Giữ nguồn thảo dược tự nhiên cho thế hệ sau
Hiện nay, trong những khu rừng thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy) có nhiều loại thảo dược tốt cho sức khỏe, được nhiều người dân ở các thôn, làng vùng đồng bào DTTS biết đến và thường tìm hái về để làm thuốc chữa bệnh cho gia đình. Để nguồn thảo dược này phát triển bền vững, người dân ở các thôn, làng cùng bảo ban nhau khai thác có chọn lựa nhằm duy trì nguồn thảo dược trong tự nhiên và tích cực tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.
Qua kinh nghiệm mà thế hệ cha ông người Gia Rai truyền lại, từ khi còn trẻ, già làng A Jưn, ở thôn Nhơn Bình (xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) đã biết vào rừng tìm những loại thảo dược quý đem về chữa bệnh. Già làng A Jưn tâm sự, cộng đồng người Gia Rai nơi ông sinh sống xem rừng là nhà, bởi rừng che chở, mang lại nguồn nước, nguồn sản vật truyền thống phục vụ đời sống, sinh hoạt cho dân làng, rừng cũng là nơi có nhiều loại thảo dược quý chữa được các bệnh thông thường mà dân làng hay gặp phải.
Theo già làng A Jưn kể lại, các loại thảo dược mọc rải rác, không nhiều, chỉ có những người đi rừng lâu năm mới biết và tìm được. Ví dụ, như loại cây có củ và thân rễ chữa bệnh đau dạ dày, người Gia Rai thường gọi là cây “Bơ gang wă bung”, có chiều cao từ 20-30cm, hình dáng lá giống lá của cây nghệ, thường mọc ở khu vực độ cao từ 800-1.000m; cây có ngọn lá chữa bệnh đau bụng, tên gọi là “Hơ la xom”, mọc ở khu vực đỉnh núi, hình dáng lá giống lá cây dong và lá của loại cây này được người Gia Rai sử dụng để làm nắp bịt bầu chứa nước uống hay mang theo khi đi rừng, làm rẫy; cây quế rừng chữa bệnh cảm lạnh và đầy hơi, mọc ở khu vực sườn núi, dốc đá; cây nấm linh chi dùng để nấu nước uống, tăng cường sức đề kháng, tốt cho tim mạch, ổn định huyết áp…
|
“Nếu người nào bị đau dạ dày chỉ cần nhai rồi nuốt một ít củ tươi của cây Bơ gang wă bung vài lần sẽ khỏi bệnh. Còn nếu bị đau bụng, chỉ lấy ngọn cây Hơ la xom nhai rồi nuốt một lúc sau sẽ hết đau”- già làng A Jưn khẳng định.
Ông A Thứt- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhơn Bình cho hay, đúng như lời già làng A Jưn nói, cộng đồng người Gia Rai ở thôn Nhơn Bình có nhiều người biết trong rừng có các loại thảo dược quý chữa được nhiều bệnh và tốt cho sức khỏe. Xã Sa Nhơn có 42 hộ dân sinh sống ở các thôn tham gia nhận khoán bảo vệ 1.045ha rừng cho Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, trong đó, có 10 hộ dân ở thôn Nhơn Bình. Trong 10 hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng ở thôn Nhơn Bình có 6 hộ dân là người Gia Rai, mỗi khi đi tuần tra rừng, nếu có thành viên nào trong tổ tuần tra bị đau dạ dày, đau bụng hay bị bệnh khác, các hộ dân người Gia Rai đều tìm thảo dược mọc tự nhiên để giúp thành viên đó chữa khỏi bệnh.
Nhớ lại kỷ niệm đi tuần tra rừng cùng cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng xã Sa Nhơn, ông Nguyễn Đức Duy- Nguyên Trạm trưởng Trạm QLBVR Sa Nhơn, hiện nay là Trạm trưởng Trạm QLBVR Ya Kiêr (Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray) chia sẻ, có lần trong lúc đi tuần tra rừng cùng các hộ dân người Gia Rai ở thôn Nhơn Bình, đột nhiên ông bị đau bụng âm ỉ, may nhờ được các hộ dân đưa cho cây thảo dược mọc tự nhiên trong rừng để nhai rồi nuốt, bụng của ông sau đó dần hết đau và ông tiếp tục hoàn thành quãng đường tuần tra rừng như đã định cùng các hộ dân.
Tại làng Rắc (xã Ya Xiêr), lâu nay, người dân Gia Rai sinh sống trong làng thường đi tìm cây bạc hà núi (hình dáng giống cây dọc mùng) hay mọc ở khu vực rừng của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray giáp với rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy đem về làm bài thuốc dân gian để chữa bệnh đau nhức xương khớp, giảm viêm nhiễm.
|
Ông A Grữi- Bí thư kiêm Trưởng thôn, Trưởng cộng đồng nhận khoán làng Rắc cho hay, làng Rắc hiện có 30 hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ 875ha rừng cho đơn vị và hàng năm, mỗi hộ dân được chi trả hơn 11,4 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Nhờ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng và có nguồn thu nhập ổn định, nhận thức về gìn giữ nguồn tài rừng trong dân làng ngày càng nâng lên, đặc biệt là gìn giữ nguồn thảo dược. Biết cây bạc hà núi là loại thảo dược tốt và có nhiều công dụng chữa bệnh, bà con dân làng đều nói với nhau không được “khai thác triệt để” và phải gìn giữ nguồn giống để cây phát triển.
“Ngoài cây bạc hà núi, dân làng Rắc còn lấy cây mật nhân mọc trong rừng đem về sắc nước uống hoặc nấu thành cao để chữa bệnh dạ dày và giải rượu. Hiện nay, trong một số vườn rẫy của các hộ dân trong làng Rắc đang ươm trồng cây mật nhân”, ông A Grữi cho biết thêm.
Giống như cộng đồng người Gia Rai ở làng Rắc, cộng đồng người Gia Rai ở thôn Nhơn Bình cũng tích cực gìn giữ nguồn thảo dược mọc tự nhiên trong rừng. Người Gia Rai trong thôn luôn làm theo lời dạy của các thế hệ cha ông là “khi đi rừng nếu thấy thảo dược chỉ được lấy dùng khi cần thiết và lấy với lượng vừa đủ, nếu không làm theo, lần đi rừng sau sẽ bị lạc và không về được nhà”.
“Bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn tài nguyên, nguồn thảo dược cho thế hệ con cháu của mình. Hàng năm, nhờ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, các hộ dân Gia Rai ở thôn Nhơn Bình được chi trả hơn 18 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Hiểu được những lợi ích to lớn mà rừng mang lại, người Gia Rai ở thôn Nhơn Bình đều quyết tâm chung tay, nỗ lực bảo vệ rừng”- già làng A Jưn nói.
Đức Thành