Cảnh giác và hiểu biết để phòng cháy
Để phòng cháy hiệu quả, không thể mãi trông chờ, ỷ lại vào cơ quan chức năng, mà mỗi người cần gánh vác trách nhiệm, thông qua việc nâng cao tinh thần cảnh giác và sự hiểu biết của mình về phòng cháy.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp ghi nhận 5 vụ cháy. Trong đó, ngoài vụ cháy bãi mía đêm 10/1 tại phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum, thì 4 vụ còn lại đều trong khu dân cư.
Gần đây nhất là vụ cháy xảy ra vào trưa 15/2 ở tổ dân phố 10, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum. Đám cháy bùng phát tại nhà ông H.V.N, và có hiện tượng cháy lan sang khu vực lân cận.
Sau khi nhận tin báo cháy, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) đã khẩn trương điều lực lượng, phương tiện đến hiện trường vụ cháy, triển khai các biện pháp chống cháy lan và dập tắt đám cháy.
Trước đó, theo ghi nhận của lực lượng chức năng, vào ngày 11/1 xảy ra vụ cháy cửa hàng kinh doanh nội thất tại thôn Măng Tôn, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi; ngày 21/1 xảy ra vụ cháy nhà dân tại hẻm 32, đường Trần Đại Nghĩa, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum; ngày 13/2 xảy ra cháy tại xưởng sản xuất bột nhang ở thôn 1A, xã Đăk La, huyện Đăk Hà.
Đáng chú ý là các vụ cháy đều có nguy cơ lan sang các khu vực liền kề; có diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Dù không gây thiệt hại về người, và đều được lực lượng chức năng dập tắt kịp thời, nhưng đây là những tiếng chuông cảnh báo không thể xem thường.
|
Qua phân tích thực tế các vụ cháy cho thấy, ngoài những yếu tố khách quan, và vai trò của cơ quan chức năng, thì có hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hỏa hoạn.
Thứ nhất là người dân còn tâm lý chủ quan, tinh thần cảnh giác chưa cao trước nguy cơ hỏa hoạn.
Mới đây, tôi đi thăm anh bạn cùng quê. Vợ chồng anh có một cơ sở chuyên thu gom phế liệu. Cơ sở này, cũng là nhà ở của vợ chồng anh, nằm tại một phường nội thành của thành phố Kon Tum.
Là cơ sở thu gom phế liệu, nên phải nói rằng có thượng vàng hạ cám, chất đống trước sân, sau nhà; một số thứ còn khá tốt được phân loại chất trong nhà, dưới bếp.
Bãi đất trống cạnh nhà cũng ngổn ngang phế liệu, chủ yếu là rác thải nhựa, cao su. Thỉnh thoảng gió cuộn lên, thổi tung những mảnh, những túi nilon vương vãi bay lên.
Sát “núi” phế liệu, chị vợ đang loay hoay nhóm lò than nấu nước. Chiếc quạt máy thổi thốc vào lò, khiến than bắt lửa nhanh, nổ lép bép, những tàn lửa nổ bung ra, vẽ lên khoảng không những nét lửa ngang dọc.
Trời đất, sao chị chủ quan vậy. Để xa xa một chút, lỡ bắt lửa vào đống phế liệu nhựa này thì sao? Tôi hoảng hồn.
Anh cười hì hì: Đừng sợ, không có chuyện gì đâu, lâu nay vẫn làm như thế, cô ấy quen rồi. Với lại, ông tưởng dễ cháy lắm à?
|
Tôi không chỉ lo lắng vì cái bếp lò đang cháy rừng rực bên đống phế liệu kia mà còn vì mấy dây điện bò loàng ngoằng trên mái nhà; 1 cái bảng điện bằng nhựa, với cầu dao đã rớt vỏ hộp bảo vệ, treo lủng lẳng trên cái đinh đóng vào tường.
Đây cũng là một hiểm họa cháy nổ- tôi chỉ cái bảng điện. Trong vụ cháy tại xưởng sản xuất bột nhang ở thôn 1A, xã Đăk La, huyện Đăk Hà ngày 13/2, qua xác minh ban đầu, đám cháy bùng phát tại tủ điện 3 pha trong nhà xưởng đấy.
Anh bạn chỉ cười cười. Và tôi đọc được rất rõ ràng sự chủ quan, mất cảnh giác trong nụ cười ấy.
Nguyên nhân thứ hai là hiểu biết, kiến thức của người dân về phòng cháy còn rất hạn chế.
Có thể thấy rất rõ điều này qua việc đa số gia đình chưa quan tâm đến đầu tư mua sắm trang bị phòng cháy; không có phương án phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm khi xây dựng nhà cửa.
Nhiều hộ gia đình còn có thói quen tự ý lắp đặt thêm những thiết bị điện có công suất lớn, sử dụng điện bừa bãi mà không chú ý đến việc đảm bảo an toàn dẫn đến các vụ cháy do chập điện.
Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ chú trọng đến lợi nhuận kinh tế mà không quan tâm việc đầu tư công tác phòng cháy, chữa cháy.
Cụ thể như một số cơ sở lắp đặt, sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc đã sử dụng nhiều năm nhưng không bảo trì nên quá trình hoạt động dễ phát sinh cháy, nổ; nhà xưởng, nhà kho chứa nhiều chất cháy nhưng không có giải pháp chống cháy phù hợp; nhà kho chưa chú trọng khâu vệ sinh, còn tình trạng câu móc điện tùy tiện.
Trong khi đó, hầu hết người dân chưa hoặc không quan tâm, dành thời gian tham gia các lớp, các hoạt động tập huấn về phòng cháy, chữa cháy để có kiến thức bảo vệ mình và người thân, nhất là kỹ năng phòng cháy, xử lý và sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ khi có cháy xảy ra.
Dân gian có câu “nhất thủy, nhì hỏa” và gọi “thủy, hỏa” là “giặc”, ý nói rằng tai họa do nước, lửa gây ra là cực kỳ nguy hiểm.
Thế nên, để phòng cháy hiệu quả, không thể mãi trông chờ, ỷ lại vào cơ quan chức năng, mà mỗi người cần gánh vác trách nhiệm, thông qua việc nâng cao tinh thần cảnh giác và sự hiểu biết của mình về phòng cháy.
Trong đó, nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ.
Tự trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ và biết cách sử dụng những phương tiện này; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình, công ty cùng biết.
Đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm. Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
Dành thời gian tham gia các hoạt động tập huấn về phòng cháy, chữa cháy để có kiến thức bảo vệ mình và người thân. Nhất là kỹ năng phòng cháy, xử lý và sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ khi có cháy xảy ra.
Trước “giặc lửa”, cảnh giác và hiểu biết không bao giờ là thừa!
Hồng Lam