Của cho không bằng cách cho
Càng gần tết, hoạt động từ thiện, tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn càng nhận được sự ủng hộ của nhiều người, với tinh thần “nhà nhà đều có Tết”. Tuy nhiên trong đó vẫn có những “nốt trầm” về cách ứng xử thiếu chân thành và tế nhị của “người cho”.
Không khí xuân tràn ngập khắp nơi, nhà nhà rộn rịp bàn chuyện sắm tết, tuy vậy, cũng có những gia đình nghèo vẫn tất bật với công việc mưu sinh mà “quên” rằng Tết đã rục rịch đầu ngõ.
Cuối tuần, tôi theo chân một người bạn đến tặng quà tết cho già đình chị K. Trước mắt tôi là một ngôi nhà xập xệ nằm chênh vênh bên con đường đất đỏ ven sông Đăk Bla. Dù trước sân, một gốc mai bung hoa vàng rực, thì ngôi nhà vẫn chìm trong không khí vắng vẻ, buồn bã.
Trong sân, chị K. đang lui cui phơi mấy bó đót. “Còn vài nắng nữa là khô, có thể bán được”- chị K. nói.
|
Khi nhắc tới Tết, chị K. cười buồn: Mấy năm nay em đau ốm liên miên, mọi việc trong nhà đều do chồng lo hết. Chồng em theo người trong xóm vào tận trong núi hái đót bán kiếm thêm chút tiền. Tết này cố gắng lắm cũng chỉ mua được mấy cân thịt, gạo nếp, ít bánh kẹo cho sắp nhỏ đỡ tủi.
Run run nhận túi quà, với gạo, bột ngọt, đường, nước mắm, bánh kẹo, và cả mấy bộ quần áo trẻ em mới tinh, chị K. xúc động lắm, nói mãi mới ra mấy tiếng cảm ơn.
Trong cuộc sống, vẫn còn không ít gia đình có hoàn cảnh như chị K. Với họ, một cái tết đơn sơ, với mâm ngũ quả, tấm bánh cúng tổ tiên là vui rồi, còn mua sắm bánh kẹo, quần áo mới cho con trẻ vẫn là niềm mơ ước.
Vì vậy, sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng là mùa Xuân của họ, đem lại sự ấm áp, để những gương mặt và nụ cười thêm tươi tắn
Tuy nhiên, phía sau nụ cười ngày xuân, đâu đó vẫn có những “nốt trầm” về cách ứng xử thiếu chân thành và tế nhị của “người cho”.
Càng đến những ngày giáp tết, hoạt động từ thiện, chăm lo Tết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn càng nhận được sự ủng hộ của nhiều người, với tinh thần “nhà nhà đều có Tết”.
Không kể những người khá giả, mà từ anh xe thồ, chị bán quán nước đến bà bán vé số, ông trồng rau gom góp cả ngày mới được trăm ngàn bạc, khi được vận động, cũng sẵn lòng đóng góp với mong muốn được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn có áo ấm, cơm no trong những ngày xuân.
Ỏ thôn tôi, mọi người cũng đang gấp rút hoàn thành “kế hoạch” ủng hộ người nghèo thông qua những việc làm thiết thực, hoặc ủng hộ hiện vật, hoặc đóng góp tiền bạc.
Dù ít dù nhiều, ai cũng mong sự đóng góp của mình sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Tôi cũng có suy nghĩ như vậy khi vui vẻ nộp tiền cho cán bộ thôn đi vận động ủng hộ người nghèo.
Nhưng tôi lại rất băn khoăn vì lời “phàn nàn” của chị trưởng thôn: Nhiều lúc giống như mình đi xin… bố thí vậy, không muốn nhận, nhưng vì việc chung đành nhịn.
Chị kể cho tôi nghe rằng, nhiều người ủng hộ rất nhiệt tình, nhưng cũng có một số người thì khó chịu ra mặt, họ cứ nói ào ào. Nào là “suốt ngày cứ quyên góp, vận động, tưởng dân vẽ ra tiền chắc”. Nào là “tôi làm quần quật mới đủ ăn, lấy đâu ra mà ủng hộ người khác”.
Thử nghĩ rằng, một hộ nghèo nào đó được trao những đồng tiền ủng hộ này, khi biết chuyện, người ta có còn vui vẻ nhận hay không? Chị than.
Nhưng khiến chị buồn nhất là có người còn bóng gió ngay trước mặt mình: Ôi dào, biết có đến được tay người nghèo hay không, hay là mấy người lại “ăn” hết vào đấy rồi.
|
Việc đi vận động ủng hộ người nghèo trong dịp Xuân về Tết đến là để “nhà nhà đều có Tết”. Tất cả đều là tự nguyện, có nhiều thì ủng hộ nhiều, có ít thì ủng hộ ít, mình đang khó khăn thì có ai ép đâu- chị tâm sự.
Tôi cũng buồn lòng khi thấy trong thôn mình vẫn còn những người có suy nghĩ như vậy. Người nghèo mong có thực phẩm ăn tết, có áo đẹp mặc tết, nhưng họ cũng có lòng tự trọng.
Sự ủng hộ sẽ rất có giá trị, sẽ có sức lan toả mạnh mẽ nếu như sự ủng hộ ấy là tự nguyện, là xuất phát từ cái tâm, căn cứ vào tình cảm, hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình.
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện tặng xe đạp cho 5 em học sinh nghèo vượt khó dịp đầu năm học mới ở thôn tôi.
Số là, vào đầu năm học, có một nhóm nhà hảo tâm thông qua một người bạn, báo với tôi rằng muốn tặng quà gồm quần áo, sách vở và nhất là 5 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong thôn.
Họ nhờ tôi liên hệ với chính quyền để tiến hành việc trao quà. Tất nhiên là tôi sẵn lòng làm cầu nối.
Và cách làm việc của họ làm tôi bất ngờ. Họ cử đại diện cùng cán bộ thôn đi khảo sát thật kỹ để lập danh sách những em có hoàn cảnh khó khăn. Họ hỏi cụ thể các em đang cần sách vở, quần áo hay xe đạp; trong số các em được tặng xe đạp có mấy nam, mấy nữ để mua xe cho phù hợp với từng em.
Không phải họ không tin cán bộ thôn, mà họ muốn trao quà với sự trân trọng nhất, đảm bảo không có sai sót nhất.
Đặc biệt, trong nhóm từ thiện có một anh có “tay nghề” sửa xe đạp, nên hôm đi tặng quà đã cẩn thận mang theo hộp đồ nghề. Mọi người cứ tò mò mãi, không biết anh đem theo làm gì.
Còn anh thì chỉ cười: bí mật. Mãi đến khi trao xe xong, anh mới kéo từng em ra đi, giục đi thử xe để có thể kịp thời điều chỉnh cỡ yên xe cho vừa.
Ai cũng xúc động trước sự chu đáo ấy!
Trong cuộc sống ngày nay, ngày càng có nhiều hoạt động ủng hộ người nghèo. Nhưng muốn cho, muốn giúp người khác cũng không phải dễ. Làm sao để người nhận không phải cảm thấy mình đang bị thương hại; để người nhận vui khi nhận được thứ mình cần và cảm thấy mình được tôn trọng, được chia sẻ niềm vui, hạnh phúc với tấm lòng đồng cảm, chứ không phải ban phát ơn huệ.
Cho nên, các cụ xưa dạy rằng “Của cho không bằng cách cho” là vậy!
Hồng Lam