Chăm lo đời sống già làng, người có uy tín
Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã chú trọng công tác quan tâm, chăm lo đời sống già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Qua đó phát huy vai trò của họ trong vận động, tuyên truyền người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hiểu rõ vai trò của già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã xây dựng, củng cố và tôn vinh đội ngũ này.
Từ năm 2011 đến nay đã có hơn 8.000 lượt người có uy tín trên địa bàn tỉnh được bình xét, công nhận. Để già làng, người có uy tín nâng cao kỹ năng vận động, tuyên truyền, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 42 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho hơn 3.159 lượt người có uy tín.
Để già làng, người có uy tín nắm bắt thông tin, có thêm kiến thức, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Báo Dân tộc và Phát triển cấp hơn 358.000 tờ báo cho hơn 4.500 lượt người; phối hợp với Báo Kon Tum và Bưu điện tỉnh cấp hơn 40.600 tờ Báo ảnh Kon Tum cho hơn 1.400 lượt người có uy tín. Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức 9 đợt tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Đông Nam Bộ và các tỉnh Duyên hải miền Trung với 269 lượt người có uy tín tham gia.
|
Cùng với đó, công tác thăm hỏi, tặng quà cho già làng, người có uy tín cũng được Ban Dân tộc tỉnh quan tâm, chú trọng. Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, tết của các đồng bào DTTS với hơn 4 tỷ đồng cho hơn 8.800 lượt người; thăm hỏi, hỗ trợ vật chất cho người uy tín ốm đau với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng cho hơn 3.300 lượt người; thăm hỏi, hỗ trợ cho gia đình có người uy tín bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hoạn nạn với tổng kinh phí hơn 4,6 tỷ đồng cho hơn 6.200 lượt người có uy tín.
Khi đời sống của già làng, người có uy tín được quan tâm, những “đại thụ” đã phát huy được vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động. Đơn cử, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, bộ phận già làng, người có uy tín đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước giúp đời sống người dân thay đổi, phát triển. Từ đó, giúp người dân giảm dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, tự vươn lên bằng chính nội lực của bản thân, gia đình.
Qua hơn 2 năm thực hiện Cuộc vận động, với vai trò của mình, các già làng, người có uy tín đã góp phần giúp hơn 26.700 hộ DTTS thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, phong tục không còn phù hợp, vươn lên thoát nghèo; có hơn 27.800 hộ DTTS biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; có hơn 12.400 hộ DTTS có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.
|
Ông Hà Hồng Duy – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm, chỉ đạo và quán triệt đầy đủ các văn bản hướng dẫn của cấp trên để việc bầu chọn người có uy tín đạt chất lượng; cân đối, bố trí nguồn kinh phí của địa phương đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với người có uy tín; quan tâm và thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có uy tín đảm bảo đầy đủ và kịp thời để động viên, khuyến khích họ phát huy khả năng vốn có của bản thân để góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế- xã hội của địa phương.
Đồng thời, thường xuyên nêu các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của các vị già làng, trưởng dòng họ, chức sắc, người có uy tín trong các dân tộc để tạo phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh và chọn cử người có uy tín tham gia cơ quan dân cử, mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội; tạo điều kiện cho người có uy tín được tham gia góp ý, xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cung cấp, phổ biến cho người có uy tín về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Văn Tùng