Chợ Tết
Những ngày này, chợ đã khác ngày thường. Chộn rộn, tấp nập hơn. Hàng hóa dồn về nhiều, sắc màu rực rỡ hơn. Người đi chợ cũng có vẻ vội vàng, nhưng lại mua sắm nhiều hơn. Đó là vì chợ đã vào Tết.
Người ta nói, đến một nơi nào đó, muốn biết đời sống của người dân ra sao thì cứ ra chợ. Tết cũng vậy. Không khí, sức mua ở chợ ngày tết sẽ cho ta biết năm nay dân tình ăn tết ra sao.
Cũng có người cãi rằng, đó là ngày trước, chứ bây giờ cửa hàng tạp hóa “quá trời”, rồi siêu thị nữa, trong đó bán chẳng thiếu thứ gì, tha hồ chọn, lại không phải trả giá.
Thêm nữa, năm nay kinh tế khó khăn, nhiều người tiêu dùng sẽ chọn cách chi tiêu “thắt lưng buộc bụng”. Nên e là vì thế mà chợ tết bớt đi sự đông vui, xốn xang.
Nhưng tôi nghĩ, tết nhất mà, dù không hoang phí, không “vung tay quá trán”, thì cũng phải sắm sanh chút đỉnh cho ra 3 ngày tết chứ.
Cho nên, còn nhiều, rất nhiều người mê chợ tết, mê ngay cái không khí chen chúc, ngã giá ở chợ, nhất là các bà, các mẹ. Và họ sẵn sàng đi chợ, hơn là vào siêu thị, vào cửa hàng tạp hóa mua không phải trả giá.
Mà thôi, lan man thế đủ rồi. Giờ hãy nói về chợ tết của tôi!
|
Đó vẫn là một cái chợ nhỏ, quê kiểng. Đa số người bán là nông dân, bày ra những thứ lượm lặt trong vườn, trên ruộng, như trái bí xanh mỡ màng, mấy túm măng khô vàng sậm như mật, mấy buồng chuối bắt đầu chín tới. Rổ trứng gà gác lên trên sọt rau muống, rau lang; lồng vịt con đặt bên cạnh.
Hoặc mấy mẹ, mấy chị tay xách nách mang kiếm chỗ nào trống ngồi xuống. Dân quê mà, bòn mót trong vườn được mớ rau, nải chuối, rổ khoai; dành dụm được ổ trứng gà; nụm nịu nuôi được mấy con vịt, đem đi chợ bán, mua mắm muối, bột ngọt, bộ quần áo mới cho con cháu.
Bày hàng xong, trong lúc chờ khách, người bán hàng chụm lại với nhau rôm rả chuyện chồng con, chuyện làng xóm, ruộng lúa, vườn cây. Thành ra chợ không chỉ bán gà, bán cá, bán rau củ trong vườn nhà, mà còn chia sẻ với nhau những chuyện vui buồn, nên thắm đượm nghĩa tình.
Cứ thế, chợ tấp nập, rộn ràng từ khi những mớ rau, con cá đầu tiên được bày ra cho đến trưa, khi những gia đình trẻ đi làm về, cuống quýt ghé vào chợ mua bó rau tươi, mớ tép về nấu cơm trưa.
Chẳng ai cân đo đong đếm lại, bởi có hề gì chuyện nặng nhẹ đong đo ấy. Họ mua được đầy ắp lòng tin của nhau rồi.
Nhưng những ngày này, chợ đã khác. Chộn rộn, tấp nập hơn. Hàng hóa dồn về nhiều, sắc màu rực rỡ hơn. Người đi chợ cũng có vẻ vội vàng, nhưng lại mua sắm nhiều hơn. Đó là vì chợ đã vào Tết.
Nhưng sự thay đổi ấy không ồn ào đâu, âm thầm lắm. Khi mọi người đang còn lụi hụi với cuộc mưu sinh thì những chị bán hàng mã, hàng khô đã lặng lẽ nhập hàng về.
