Giọt mồ hôi đêm Giao thừa
Gần 2h sáng, mệt mỏi về đến nhà, cuộn mình trong chăn ấm, tôi vẫn nghĩ mãi về hình ảnh chị công nhân môi trường nhỏ bé với lưng áo đẫm mồ hôi đẩy xe rác cao ngập đầu trên đường Trần Phú sau Giao thừa...
Giữa thời khắc mọi nhà quây quần sum họp, hạnh phúc thiêng liêng với bao ước nguyện đón Giao thừa bước sang năm mới Đinh Dậu 2017, vẫn có những người lặng thầm làm việc để thành phố ngày một đẹp hơn, bình yên hơn.
Giao thừa năm nay se sắt lạnh. Đường phố vắng người hơn năm ngoái, có lẽ một phần vì lạnh, phần vì năm nay không tổ chức bắn pháo hoa mừng xuân, nên mọi người dành thời khắc đón năm mới bên người thân, gia đình. Nhưng, trên các tuyến đường, anh chị em công nhân vệ sinh môi trường thành phố vẫn căng mình với công việc quét dọn đường phố, thu gom rác thải.
|
Như mọi năm, ca trực của Đội vệ sinh 1 bắt đầu sau khi bước sang năm mới. Đúng 00h30', Đội trưởng Hoàng Thị Mong “phát lệnh”, gần 20 chị em bắt đầu tỏa ra các vị trí đã được phân công từ trước tại Trung tâm thương mại. Mọi người miệt mài làm việc, ít tiếng cười nói, chỉ có tiếng chổi khua xào xạc, tiếng xe rác lộc cộc vang lên khắp nơi trong ánh sáng vàng vọt của đèn đường.
Sau ít phút, những “núi rác” xuất hiện và lớn dần. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt, chị Mong cho biết lúc này cùng làm việc ở Trung tâm thương mại với Đội 1 còn có 5 đội khác với hơn 100 công nhân. Sau khi thu gom rác xong ở Trung tâm thương mại và các tuyến đường xung quanh- mất chừng hơn 1 tiếng đồng hồ, có 4 đội được tăng cường về khu vực Chợ hoa Xuân trên đường Trần Phú, 2 đội ở lại giúp bốc rác lên xe trung chuyển, sau đó mới chuyển lên Chợ hoa.
Như vậy là hết đêm Giao thừa rồi còn gì - tôi buột miệng. Chị Mong cười hiền: Đã nhiều năm nay đón Giao thừa ngoài đường nên cũng quen rồi. Mọi chuyện cúng ông bà đều một tay do chồng con lo liệu. Công việc thường phải 4-5h sáng mùng Một mới kết thúc, khi trở về nhà thì mình trở thành người đầu tiên “xông đất”... nhà mình.
Nhìn nụ cười của chị Mong, nhìn những đường chổi vững vàng, lanh lẹ, mấy ai biết được rằng, những người phụ nữ mảnh mai này đã vất vả suốt một ngày 30 Tết.
Chị công nhân có cái tên thật đẹp - Trần Thị Ánh Nguyệt tiết lộ: Ngày cuối cùng của năm, mọi người trong đội phải làm việc từ 16h đến 23h, tức là chỉ được nghỉ ngơi hơn 1 tiếng đồng hồ thôi, rồi lại bắt tay vào công việc sau Giao thừa. Có lẽ, đây là ngày làm việc nhiều và nặng nhọc nhất trong năm của công nhân môi trường.
Đây cũng là điều dễ hiểu, vì thời điểm này, nhà nhà đi sắm Tết, tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, cũng là khi rác sinh hoạt được thải ra nhiều nhất. Chính vì vậy, để dọn dẹp sạch rác các tuyến phố trước Giao thừa thì công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc gấp 2-3 lần; các ngõ hẻm cũng được chị em đi thu gom rác nhiều lượt.
|
23h30', khi trời đất chuẩn bị đón thời khắc giao thừa, những người đi chơi muộn nhất cũng đang hối hả trở về tổ ấm gia đình thì chị Cao Thị Hải (Đội trưởng Đội vệ sinh 8) và 13 chị em vẫn cần mẫn, miệt mài thu gom, dọn dẹp rác tại khu vực Chợ hoa Xuân trên đường Trần Phú. Mới vãn chợ hoa, rác thải ra nhiều, nhất là các loại chậu vỡ, đất cát... nên công việc của các chị nặng nề thêm.
Vừa quét không ngơi tay, chị Lê Thị Nhung vừa chia sẻ: Đối với công nhân vệ sinh môi trường, đón Giao thừa ngoài đường đã trở thành điều quen thuộc từ nhiều năm nay. Tết cũng là lúc cao điểm của công việc, phải tăng ca ngày đêm với khối lượng công việc cao gấp nhiều lần so với ngày thường, thành ra cũng chẳng lo được việc nhà. Đôi khi cũng tủi thân, nhưng cứ mọi người được du xuân trên những tuyến phố sạch sẽ là thấy được an ủi...
Khi được hỏi về mong ước đầu xuân, chị cười: Trong những ngày này, điều mong muốn nhất của công nhân vệ sinh môi trường là người dân bỏ rác đúng nơi quy định để bớt phần nặng nhọc.
Trong đêm Giao thừa, tôi đã được gặp, được trò chuyện với nhiều anh chị công nhân vệ sinh môi trường, được chứng kiến cảnh lao động vất vả của họ, nhưng không hề nghe một lời than vãn, mà tất cả đều vui vì được góp sức để buổi sáng đầu tiên của năm mới, thành phố thân yêu khoác lên mình chiếc áo sạch sẽ, tinh tươm.
Càng vui hơn bởi những vất vả, nặng nhọc, cống hiến thầm lặng của công việc như tan biến khi lãnh đạo tỉnh hiểu, sẻ chia, tặng quà động viên ngay trước Giao thừa. Xúc động nhận quà mừng năm mới từ tay đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao ngay tại nơi làm việc, anh Nguyễn Văn Tỉnh - công nhân vận chuyển rác - xúc động nói: Thật bất ngờ khi lãnh đạo tỉnh xuống tận nơi thăm và chúc Tết. Chúng tôi hứa sẽ nỗ lực hơn nữa để đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng thành phố Kon Tum xanh - sạch - đẹp.
Sáng mùng Một, dạo bước trên những con đường sạch sẽ tinh tươm, mấy ai biết đã có những người thức trắng đêm Giao thừa và mỗi mét đường đều thấm mồ hôi của họ? Những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng áo trong đêm giao thừa ấy thật đáng trân trọng và lấp lánh như những viên đá quý xây nên thành phố bình yên, đáng sống trong tương lai...
Bài và ảnh: Thành Hưng