Hái lộc đầu năm
Hái lộc đầu năm vốn là một trong những nét đẹp truyền thống của dân tộc ta với mong muốn cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới. Tuy nhiên, ngày nay đã có những lạm dụng hoặc suy nghĩ sai lệch về hái lộc, làm biến tướng nét đẹp này.
Việc hái lộc được diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán, trong những ngày đầu năm mới. Người ta ra khỏi nhà, bẻ cành cây (hay còn gọi là cành lộc) sau đó mang về nhà để cầu mong cho những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến. Những cây được chọn để hái lộc đầu năm thường là những loại cây quanh năm tươi tốt với ý nghĩa tượng trưng là mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà.
Nhiều người quan niệm, cành lộc phải hái ở chùa thì mới linh thiêng, được trời, phật phù hộ độ trì. Nhưng cũng có nhiều người quan niệm, lộc là tự nhiên, nên thời khắc giao thừa hay mấy ngày Tết, chỉ cần ra đường thấy có lộc non là có thể hái mang về nhà để cầu mong may mắn.
Tôi nhớ khi còn nhỏ, ngày Tết thường theo bà ngoại và má đi lễ chùa, khi về thế nào cũng có lộc xin được ở khuôn viên chùa. Đó là một cành cây đang nảy lộc đâm chồi xanh biếc, nhỏ thôi nhưng đầy sức sống.
|
Cành lộc được má cắm vào bình đặt trên bàn uống nước ở gian giữa. Má nói, một cành lộc với ý nghĩa tượng trưng là mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà, cầu mong năm mới mọi điều tốt đẹp.
Nhưng cũng có năm, tôi chứng kiến cảnh rất nhiều người, vì hiểu sai ý nghĩa hái lộc đầu xuân là “cành càng to thì lộc vào nhà càng nhiều” nên ra sức “hái lộc” bằng cách bẻ cả cành to, giành nhau để chọn lộc to, lộc đẹp, thậm chí còn leo lên cây bẻ ngọn, làm tan hoang vườn cây nhà chùa, trông rất phản cảm.
Chứng kiến cảnh đó, bà ngoại không bẻ cành xin lộc nữa. Các Tết sau, bà và má chỉ dẫn chị em tôi đi lễ chùa đầu năm chứ không xin cành lộc đem về nhà.
Những năm sau đó, đến thời khắc giao thừa là mấy chị em tôi lại rủ nhau chạy ra vườn để hái một cành lộc non vào đặt trong nhà. Cành lộc ấy trước đó đã được mấy chị em ngắm nghía, lựa chọn kỹ lưỡng. Nào là phải là lộc non mới nhú, lựa cây nào dễ sống, dễ trồng, dễ sinh sôi nảy nở, và rất may là trong vườn cũng có rất nhiều loại cây có đặc điểm như vậy.
Tết này, sáng mùng 1, sau khi thực hiện các nghi lễ cúng kính gia tiên, mừng tuổi ông bà, cha mẹ và lì xì cho con cháu trong gia đình, tôi cùng người thân đi lễ chùa, xin lộc đầu năm.
Ngôi chùa khá đông người. Cũng dễ hiểu vì đi lễ chùa và xin lộc đầu năm là nét đẹp văn hóa ở quê tôi mỗi khi Tết đến. Đến đây, ngoài cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, nhiều người không quên xin chút lộc đầu năm về đặt trong nhà để cầu mong may mắn, rước được tài lộc vào nhà trong năm mới.
Điều rất đáng ghi nhận là nhiều năm nay, xin lộc đầu năm không còn là việc bẻ những cành non trên các cây trong khuôn viên chùa nữa, mà lộc là những lời chúc được viết lên tờ giấy rồi được các sư thầy cho vào những chiếc túi xinh xinh treo trên các chậu hoa đặt ở chùa. Ai lễ Phật xong đều có thể “hái” một “túi” lộc mang về.
Tôi “hái” được một “túi lộc” treo trên cây hoa trước sân chùa với nội dung chúc gia đạo bình an, gặp nhiều may mắn trong năm mới. Thấy vui vui trong lòng.
Chợt nhớ lại cảnh chen lấn, giành nhau bẻ cành xin lộc đầu năm từng chứng kiến mà thầm khen cách làm hay của nhà chùa.
Hái lộc đầu năm vốn là một trong những phong tục của dân tộc ta với mong muốn cầu những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới. Tuy nhiên, ngày nay đã có những lạm dụng hoặc suy nghĩ sai lệch về hái lộc, làm biến tướng nét đẹp truyền thống này. Và những “túi lộc” này đã và đang góp phần gìn giữ ý nghĩa tốt đẹp của phong tục này.
Bởi tôi cho rằng, đã gọi là “xin lộc” thì không nên tự tiện hoặc giành giật nhau bẻ cành, hái lộc non. Hãy nghĩ đến việc ngày đầu năm, cây cối tan hoang vì bị bẻ cành, bẻ ngọn, gây hại đến môi trường và làm mất mỹ quan đô thị, xóm làng. Như vậy, “cành lộc” đem về nhà hỏi có ý nghĩa gì?
Vì vậy, thay vì bẻ cành non, chúng ta hãy sống nhân ái, chan hòa, và tất nhiên sẽ “hái” được một “cành lộc” là nụ cười và lời chúc tốt đẹp trong năm mới.
Năm nay, tôi rất vui vì “cành lộc” của mình, một lời chúc thật ý nghĩa vì cũng đúng với điều mà mình luôn mong ước.
Sông Côn