Giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Hội LHPN tỉnh với cán bộ, hội viên, phụ nữ xã Hòa Bình và phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum), chị em phụ nữ đã mạnh dạn trình bày ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình. Trong đó, đa số các ý kiến đều mong muốn được hỗ trợ, giải quyết việc làm để phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.
Với nhiều lí do, như lò gạch thủ công không còn hoạt động, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để làm dự án, vì không có trình độ, hạn chế về sức khỏe, tuổi tác, nhiều chị em gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm cho bản thân. Ngoài số ít nữ lao động trẻ được nhận vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn hoặc một số chị có điều kiện buôn bán, ở tuổi ngoại tứ tuần, nhiều chị em vẫn loay hoay tìm kế mưu sinh.
Những lo lắng của chị em phụ nữ cũng là trăn trở của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh. Không phải đến bây giờ vấn đề giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn mới được đề cập. Nhưng, để giải quyết việc làm luôn là “bài toán” khó và đòi hỏi phải có cách làm phù hợp.
|
Đồng hành với phụ nữ, các cấp hội luôn tiên phong, có các hoạt động thiết thực hỗ trợ chị em phát triển kinh tế. Nhiều mô hình, tổ liên kết được hỗ trợ thành lập, từ việc giúp một ít vốn ban đầu, cộng thêm việc động viên, hướng dẫn thực hiện, đã giúp nhiều phụ nữ nghèo có bàn đạp vươn lên, tự lực phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, các cấp hội cũng liên kết, kết nối và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội để hỗ trợ chị em phụ nữ phát triển kinh tế. Riêng năm 2023, các cấp hội phối hợp với Ngân hàng CSXH giải ngân hơn 328 tỷ đồng cho gần 6.600 lượt hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo và khó khăn vay để sản xuất. Và để động viên, hỗ trợ phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, hộ kinh doanh, các tổ hợp tác, hợp tác xã. Các hoạt động phần nào mang lại hiệu quả, tạo động lực để các chị em khởi nghiệp, tự chủ về kinh tế.
Những hoạt động hỗ trợ là bệ đỡ, nhưng chỉ giải quyết được một phần nhu cầu và góp phần tăng thu nhập cho chị em. Còn để giải quyết được hết nhu cầu việc làm lâu dài, tạo thu nhập ổn định là điều không đơn giản.
Song song các hoạt động hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế, việc đào tạo nghề là chìa khóa để phụ nữ mở được cánh cửa việc làm, có thu nhập, tự đảm bảo cuộc sống, có cơ hội phát triển bản thân. Thế nhưng, các hoạt động đào tạo nghề cho chị em phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn.
Dù các cấp hội phụ nữ phối hợp với các ngành chức năng tư vấn, giới thiệu cho chị em tham gia các lớp học nghề, nhưng vì nhiều lý do nên không có nhiều chị em gắn bó được với việc học cũng như vận dụng được kiến thức đã học vào thực tế; một số ngành nghề, chị em làm ra sản phẩm nhưng không có đầu ra.
|
Hiện nay, Hội LHPN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Những hoạt động thiết thực trong Đề án là cơ hội để giúp chị em phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa lập nghiệp, tự mở hộ kinh doanh, sản xuất, góp phần nâng cao kinh tế trong gia đình.
Giữa kinh tế và việc xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Phụ nữ có nghề nghiệp, việc làm và độc lập về tài chính sẽ tự tin hơn trong việc xây dựng đời sống gia đình cũng như phát triển bản thân. Do đó, ngoài phần hỗ trợ từ các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể, mỗi chị em phụ nữ phải năng động, sáng tạo, nỗ lực tìm cơ hội việc làm cho chính mình.
Thay vì thụ động, chị em phụ nữ chủ động tiếp cận thông tin để đăng ký học ngành nghề phù hợp với địa phương. Cùng với đó, chủ động nắm thông tin các nguồn vốn, thông tin tuyển chọn từ các doanh nghiệp để tìm công việc cho mình. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, của các cấp hội phụ nữ, nếu tích cực học hỏi, siêng năng sản xuất, mạnh dạn tham gia các mô hình, chị em phụ nữ sẽ mở ra hi vọng tìm được công việc, mang lại thu nhập ổn định hơn.
Hoài Tiến