Chim Phí bay về rừng
Hơn 60 năm đi theo cách mạng, chiều ngày 24/12/2016, nhà báo Dúi Dăm Reng - người con của dân tộc Xê Đăng, con chim Phí của núi rừng Măng Buk, Kon Plông đã “về” với ông bà, về với cội nguồn núi rừng nơi ông sinh ra.
Công tác tại Đài Tiếng nói Việt nam từ tháng 1/1969 đến tháng 5/1976, Dúi Dăm Reng cùng với các cán bộ khác như Đinh Thị Thơm, Nguyễn Thanh Thêu là những người đầu tiên sau giải phóng miền Nam 30/4/1975 được Đài Tiếng nói Việt Nam tăng cường về địa phương để thành lập Đài Phát thanh tỉnh Gia Lai- Kon Tum.
Gần 40 năm công tác tại cơ quan báo chí, kinh qua nhiều nhiệm vụ và chức vụ khác nhau như: Biên dịch, biên tập phát thanh các thứ tiếng dân tộc; công tác tổ chức hành chính; Phó giám đốc rồi Giám đốc đài PT-TH của một tỉnh, điều mà các đồng nghiệp, bạn bè, nhân viên nhớ nhất, ấn tượng và thương mến nhất về ông là tấm lòng thật thà, nhân hậu với những đóng góp quan trọng của ông hình thành nên các chương trình phát thanh và chương trình truyền hình các thứ tiếng dân tộc thiểu số trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài PT-TH hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum.
Khi đã nghỉ hưu, ông rất vui mỗi khi được đồng nghiệp, bạn bè, con cháu các cháu đến thăm. Ông tâm sự: Nhờ ơn Đảng, Chính phủ gia đình tôi mới có được như ngày hôm nay. Ông nói, điều làm ông vui nhất đó là trong suốt quá trình công tác và trong cuộc sống hằng ngày luôn giữ được phương châm “giúp đỡ được ai điều gì thì giúp, chứ chưa rắp tâm làm hại ai bao giờ”. Ông thanh thản vì khi đương chức cũng như khi đã nghỉ hưu, con cháu, anh em trong cơ quan Đài PT-TH Kon Tum và bạn bè đồng nghiệp xa, gần vẫn luôn điện thoại, lui tới nhà thăm ông bà.
|
Không những thế, dù đi lâu chưa về thăm làng, nhưng mỗi khi gia đình có việc vui, việc buồn bà con từ Măng Buk quê ông vẫn đến với ông bà, coi ông bà như già làng, người có uy tín trong làng.
Đương thời khi đã làm phó giám đốc rồi giám đốc, mặc dù bận nhiều việc nhưng một đôi tháng, ông vẫn dành thời gian đi thực tế cơ sở để viết bài cho chương trình các thứ tiếng dân tộc “Để được nói với bà con và nghe bà con nói; để học thêm vốn từ góp phần nâng cao chất lượng chương trình PT-TH các thứ tiếng dân tộc”.
Kinh nghiệm làm công tác biên dịch, biên tập các thứ tiếng dân tộc thiểu số, ông đã đổi mới cách dịch tin, bài cho Phòng Biên tập, biên dịch các thứ tiếng dân tộc thiểu số Đài PT-TH Kon Tum, theo yêu cầu dịch ý ngắn gọn, rõ ràng; hạn chế tối đa dùng từ phổ thông (tiếng Việt) trong các bản tin PT-TH các thứ tiếng dân tộc thiểu số.
Ông rất vui và tự hào khi một chương trình tiếng dân tộc thiểu số được phát sóng. “Lên sóng là chắp thêm cánh cho ngôn ngữ dân tộc thiểu số bay xa đến với mọi miền Tổ quốc”. Chính vì vậy mà khi làm Giám đốc Đài PT-TH Kon Tum, mặc dù kinh phí hết sức eo hẹp, nhưng thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hai đài quốc gia, Đài PT-TH Kon Tum đã sớm mở thêm một số chương trình phát thanh và truyền hình các thứ tiếng dân tộc thiểu số như Truyền hình tiếng Xê Đăng; chương trình PT- TH tiếng Ba na, Giẻ - Triêng, trở thành đài địa phương phát nhiều chương trình tiếng DTTS nhất khu vực Tây Nguyên.
Là nhà báo có thâm niên lâu năm nhất ở địa bàn tỉnh Kon Tum, nhưng chưa bao giờ Dúi Dăm Reng danh xưng mình là nhà báo. Những bài báo ông viết đều được lấy bút danh như Pa Hùng, Pa Hạnh, Pa Khen… mang tên những người thân và địa danh nơi ông sống và công tác.
Trong một chuyến công tác tháp tùng ông lên huyện Tu Mơ Rông, tôi may mắn được ông “bật mí” về những câu chuyện khi còn làm giao liên ở H16, H29 từ năm 1956-1960. Là thiếu niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn nên ông thường được phân công đi đưa những công văn hỏa tốc. Nhiều lần hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nên ông được các đồng chí lãnh đạo gọi là “Cu Reng”. “Reng”, nghĩa tiếng dân tộc Xê Đăng có nghĩa là nhanh và từ đấy ông được gọi là Reng. Còn tên thật theo giấy khai sinh của ông là Dúi Dăm Tịang.
Ông tâm sự, do sinh ra trong thời kỳ chiến tranh, ở vùng sâu, vùng xa nên ngày tháng năm sinh chính thức không thể nhớ được. Sau này khi vào làm giao liên, các cán bộ lấy ngày 2/9/1945 làm ngày sinh cho tôi với hai mục đích là cho tôi dễ nhớ, đồng thời mang ý nghĩa là ngày Quốc khánh của đất nước, ngày dân tộc Việt Nam chính thức được độc lập để chúng tôi khắc ghi. Thực tế tuổi của tôi có thể lớn hơn vì tôi nhớ khi tôi đã lớn thì Y Xuôi (sinh năm 1950, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Kon Tum) vẫn còn rất nhỏ tôi phải cõng qua suối.
Là học sinh miền Nam được tập kết ra Bắc học tập công tác rồi trở về phục vụ quê hương. Thế hệ những người con như Dúi Dăm Reng ở Tây Nguyên được ví như “những đứa con của Trường Sơn, trung kiên như Trường Sơn” với Đảng, với Tổ quốc, mãi mãi là niềm tự hào cho thế hệ chúng ta noi theo.
Đ.S.T