Hơi thở đại ngàn trong phố thị
Ngôi nhà sàn của vợ chồng A Hung nằm lọt giữa những tán cây rậm rì, vào các buổi trưa hay chiều tối thường lanh canh tiếng dệt vải của Y Mứk - vợ A Hung. Vào buổi trưa nắng gắt, tiếng lanh canh ấy đã níu chân tôi lại, bước qua cánh cổng khép hờ mọc đầy dây leo xanh để vào một không gian lãng đãng hơi thở đại ngàn...
Cũng giống như những gia đình còn có phụ nữ biết dệt khác ở làng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), khung dệt của nhà Y Mứk được đặt ở nhà chồ, nơi rộng rãi và có nhiều ánh sáng nhất.
Toàn bộ khung liên kết với nhau bằng một sợi dây, một đầu treo cao hơn, phía cuối thấp xuống mà điểm cuối cùng là thanh gỗ đặt ngang vừa tầm chân người ngồi. Các sợi mắc dọc vào những thanh ngang của khung, người dệt sẽ dệt từ dưới lên.
Trái với lệ thường, A Hung không còn mải mê chuốt nan đan gùi trong nhà nữa mà ra ngồi cạnh khung dệt, mê mải nhìn đôi tay Y Mứk thoăn thoắt vỗ vào khung dệt: Nghe người già kể rằng, xưa lắm rồi, Yă Pôm vì thương người Ba Na không có quần áo mặc, bị rét mướt, nên đã bày cho cách lấy bông mọc hoang trong rừng về se thành chỉ, dệt nên thổ cẩm. Lại bày dệt những hoa văn là hình dạng các con vật hay đồ vật quen thuộc ở xung quanh cho tấm vải thêm đẹp...
Ban đầu người ta dùng vỏ thân cây tước thành sợi để dệt trang phục, sau này họ dùng bông của quả blang (cây bông), một loại cây thân gỗ nhỏ, nhưng mọc cao hơn đầu người.
Cây bông được trồng vào khoảng tháng 6, tháng 7 trong rẫy, thu hoạch từ tháng Giêng cho đến hết tháng 3 thì xong, sau đó phơi khô, nhặt và tách cho hết hạt và đập kỹ, rồi dùng một dụng cụ giống như hình chiếc cung nhỏ để bật cho sợi bông tơi ra, không còn dính bết vào nhau.
Y Mứk đã phải bỏ dở công việc dệt để “trình diễn” cho tôi xem cách sa cán bông thành sợi. Tay phải quay cần, tay trái chị liên tiếp vê từng nắm bông nhỏ dài như hình ngón tay, hoặc dùng đũa nối nhau đưa qua khe, se cuốn dần vào sa.
Sa của người Ba Na là một chiếc khung nhỏ (tơi vơi) đặt nằm ngang gồm hai mảnh gỗ rộng và dài bằng một bàn tay (10x20cm) ghép chéo vào nhau, chừa một khe nhỏ, có tay quay để cán bông thành từng rẻo dài.
Qua nhiều lần se như thế bông thành sợi thô, cuộn lại trong sa thành chỉ rồi lại cuốn theo khuyủ tay thành từng lọn, đem nhuộm trong một chiếc nồi đất thành các màu cần thiết dùng dệt thành vải và hoa văn các màu.
Chỉ nhuộm xong sẽ được nhúng vào cháo loãng hoặc gạo giã, quấy lên thành bột treo lên sào dài ngoài nắng, dùng bàn chải lông heo rừng chải đều cho đến khi sợi cứng lại, rồi lấy sáp ong làm cho trơn, như thế mặt sợi sẽ mịn và không bị xơ.
“Sau đó lại dỡ ra cuộn thành những cuộn tròn, khi cuộn phải luôn giữ cho thẳng tránh bị rối, để chuẩn bị cho công đoạn giăng chỉ dọc trên khung lớn. Các loại chỉ màu dùng để đan cài hoa văn sẽ được cuộn theo con suốt hình thoi” - Y Mứk cho biết.
|
Nhìn tấm thổ cẩm dệt dở, tôi khen có họa tiết đẹp và mềm mại. Y Mứk hân hoan: Sau khi dệt hoàn chỉnh tấm vải, người ta mới tiến hành phân chia để may thành trang phục hoặc làm chăn đắp hay tấm vải cõng con. Tấm thổ cẩm (dù là chăn hay váy áo) nói lên tay nghề giỏi hay kém của những người phụ nữ Ba Na mình. Như mình thế này còn chưa ăn thua đâu, một số người già dệt giỏi còn không nhìn thấy đường “chạy” của hoa văn trên bề mặt trái của tấm vải nữa, bởi nó được giấu kín rồi.
Một tấm vải dệt bình thường, hai mặt trái, phải được phân biệt rất rõ nét, bề trái của các hoa văn cũng sẽ nổi bật lên. Còn một tấm vải dệt đẹp, ngoài sự mịn màng của mặt vải, ít lỗi nối do đứt sợi, các hoa văn sẽ chìm trong các đường sợi dọc, sợi ngang; mặt trái của tấm vải vẫn rất mịn và không hề nhìn thấy bề trái của hình hoa văn.
