Hồn quê hương
Tôi đã có một đêm không ngủ. Mỗi khi nhắm mắt là hình ảnh những chị gái, những em gái với áo dài thướt tha lại hiện lên trong tâm trí. Trong khung cảnh mờ ảo khói sương, những tà áo dài tung bay như đàn bướm xuân la đà.
Ấy là tôi đang nói về Chương trình “Đêm hội Áo dài” với chủ đề “Phụ nữ Kon Tum phát huy di sản văn hóa truyền thống Áo dài” tại Công viên giọt nước (thành phố Kon Tum) do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở VH,TT&DL tổ chức.
Buổi tối huyền hoặc ấy, tôi đọc được sự say mê ở những thiếu nữ, sự tự hào ở các bà, các mẹ, các chị, sự ngỡ ngàng của cánh đàn ông khi dõi theo từng tà áo dài bay bay trong gió nhẹ nhàng.
Tuấn, bạn tôi, thẫn thờ buông một câu: Thật không ngờ. Khi bị vặn: Cái gì không ngờ? Thì câu trả lời còn thẫn thờ hơn: Đẹp không ngờ.
Vợ Tuấn là 1 trong 350 hội viên, đoàn viên phụ nữ tham gia màn trình diễn trang phục áo dài tại chương trình. Và cậu ta rất lấy làm tự hào về điều này. “Dù đi bất cứ đâu, chỉ cần nhìn thấy áo dài, thấy phụ nữ mặc áo dài là thấy quê hương, đất nước ở đó”- Tuấn nói.
|
Nghe Tuấn nói, tôi nhớ lại câu chuyện cách đây hơn 20 năm, khi còn là cậu sinh viên Khoa Báo chí Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Sau đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1996, thầy Đinh Hương, lúc ấy là chủ nhiệm lớp (sau này là Chủ nhiệm Khoa Báo chí), đã ra một đề thi về câu trả lời ứng xử của thí sinh Nguyễn Thiên Nga.
Câu hỏi dành cho thí sinh Nguyễn Thiên Nga khi đó là: “Vì sao trong trào lưu rất nhiều loại mốt mới hiện nay, chiếc áo dài dân tộc vẫn được người ta yêu thích?”
Mượn lời bài hát “Một thoáng quê hương” (Từ Huy-Thanh Tùng), thí sinh Nguyễn Thiên Nga đã trả lời rằng: “Vì áo dài thực sự là trang phục phù hợp với phụ nữ Việt Nam, giúp họ trở nên duyên dáng, đáng yêu hơn. Và điều quan trọng nhất là mỗi khi “thoáng thấy áo dài bay trên đường phố – sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó”.
Câu trả lời đầy thông minh và tự tin của Thiên Nga về chiếc áo dài đã giúp cô dành được vương miện trong đêm chung kết, đồng thời cũng là thí sinh được khán giả yêu thích nhất trong cuộc thi.
Cho đến ngày nay, câu trả lời ứng xử của thí sinh Thiên Nga trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1996 vẫn được đánh giá là phần thi hay nhất lịch sử thi hoa hậu.
Đó là chuyện sau này, còn nhận được đề bài từ thầy chủ nhiệm, cả lớp tôi đã cày cả đêm để sáng mai có bài nộp. Và vui thay, bài của tôi được đăng trên… bản tin của khoa.
Cũng từ câu trả lời ấy, có thể thấy rằng, áo dài không chỉ là trang phục, mà đã đi sâu vào tinh thần, tiềm thức người Việt Nam, là bản sắc văn hóa, với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời.
Đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào có thể xác định chính xác lịch sử áo dài và thời điểm xuất hiện của áo dài. Chỉ chắc chắn rằng, từ rất lâu rồi, áo dài đã là trang phục truyền thống và là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam.
Áo dài phù hợp với mọi lứa tuổi, và mọi tầng lớp của xã hội. Từ người giàu cho đến người nghèo, từ trẻ con cho đến các cụ già đều có thể mặc áo dài. Đối với mỗi độ tuổi, áo dài lại có các cách thức và kiểu may phù hợp, giúp người mặc nó cảm thấy tự tin và xinh đẹp hơn.
|
Trải qua từng thời kì phát triển của lịch sử, áo dài luôn không ngừng biến đổi, với nhiều kiểu dáng, chất liệu, từ truyền thống đến hiện đại, từ đại chúng đến phá cách.
“Gia đình áo dài” ngày nay đã rất “đông đúc”, với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách, như áo dài giao lãnh, áo tứ thân, áo dài ngũ thân, áo dài cách tân (Lemur), áo dài Raglan, áo dài thổ cẩm.
Nếu ngày thường, áo dài kiểu truyền thống với cổ cao, tay dài, tà dài được lựa chọn nhiều thì vào dịp Tết, áo dài cách tân lại được ưa chuộng hơn. Bởi áo dài cách tân có nhiều kiểu hơn, tà áo cũng không quá dài nên dễ di chuyển, tiện lợi.
Bên cạnh đó, áo dài cách tân thường được đặc biệt hóa về chất liệu và cách thể hiện để truyền tải thông điệp của mùa xuân là tình yêu, là sinh sôi nảy nở, là bình yên, là hy vọng một năm mới thịnh vượng.
Áo dài dành cho các độ tuổi khác nhau, như trẻ em, thiếu nữ, trung niên, người già, cũng sẽ có sự khác biệt. Trong khi những bạn trẻ ưa chuộng áo dài cách tân với họa tiết trẻ trung và nhiều màu sắc, thì lứa tuổi trung niên thích áo dài mang phong cách tối giản nhưng không kém phần sang trọng, thiết kế tôn dáng và màu sắc cổ điển.
Cuối cùng là người già, thường tập trung vào sự cổ điển trong thiết kế, hoa văn quý phái, màu sắc nho nhã.
Nhưng dù thế nào thì áo dài vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào mang lại được cho phụ nữ Việt Nam.
Tôi nhớ những tà áo dài duyên dáng của các mẹ, các chị ngày xưa, xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, như những bông hoa khoe sắc. Càng nhớ sân trường giờ ra chơi, với những tà áo dài trắng, như đàn bướm tung tăng trên bãi cỏ xanh.
Nhớ những tà áo dài thướt tha đi chợ hoa xuân ngày nay. Giữa muôn hồng nghìn tía, tà áo dài thướt tha như những cánh bướm la đà, cho không khí ngày xuân thêm trọn vẹn.
Tôi dám cá rằng, bất cứ gã đàn ông nào đều cũng sẽ bị hút hồn, cũng ngơ ngẩn bởi tà áo dài “bay bay bay bay trên phố nhẹ nhàng”. Và biết đâu, vài ba gã trong số ấy, sẽ thành thi sĩ.
Nhiều người đã từng rất quan ngại, sự biến thiên của xã hội, thị hiếu của con người sẽ khiến chúng ta quên đi áo dài. Và liệu có mấy người vững tâm giữ gìn, bảo tồn, phát huy nét đẹp nền nã ấy.
Nhưng hãy nhìn vào những ánh mắt đầy yêu thương dành cho áo dài kia đi để vững niềm tin rằng, dù mỗi năm mỗi thay đổi, nhưng tà áo dài thướt tha, dịu dàng và quyến rũ kia vẫn trường tồn cùng dân tộc.
Và dù ở đâu, “Paris, Luân Đôn hay những miền xa”, thì chỉ cần “thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó”.
THÀNH HƯNG