Học sinh sử dụng điện thoại di động: Lợi bất cập hại
Các trường học trên địa bàn tỉnh đều có quy định cấm học sinh mang và sử dụng điện thoại trong lớp học; thế nhưng, không ít phụ huynh vẫn sắm cho con em...
Hệ lụy
Sau kỳ nghỉ tết vừa rồi, chị Nguyễn Thị Vân có con trai đang theo học một trường THCS ở huyện Ngọc Hồi đã được cô giáo chủ nhiệm gửi giấy mời phụ huynh lên trao đổi việc con trai vi phạm nội quy nhà trường, sử dụng điện thoại di động trong giờ học.
Đến trường, chị Vân đã được cô giáo thông tin, con trai chị đã dùng điện thoại để giữ dùm các bạn khác gần 500 ngàn đồng, với hình thức các bạn lấy tiền thật mệnh giá 20 ngàn đồng trở lên mua thẻ cào điện thoại, sau đó nhờ con trai chị Vân nhập dãy số vào điện thoại tích lũy tiền. Khi tan trường, các bạn sẽ lấy tiền từ đây để mua và chơi game trực tuyến...
“Bố cháu đi làm ăn xa ở tận Đăk Lăk. Ở nhà có 2 mẹ con. Hàng ngày, tôi lo làm việc kiếm sống. Tôi sắm cho cháu điện thoại có kết nối 3G, chủ yếu để theo dõi và tiện việc nhắc nhở con học hành. Nhưng không ngờ, cháu lại sa đà vào như thế. Đúng là lợi bất cập hại” - chị Vân phân trần với cô chủ nhiệm.
Cũng như chị Vân, không ít phụ huynh chưa ý thức hết những tác hại của điện thoại di động đối với trẻ em. Nhiều người vì chiều sự đòi hỏi của con, hoặc mua điện thoại đưa con có nhiều chức năng như gắn định vị GPS, kết nối internet với lý do để tiện quản lý, liên lạc đưa đón các cháu... Những suy nghĩ này, vô tình bố mẹ đã đẩy các con ra đời sớm thông qua thế giới “ảo” facebook, hoặc kết bạn với các đối tượng xấu ngoài xã hội, dễ dàng rơi vào cạm bẫy, hay nghiện game…
Không nên mua điện thoại cho con
Trong một buổi họp phụ huynh học sinh cuối học kỳ I vừa qua, cô Ng - giáo viên chủ nhiệm một trường THCS thành phố Kon Tum thông báo kết quả thi đua tập thể lớp đứng thứ 24/33 lớp toàn trường. Trong khi tổng kết năm học trước, lớp này xếp thứ 8/33. Cô nói: Lớp bị sụt giảm xếp hạng thi đua là do 3/4 học sinh bị xếp loại hạnh kiểm kém và có học lực trung bình yếu.
Cô chủ nhiệm đề nghị các bậc phụ không mua cho các con, hoặc cho mượn điện thoại di động để sử dụng quá sớm, quá thường xuyên, dễ dẫn đến nhiều tiêu cực xảy xa.“
Điện thoại di động ngoài chức năng gọi hay nhắn tin, nó còn được kết nối mạng, nên học sinh có thể nghiện chơi game, kết bạn ảo quá nhiều... Thậm chí có em tải cả nhạc, phim sex lưu trữ ở máy để xem trong giờ học, giờ ra chơi mà không có sự nhắc nhở, kiểm soát của người lớn. Có trường hợp, lúc Ban nề nếp trường học đi kiểm tra đột xuất, phát hiện chiếc điện thoại ở cặp của học sinh, thì những nội dung xấu đã được lưu trữ, phát tán đến nhiều bạn khác ở lớp” - cô Ng nói.
Nhiều thầy cô giáo khác còn chia sẻ, tình trạng học sinh dùng điện thoại di động để chụp, lưu trữ và tìm kiếm tài liệu giải bài tập sẵn trên mạng, được giáo viên giao về nhà. Sau đó, vào phòng kiểm tra, thi - các em lấy điện thoại mở ra chép, đối phó chuyện “bài vở” ở trường.
Từ những tác hại trên, tại cuộc họp phụ huynh cuối học kỳ I, cô Ng đã đề nghị với phụ huynh: Quá trình quản lý học sinh ở trường đã có giáo viên chủ nhiệm, đến giáo viên bộ môn dạy trực tiếp tiết học. Giờ ra chơi, các em có bạn bè, tập thể nhà trường giám sát. Người thân cần thông tin về tình hình học tập và quan hệ bạn bè của con em, có thể cập nhật số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để trao đổi thường xuyên. Từ đó có sự chủ động trong việc định hướng, giáo dục các em học tập, phát triển đúng lứa tuổi.
Không chỉ ở trường, khi về nhà, phụ huynh cũng phải nghiêm khắc với các em về vấn đề này. Trường hợp con em cần dùng điện thoại trò chuyện, trao đổi việc học tập cùng bạn bè, phải có sự giám sát của người lớn. Phụ huynh phải thật kiên quyết nói “không” với việc mua điện thoại, hoặc cho con mượn thường xuyên. Cha mẹ phải giáo dục các con về những hệ lụy của việc lạm dụng quá nhiều, quá lệ thuộc vào điện thoại di động sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học tập.
Mai Trâm