Rồi một buổi sáng, người đi chợ thấy nào mứt, nào hạt dưa, nào bánh kẹo đựng trong hộp xanh đỏ sặc sỡ, rồi những bộ quần áo ông Công, ông Táo tràn trên sạp, trên kệ mới hớt hải kêu lên: Đã Tết rồi cơ à.
Thế là nhoáng cái, chợ bắt đầu được tô điểm thêm màu sắc vàng ươm của hoa cúc, hồng rực của hoa giấy, sau nữa mới đến hoa lan, hoa mai, các loại cây cảnh, bon sai, rồi cuối cùng quất và hoa đào mới “đổ bộ”.
|
Nhưng phải từ sau mùng 10 tháng Chạp thì tôi mới bắt đầu thích dạo chợ mỗi ngày, bởi lúc này đã ra dáng chợ tết lắm rồi. Và đó thật sự là một cuốn phim nhiều màu sắc, đa cảm xúc, đầy tươi mới và xốn xang.
Lúc này, hàng hóa Tết đã ngập tràn những kệ, những quầy, những sạp. Rồi người mua mỗi lúc đông dần. Tôi cũng vào chợ, chen vai thích cánh, chào hỏi rộn ràng.
Ở tủ bánh mì nơi góc chợ, cô chủ đang nhóm lò than đun vội ấm nước, những đốm hoa lửa bung ra như pháo hoa, khiến tôi tưởng tượng ra sự ấm cúng của bữa cơm gia đình ngày cuối năm.
Tất nhiên, chợ tết không chỉ bán hàng… tết. Ở đây vẫn bán tất cả những gì mà ta có thể mua ở một cái chợ, từ rau muống, rau lang, mồng tơi, bù ngót đến lá dong, lá chuối,lá dứa, bó sả, nhúm ớt. Rồi cá, rồi gà, vịt, heo, cua, ốc.
Không gian sống động đến nỗi tôi có thể cảm nhận được “mùi vị” của chợ. Mùi thơm của thúng bánh cam chiên vàng, điểm những hạt mè li ti, chỉ nhìn thôi đã muốn nuốt nước miếng; tiếng cá quẫy trong những xô, những chậu; bầy gà, vịt ơ hờ ngủ vật ngủ vờ trong lồng, bỗng kêu toáng lên khi có người hỏi mua.
Người đông, chen chúc một hồi không thấy lạnh nữa, chỉ thấy vui bởi cái ồn ào, cái hạnh phúc được hòa mình vào chợ Tết. Lại càng thấy chợ Tết có một sức hấp dẫn hết sức kì lạ, lại gạt đi cái ý muốn về bởi mệt trong đầu.
Tôi thích ngắm những ông chồng theo vợ đi chợ tết. Nhìn vẻ mặt của ông chồng kia, thể nào trong đầu cũng đang phàn nàn cái nỗi sao vợ mình đi khỏe thế. Đã rời siêu thị với cơ man là đồ, khiến chồng bưng bê, đeo xách mệt muốn đứt hơi, chỉ mong được về, còn rẽ vào chợ.
Chợ thì đông, vậy mà cứ đi thoăn thoắt. Dừng chỗ này mua một thứ, rẽ ra dãy kia mua thứ khác. Đứng lên, ngồi xuống, lựa hàng, trả giá mà không có vẻ gì là mệt mỏi, mặt tươi roi rói.
Nhưng đố ông chồng giận được, cùng lắm chỉ cau có chút. Chứ đi chợ tết cũng là một thú vui. Đi để xem thiên hạ mua bán, đi để xem năm nay thiên hạ ăn Tết thế nào.
Người mua cũng đông dần. Chen vai thích cánh, chào hỏi rộn ràng, rì rầm trao đổi, tịnh không có những lời rao chát chúa, chèo kéo nài nỉ hay “cò kè bớt một thêm hai”.
Dù là chợ tết, thì ở đây vẫn mua được đầy ắp lòng tin và sự lương thiện, thẳng ngay.
HỒNG LAM