Giáo dục trong kháng chiến - Một chặng đường đáng nhớ
Trong bối cảnh đất nước chia cắt, cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược ở vùng căn cứ kháng chiến còn muôn vàn khó khăn gian khổ, công tác giáo dục đã được Ban cán sự Đảng tỉnh Kon Tum quan tâm gây dựng, góp phần đẩy mạnh hiệu quả tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, phát triển phong trào và tạo nguồn cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng.
Ông Ka Ba Tơ - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, quê gốc Trà Thủy (Trà Bồng, Quảng Ngãi) kể, năm 1954, khi mới 14 tuổi, ông theo các chú các anh tập kết ra Bắc. Sau 9 năm liên tục học tập, tháng 7/1965, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Sục sôi trong phong trào “3 sẵn sàng”, ông cùng một số bạn bè tình nguyện làm đơn vào Nam, mong được chiến đấu, giải phóng quê hương. Sau thời gian tập trung huấn luyện, ngày 8/12/1965, ông có mặt trong đoàn cán bộ đi B. “Đi xe vào Quảng Bình đến đường 9 Nam Lào thì bắt đầu đi bộ. Ròng rã gần 3 tháng qua các tỉnh của nước bạn thì mới đến được cơ quan Khu V, đứng chân tại vùng Nước Oa, Bắc Trà Mi. Cùng các đồng chí Bình, Triều, Khanh, Sương, tôi được phân công về Kon Tum” - ông Ka Ba Tơ nhớ lại.
Ở tỉnh Kon Tum, ông Ka Ba Tơ tiếp tục được Ban Tổ chức Tỉnh ủy điều động về công tác tại H30. Ở đó, đã có các cán bộ chủ chốt như đồng chí Trần Đình Chi, Nguyễn Hồng Nam, Đỗ Kỳ Hai, Thái An phụ trách công tác. Đảm nhận vai trò Trưởng ban Tuyên giáo - Văn hóa - Giáo dục, với ông, tổ chức dạy chữ cho cán bộ cơ sở và đồng bào dân tộc địa phương là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
|
Sau thời gian tích cực chuẩn bị, mùa hè năm 1967, Trường Bổ túc H30 được thành lập. Vừa chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, thầy Ka Ba Tơ vừa trực tiếp giảng dạy. Lớp học tại trường bổ túc ban đầu chỉ có hơn 10 học viên, chủ yếu là cán bộ chủ chốt của các địa phương. Phòng học tranh tre nứa lá đơn sơ. Bảng của thầy được ghép bằng mấy tấm ván xẻ tạm. Giấy vở học viên nhờ anh em mang lên từ đồng bằng, vì ít ỏi, nên được dùng rất kỹ lưỡng, tiết kiệm.
Vừa sản xuất, công tác, lại vừa tranh thủ học tập, song học viên các lớp bổ túc văn hóa đến từ các xã Tung Bung, Tân Túc, xã Đoàn, Xốp, Đăk Min, Đăk Bla (nay là xã Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh, huyện Đăk Glei) vẫn hăng say, chịu khó. Từ đây, các học viên đã trưởng thành, đảm nhận cương vị lãnh đạo chủ chốt và cán bộ đoàn thể, ban ngành các xã. Trong số này, có A Téo - Bí thư Đảng ủy xã Mường Hoong, A Nhót - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Choong, A Pôn - Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh.
Có thể nói, từ phong trào cán bộ người Kinh được phân công ở lại vùng căn cứ học tiếng đồng bào DTTS và tổ chức dạy tiếng phổ thông cho cán bộ địa phương chủ yếu mang tính tự phát trong giai đoạn 1954-1960, từ năm 1961- 1962, hoạt động giáo dục ở vùng căn cứ của tỉnh đã bắt đầu được khơi dậy dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tiểu ban Giáo dục Khu 5 và Tiểu ban Giáo dục miền Nam. Nghị quyết hội nghị Tỉnh ủy mở rộng đã xác định: Phát triển phong trào học chữ trong toàn dân. Mỗi làng là một trường bình dân học vụ. Đi đôi với phong trào học chữ dân tộc cần tích cực vận động học tiếng phổ thông và dần dần học chữ phổ thông. Ở huyện cần tích cực mở lớp dạy chữ cho cán bộ địa phương và đào tạo giáo viên.
Quán triệt chỉ đạo của Tỉnh ủy và được sự quan tâm của Trung ương tăng cường giáo viên từ miền Bắc vào chiến trường, năm 1962, Trường Bổ túc văn hóa đầu tiên của tỉnh được thành lập tại làng Nước Chang (xã Đăk Rơ Manh, H29).
|
Vượt lên muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, khẩu hiệu “Học để đánh thắng Mỹ xâm lược, giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc” đã thực sự trở thành mục tiêu phấn đấu của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vùng căn cứ. Không chỉ gói gọn trong các lớp bổ túc văn hóa, bình dân học vụ, mà còn đánh dấu sự hình thành và phát triển khá sâu rộng hình thức dạy và học linh hoạt. Chỉ với hòn than, cây que và bằng nền đất, tảng đá, việc dạy học có thể diễn ra ở mọi lúc mọi nơi. Người biết chữ trước chỉ bảo lại cho người đi sau.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, tháng 5/1966, tỉnh mở lớp đào tạo giáo viên vỡ lòng, thời gian 3 tháng. Tháng 9/1973, Trường Sư phạm tỉnh ra đời tại xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) đảm nhận đào tạo giáo viên cấp 1 bổ sung cho cơ sở. Cùng với nỗ lực của tỉnh, đội ngũ giáo viên cốt cán liên tục được tăng cường từ miền Bắc vào trong thời gian cao điểm từ năm 1966 - 1973 đã tích cực nâng cao vị thế của giáo dục ở vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh. Giáo dục ngày càng có bước tiến rõ rệt. Năm học 1972-1973, toàn tỉnh có 2.235 học sinh vỡ lòng, 677 học sinh cấp 1. Năm học 1974-1975, mở rộng ra hơn 8.450 học sinh phổ thông, học viên bổ túc. Sau chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, trường cấp II đầu tiên được thành lập tại xã Diên Bình đánh dấu bước phát triển mới của nền giáo dục phổ thông vùng căn cứ cách mạng
Từ trong khói lửa đạn bom và thiếu thốn khó khăn, các cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đã không ngừng trưởng thành. Nhiều người được gửi ra đào tạo ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, góp phần bổ sung đội ngũ cốt cán cho các cấp các ngành các địa phương sau ngày giải phóng.
Thanh Như