Ði chợ ngày Tết
Những ngày giáp tết này, không khí mua sắm ở các siêu thị, chợ lớn, chợ nhỏ tấp nập, nhộn nhịp hẳn lên. Hàng tết nhiều nơi tràn ra cả lối đi, cảm giác như chỉ cần với tay một cái là ngập tràn trong hương sắc tết, là bước sang năm mới.
Chợ tết, cái nơi những tưởng chỉ dành cho mua và bán, người ta không chỉ đến mua sắm hàng hóa, mà còn để được hoà mình vào không khí xuân đầy sống động âm thanh, hương sắc, để được lạc trong không gian tưng bừng của áo quần đẹp đẽ, của bánh trái tươi ngon, của những phong bao lì xì xanh đỏ, của đủ loại mứt ngòn ngọt, nồng nồng. Đủ hương, đủ sắc, hầu như những cái gì ngon nhất, đẹp nhất, hấp dẫn nhất, mới mẻ nhất, tốt đẹp nhất đều được bày bán ở chợ tết.
Để chuẩn bị cho chợ tết, các siêu thị, các tiểu thương đặt mua hàng ngay từ sớm. Người dân sắm sửa sớm nhất thường là các mặt hàng gia dụng, vải vóc, áo quần may sẵn. Nếu như chợ tết những năm trước đây, vải vóc luôn đắt hàng thì nay quần áo may sẵn đang chiếm ưu thế. Từ tháng 11 âm lịch, nhiều người đã tranh thủ đi chợ mua sắm quần áo tết với mong muốn chọn cho cả nhà được những bộ cánh ưng ý để du xuân. Sang tháng Chạp, các mặt hàng bánh, mứt, hạt dưa, trái cây, củ quả, thịt cá các loại bắt đầu nhộn nhịp. Mọi người rủ nhau đi mua sắm chuẩn bị cho ba ngày tết, bảy ngày xuân. Ai nấy đều tính toán mọi thứ tươm tất. Hạt dưa, bánh kẹo, mứt để đãi khách; lá chuối, gạo nếp, thịt heo, đậu xanh để gói bánh chưng, bánh tét; cá, tôm, gà, măng miến, thịt… dùng trong bữa cơm tất niên đoàn tụ gia đình; rồi dưa, mãng cầu, đu đủ, xoài, cam, nho… để bày thành mâm ngũ quả - thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên gia đình mỗi dịp tết về.
|
Với người Kon Tum, như một thói quen, bước chân vào chợ tết, thể nào cũng phải mua ít măng khô, cà phê, chuối ép, chuối sấy - đặc sản của Kon Tum gửi làm quà Tết cho người thân, bạn bè phương xa. Hiểu rõ nét đẹp văn hóa truyền thống này, các tiểu thương trữ hàng cả mấy tháng trời. Vậy là gian hàng nào cũng vậy, từng bì măng, hộp tiêu, hộp cà phê được đóng gói trưng bày la liệt trên các kệ hàng. Có người chuẩn bị về quê mua cả vài chục cân măng, tiêu, cà phê. Cũng phải, “đất lành chim đậu” - Kon Tum trở thành nơi hội đủ các vùng miền trên cả nước về đây lập nghiệp. Ngày tết đoàn viên, những con người ở từng vùng miền ấy đã mang theo những đặc sản của quê hương thứ hai làm món quà xuân chứa chan ân tình cho bà con, xóm làng.
Ngoài 20 tháng Chạp, chợ tết càng nhộn nhịp hơn. Dấu hiệu rõ nhất là các thùng cá chép đỏ xếp hàng chờ khách mua tiễn ông Táo chầu trời. Trong tư duy của người Việt, từ 23 tháng Chạp bắt đầu được coi là Tết. Chợ tết lúc này ngập tràn các mặt hàng đặc trưng ngày tết: lá chuối, củ hành, củ kiệu, bánh thuẫn, mứt các loại… Đành rằng những thứ ấy lúc nào cũng có, nhưng hình như trong không khí tết những món này trở thành hương, thành sắc báo hiệu tết về.
Người mua cứ thong thả đi từ hàng này sang hàng khác, thể nào cũng gặp người quen. Trước sau vẫn mua nhưng cứ ngắm cho thỏa hai con mắt. Đời sống người dân ngày một nâng cao, đồng nghĩa với sức tiêu thụ hàng hoá cũng tăng lên. Hàng hóa ngày tết vì thế càng thêm phong phú, dồi dào. Người bán đon đả chào mời. Người mua tha hồ ngắm nghía, lựa chọn những mặt hàng phù hợp.
Và như một quy định bất thành văn, các mặt hàng tết như áo quần, mứt, bánh kẹo được bày bán từ sớm nhưng chợ hoa thì phải đến gần tết mới bắt đầu và kéo dài đến tận trước giờ giao thừa. Phải có hoa, có cành đào, cành mai, cây quất mới mang trọn sắc xuân nên từ trẻ em đến cụ già ai ai cũng chờ đợi thăm thú chợ hoa. Chọn được cành hoa, chậu quất ưng ý cũng phải mất cả buổi. Tốn công một chút là vậy nhưng ở đó gửi gắm bao mong ước cho một năm mới tài lộc.
Không khí chợ tết năm nào cũng vậy, cứ vui, rạo rực lòng người, cứ len lỏi vào từng góc làng, góc phố. Người lớn đi chợ tết mua sắm hàng hóa nhu yếu phẩm, nam nữ thanh niên đi mua sắm áo quần, mua quà tặng nhau, còn trẻ em thì coi chợ tết như một thế giới kỳ ảo của tuổi thơ với lấp lánh những sắc màu đồ chơi, hoa lá.
Dẫu cuộc sống hiện đại, chỉ cần một cuộc gọi, hay cú nhấp chuột, thôi thì đủ các loại hàng hóa được đưa đến tận cửa nhà, nhưng dường như ai ai cũng tranh thủ một lần đi chợ tết. Năm nào có công có chuyện hay vì một lý do nào đó không đi được chợ tết là cảm thấy thiếu thiếu, cảm thấy như hương sắc ngày xuân chưa thật trọn vẹn. Nên trong câu chuyện những ngày cuối năm, các bà, các mẹ hay thăm hỏi nhau, đã đi chợ tết chưa. Rồi như nhắn nhủ, đi chợ tết đi, đi để được hoà mình vào không khí sống động âm thanh, hương sắc ngày xuân, đi để trọn vẹn với cảm giác chỉ cần với tay vào ngồn ngộn hàng hóa tết là như đã bước sang năm mới rồi.
Nguyên Phúc