Khi ngắm nhìn những chàng trai, cô gái người Ba Na trong trang phục thổ cẩm truyền thống, ta sẽ cảm nhận được rằng, khác với trang phục của nhiều dân tộc khác, trang phục của người Ba Na rất giản dị với những đường nét khỏe khoắn nhưng không kém phần duyên dáng. Hẳn rằng, từ xa xưa cuộc sống gắn bó với núi rừng, nên những đường nét trong trang phục của người Ba Na đều như hòa quyện cùng với thiên nhiên, miên man hơi thở đại ngàn.
Còn nhớ có lần, ông A Jar - một người am hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Kon Tum - từng nói trang phục của người Ba Na sử dụng 3 màu chính là trắng, đỏ và đen. Màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh, tình yêu; màu trắng tượng trưng cho khát vọng, ước mơ. Đặc biệt, màu đen tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của núi rừng, của thiên nhiên, vì vậy, trong các màu thì người Ba Na coi trọng màu đen hơn cả và tôn sùng nó như một sức mạnh siêu nhiên...
|
Điểm nổi bật trên trang phục người Ba Na chính là những hoa văn được thêu dệt trên váy, áo. Nam giới người Ba Na thường đóng khố, mặc áo chui đầu, cổ xẻ (là loại áo cộc tay, thân áo có đường trang trí sọc đỏ chạy ngang, gấu áo màu trắng, đằng sau áo được thêu những cây nêu).
Áo váy cho phụ nữ người Ba Na thường được trang trí theo nguyên tắc bố cục dải băng theo chiều ngang. Những họa tiết băng trắng nằm chủ yếu phần giữa thân áo và váy; hai ống tay bộ váy, áo đều được trang trí hoa văn; thắt lưng váy được dệt thêu hoa văn và tua vải hai đầu và buông thõng dài hai đầu sang hai bên hông.
Với lối tư duy đơn giản, các họa tiết trong trang phục của người Ba Na là những hình khối đối xứng mang tính biểu tượng cao. Họa tiết đối xứng phản ánh quan niệm về vũ trụ, trời - đất, âm - dương lấy thiên nhiên làm hình mẫu. Mỗi tấm thổ cẩm được làm ra là một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ từ những nét cách điệu hình học.
Một điều đáng nể là người nắm giữ công thức tạo hình những tấm vải thổ cẩm hiện nay phần lớn đều là những phụ nữ đã lớn tuổi và không biết chữ. Nhưng khi dệt thổ cẩm, họ sẽ vừa là người thiết kế tạo mẫu hoa văn, vừa là thợ dệt, thợ may, thêu...
Người phụ nữ dệt vải đẹp thì giỏi giang, chăm chỉ. Ngày trước, vì Y Mứk dệt đẹp, dệt nhanh nên mình mới ưng bụng đấy. Con gái Ba Na ngày trước được mẹ dạy cách cầm thoi, sắp sợi để dệt thổ cẩm từ khi đứng chưa cao bằng khung cửi, lớn hơn một chút có thể tự dệt váy áo để mặc. Những tấm đắp, tấm khăn sử dụng trong nhà cũng do phụ nữ dệt nên- A Hung mơ màng.
Thế bây giờ Y Mứk dệt không đẹp bằng ngày xưa nữa à? Tôi trêu A Hung. Anh xua xua tay ngượng nghịu: Đẹp chứ, nhưng bây giờ thổ cẩm dệt ra ít người mua, con cái trong nhà cũng mặc theo mốt mới, chẳng còn mấy nhà có váy áo thổ cẩm nữa nên cũng ít dệt, tay cứng hơn, tiếng khung dệt cũng kém vui đi nhiều. Ngày trước, trong làng gần như nhà nào cũng có khung dệt, bây giờ hiếm lắm rồi. Y Mứk vợ mình còn dệt chủ yếu cho vui, cho đỡ nhớ, đỡ quên nghề người già truyền lại chứ không hẳn vì để bán đâu.
Bây giờ cũng không còn trồng bông, se sợi, nhuộm màu… mà mua sợi chỉ hoặc sợi len sản xuất công nghiệp bán sẵn và chỉ việc lồng vào khung dệt. Tuy đỡ vất vả và tiết kiệm thời gian hơn thật đấy, nhưng mình thì thấy như thiếu đi một phần hồn cốt thật sự của tấm vải thổ cẩm truyền thống - Y Mứk ngừng tay dệt, nói nhỏ, ánh mắt xa xăm nhìn dãy núi xanh thẫm trước nhà...
Chia tay vợ chồng A Hung- Y Mứk, tôi lang thang xuống làng Kon H’ra Chót (phường Thống Nhất), bất ngờ gặp một nhóm phụ nữ trong trang phục truyền thống đang cười nói rộn ràng đi trên đường. Hỏi rằng “các chị đi đâu thế”? Đáp rằng “Đi tập bài chiêng mới”. À, thì ra là đội chiêng nữ nức tiếng của làng Kon H’ra Chót đây mà.
Tiếng cười nói xa dần, những nếp váy đung đưa theo nhịp bước chân, màu sắc thổ cẩm sáng cả con đường mùa gió, như mang cả hơi thở đại ngàn về phố thị...
Thành Hưng