Canh lửa, giữ rừng ở vùng biên Ia H’Drai
Dù theo cấp dự báo cháy rừng trong những ngày cuối năm này của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, huyện Ia H’Drai nằm ở mức trung bình, tức có khả cháy rừng, nhưng theo những đợt gió khô nóng ào về, lực lượng Kiểm lâm huyện Ia H’Drai cũng bắt đầu bước vào những ngày “ăn rừng, ngủ rừng” để phòng “giặc lửa” đầy gian nan...
Ăn, ngủ với rừng
Suốt một ngày trời cùng với Hạt trưởng Kiểm lâm Lương Viết Tú và anh chàng lái xe vui tính Đặng Quốc Thắng lặn lội trong những vạt rừng heo hút thuộc xã Ia Đal, tôi cảm nhận rõ một mùa khô khốc liệt đang đến. Nhất là khi đi qua những cánh rừng bắt đầu hừng hực nóng, gió quất ràn rạt, hút khô lớp cỏ đuôi chồn, thực bì dưới tán lá.
Hạt trưởng Lương Viết Tú cho biết: Huyện Ia H’Drai có diện tích tự nhiên 98.013,22ha; trong đó, có 59.832,79ha rừng tự nhiên và 24.566,65ha rừng cao su. Với điều kiện địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, Hạt Kiểm lâm huyện luôn đặt nhiệm vụ canh rừng, phòng lửa lên hàng đầu. Bởi nếu không phát hiện sớm, một khi cháy rừng lan ra, cộng với gió lớn thì dập lửa cứu rừng là một việc rất khó khăn và gây thiệt hại rất lớn.
Lái xe Đặng Quốc Thắng tham gia: Mỗi dịp tết đến xuân về, khi mọi người quây quần bên gia đình thì tụi em phải thực hiện “ăn rừng, ngủ rừng” bởi đây cũng là lúc nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Mà khi đã xảy ra cháy rừng rồi thì nguy hiểm, khó khăn lắm anh ạ. Nhiều khi mình đang dập lửa đằng trước thì gió đã làm bốc lửa cả mảng lớn ở đằng sau, người dập lửa mà không để ý thì nguy hiểm đến tính mạng chứ đừng nói đến cứu rừng. Vì thế, anh em hay đùa nhau, ngủ cũng chỉ được ngủ một mắt thôi nhé, mắt kia mở để canh lửa.
Điều này lý giải vì sao khi lặn lội qua những cánh rừng hoang vắng, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những nhân viên kiểm lâm địa bàn, mặt mày hốc hác vì thiếu ngủ, xuất hiện ở những điểm nóng, dễ xảy ra cháy rừng. Ở khu rừng cao su của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Duy Tân (tiểu khu 717, xã Ia Đal), tôi gặp Nguyễn Đức Long - Kiểm lâm địa bàn xã Ia Đal - và mấy thanh niên đang xì xụp... ăn mì tôm ven bờ lô.
Ra đến cánh rừng cao su của Công ty CP Cao su Sa Thầy, giáp ranh 2 xã Ia Đal và Ia Dom, tôi gặp anh Lê Hữu Có - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện đang ngồi nghỉ bên đường. Thì ra anh cũng vừa chạy quanh một vòng kiểm tra tình hình canh gác, phòng cháy chữa cháy rừng của anh em Kiểm lâm địa bàn và các chủ rừng phía xã Ia Dom.
Anh Có chia sẻ: Hạt đã chỉ đạo quyết liệt rồi, không phải đến thời kỳ cao điểm, mà ngay từ bây giờ, anh em phải bám địa bàn 24/24 giờ, tổ chức lại các tổ đội quần chúng bảo vệ và chữa cháy rừng; hướng dẫn bà con đốt rẫy đúng quy trình... Đặc biệt, do lực lượng có hạn, chúng tôi xác định phải dựa vào tai mắt của người dân để canh lửa.
Còn đó nỗi lo...
Về đến Hạt Kiểm lâm huyện, tôi gặp anh Nguyễn Hoài Tâm- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh lên kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng của huyện. Nhìn tôi mệt mỏi bước vào, anh cười: Công việc của anh em ở đây là vậy đấy, phải bám địa bàn bất kể ngày đêm, nên nói ăn ngủ với rừng cũng đúng. Ban Chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cũng xác định Ia H’Drai là một trong 3 địa bàn trọng điểm về phòng cháy chữa cháy rừng nên được ưu tiên kiểm tra đầu tiên.
|
Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng huyện Ia H’Drai đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2016-2017, phương án phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2016-2020 cũng như phương án chỉ huy chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn; phối hợp với chính quyền xã và chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và phương tiện để huy động tham gia chữa cháy rừng bất cứ lúc nào...
Tuy nhiên, đối mặt với mùa khô khốc liệt phía trước, chúng tôi vẫn còn có nhiều nỗi lo - Hạt trưởng Tú bộc bạch - Như việc huy động nhân dân, phương tiện tham gia chữa cháy rừng còn gặp khó khăn do những diện tích rừng dễ cháy nằm xa khu dân cư. Đa phần các khu vực trọng điểm cháy rừng thường ở các vị trí cao, đất dốc nên các phương tiện chữa cháy (như xe bồn chứa nước...) khó tiếp cận, trang thiết bị dụng cụ chữa cháy còn thô sơ (dao, rựa, bàn dập....) nên hiệu quả trong việc chữa cháy còn nhiều hạn chế. Việc làm đường băng cản lửa trên một số diện tích rừng cao su giáp ranh với rừng tự nhiên vẫn chưa được thực hiện...
Đặc biệt là một số đơn vị chủ rừng không có kinh phí để xử lý triệt để vật liệu cháy trong lô nên nguy cơ cháy rừng là rất cao. Đơn cử như Công ty CP Sâm Ngọc Linh có khoảng 200ha cao su tại các tiểu khu 694, 710, 716, 717; Công ty CP Đầu tư Phát triển Duy Tân với diện tích khoảng 1.112ha cao tại các tiểu khu 695, 701, 708, 709, 711, 718, 723, 741, 742, 751, 753...
Hồi chiều, tôi cũng đã cùng Hạt trưởng Tú lặn lội qua những tiểu khu này và cảm giác lo ngại đè nặng trong lòng. Đây là những khu vực giáp với rừng tự nhiên, nhưng cỏ mọc cao lút đầu người, mặc dù đại diện chủ rừng cho biết năm nay đã có sự chuẩn bị chu đáo hơn với việc cày lật để xử lý vật liệu cháy, nhưng trên thực tế thì vẫn chưa được thực hiện.
Trước áp lực canh lửa giữ rừng trong mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện Ia H’Drai đang tập trung hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chủ rừng chủ động triển khai thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ rừng; chú trọng đầu tư xây dựng mới, tu sữa các công trình phòng cháy và mua sắm, bảo dưỡng các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng; bố trí lực lượng trực 24 giờ trong ngày; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy kịp thời khi có cháy rừng xảy ra...
Thành Hưng