Để an cư cho khu tái định cư Hòa Bình
Thêm một mùa xuân nữa lại về, khu tái định cư Hòa Bình đã hơn 3 năm cố gắng ổn định an cư. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân ở đây vẫn còn những khó khăn, đặc biệt là nước cho sinh hoạt và sản xuất. Rất nhiều hộ dân trong khu vực này sau 3 năm chuyển đến vẫn chưa có nguồn thu nào từ sản xuất nông nghiệp.
Khu tái định cư Hòa Bình được triển khai theo Đề án tái định cư, giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Kon Tum, thuộc các làng Kon Tum Knâm, Kon HraChót (phường Thống Nhất) và các làng Plei Tơ Nghia, Plei Đôn (phường Quang Trung).
Để an cư cho 72 hộ dân là người Ba Na ở khu này, ban đầu xã Hòa Bình ghép các hộ dân này vào sinh hoạt cùng thôn 4. Trên cơ sở tiếp nhận, hoàn tất thủ tục quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, xã Hòa Bình đã bố trí khu dân cư mới thành 3 nhóm, mỗi nhóm có một nhóm trưởng. Khu giãn dân cũng đã có già làng được bà con tín nhiệm giới thiệu. Xã cử cán bộ các ban, ngành bám sát cơ sở, gần dân để kịp thời giải quyết những vấn đề đặt ra ở khu dân cư mới.
Đầu năm 2015, Công ty Điện lực Kon Tum phối hợp với Ban quản lý dự án Điện nông thôn khu vực miền Trung xây dựng 2 TBA với tổng công suất 320kVA, 2,38km đường dây trung thế, 3,9km đường dây hạ thế cung cấp điện ổn định cho khu vực tái định cư Hòa Bình. Về cơ bản, khu tái định cư Hòa Bình được quy hoạch ổn định, có hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản, điện - đường - trường - trạm đầy đủ.
Song, rất nhiều hộ dân trong khu vực này đến giờ sau 3 năm chuyển đến khu tái định cư vẫn chưa ổn định được sản xuất, do đất kém màu mỡ nên chỉ có thể trồng mỳ, trồng cây công nghiệp phát triển chậm. Nhiều hộ gia đình đã di dời về đây vẫn phải trở lại nơi ở cũ để tìm kiếm việc làm, giải quyết cái ăn, cái mặc hàng ngày.
|
Ông A Dải người làng Plei Tơ Nghia sang định cư ở khu dân cư mới, chia sẻ: Chúng tôi được cấp đất sản xuất mỗi hộ 1 ha, nhưng đất quá xấu, cây cao su trồng đã 3 năm mà nó phát triển chậm lắm, có thể đến 9 năm sau mới khai thác được. Các hộ dân ở đây không có nguồn thu nào, nên hiện tại rất khó khăn.
Theo ông Phạm Phước - Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, về cơ bản khu tái định cư Hòa Bình được quy hoạch ổn định. Người dân tái định cư được cấp nhà ở khang trang, vững chắc. Khu tái định cư này đã thành lập làng mới lấy tên Đăk Krăk. Nhiều hộ gia đình ở đây đã bắt đầu nuôi thêm con heo, con gà trong vườn; vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển chăn nuôi bò. Số lượng đàn bò đến nay có gần 70 con. Về lương thực, năm 2015, Nhà nước hỗ trợ 1 năm lương thực (mỗi người 15 kg/tháng); năm 2016, hỗ trợ 6 tháng lương thực; đầu năm 2017 tiếp tục hỗ trợ 3 tháng lương thực. Tuy nhiên, đến nay đời sống người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn, ngổn ngang nhiều vấn đề, không thể an cư một sớm, một chiều, nên trước mắt vẫn cần sự hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức, cá nhân thiện nguyện. Về lâu dài, cần có 1 công trình nước sinh hoạt ổn định tại đây để người dân sinh hoạt và tăng gia sản xuất.
Dương Lê