựu học sinh phổ thông tỉnh Kon Tum sẵn sàng hỗ trợ, giúp các bạn làm quen môi trường giáo dục mới.
Tiếp lời bạn Thuận, Thanh Dung cho hay, bản thân và nhiều tân sinh viên khác lúc rời xa gia đình, vào học các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng… may mắn được các hội sinh viên đồng hương Kon Tum hỗ trợ về chỗ ở, giúp đỡ cựu học sinh địa phương hòa nhập môi trường học tập mới. Nhiều bạn được giới thiệu, tư vấn tham gia các câu lạc bộ, mô hình sinh hoạt truyền đạt kỹ năng học tập, kỹ năng nói chuyện trước đám đông…
Bài và ảnh: Mai Trâm