Quà mừng cưới của người Ba Na
Đám cưới của người Ba Na không phải nấu nướng cầu kỳ, chỉ có cháo đặc và rượu, thịt nhưng bà con gần xa đến chung vui rất đông. Khi đến dự cưới và chúc phúc cho cô dâu, chú rể, mọi người thường mang theo những món quà tặng cho cô dâu, chú rể rất ấn tượng…
Thường thì từ cuối năm cũ đến hết mùa khô của năm sau, nhiều gia đình người Ba Na ở thành phố Kon Tum lại rộn ràng tổ chức đám cưới cho con trai, con gái của mình. Đám cưới của người Ba Na không phải nấu nướng cầu kỳ, chỉ có cháo đặc và rượu, thịt nhưng bà con gần xa đến chung vui rất đông. Khi đến dự cưới và chúc phúc cho cô dâu, chú rể, mọi người thường mang theo những món quà tặng cho cô dâu, chú rể rất ấn tượng…
Thật thú vị khi chúng tôi được một người bạn đưa về làng Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống Nhất (thành phố Kon Tum) dự đám cưới của người bà con trong họ. Anh A Klăn là người Ba Na ở làng này cưới chị Y Ngân là người Ja Rai ở làng Klâu Ngol Zố (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum).
|
Theo những người lớn tuổi ở làng Kon Tum Kơ Nâm thì đám cưới của người Ba Na ở thành phố Kon Tum nói chung và ở làng Kon Tum Kơ Nâm nói riêng bây giờ cũng có nhiều đổi khác: thời gian diễn ra lễ cưới cũng rút ngắn lại còn 1 ngày để tiết kiệm thời gian (trước đây kéo dài đến 3 ngày); đám cưới cũng không còn mổ bò, mổ trâu mà thay vào đó là thịt heo, gà để giảm chi phí. Tuy nhiên, cách thức tổ chức đám cưới thì cơ bản vẫn còn giữ được nét truyền thống.
Chú rể A Klăn cho biết, để chuẩn bị cho đám cưới của mình, trước đó cả tháng, bố mẹ anh đã phải làm hàng chục ghè rượu để sẵn trong nhà. Trước lễ cưới 1 ngày, gia đình cũng đã nhờ các thanh niên trong làng lên rừng chặt ống le để làm ống hút rượu cần, còn các thiếu nữ thì lên rừng hái rau, chặt thân cây chuối. Chuẩn bị nguyên vật liệu đâu vào đấy, họ tập trung tại nhà chú rể để phụ giúp. Người được chọn đứng ra làm mai mối thì trực tiếp mổ heo (gia đình có điều kiện thì thịt trâu, thịt bò), hướng dẫn đàn ông chế biến các món ăn. Đàn bà thì xắt thân chuối, làm sạch rau rừng. Các cô gái trẻ trong làng cùng nhóm bếp để nấu món cháo đặc – món ăn yêu thích và là món truyền thống trong các dịp lễ hội, cưới hỏi của người Ba Na. Các chàng trai trẻ trong làng thì lấy nước đổ vào ghè rượu, mang ghè ra sắp xếp trước sân nhà.
Trước khi nhập tiệc, người làm mai mối thay mặt gia đình hai bên trao cho cô dâu, chú rể 2 chiếc đùi gà để họ cùng trao đổi cho nhau, vừa ăn vừa uống rượu “giao bôi” dưới sự chứng kiến của bà con dân làng. Xong nghi lễ, tiệc cưới được bắt đầu với những ghè rượu, những xiên thịt gà, heo đã được nấu nướng sẵn. Cô dâu, chú rể chia nhau đi vòng quanh bà con họ hàng để nhận những lời chúc mừng, những món quà cưới thể hiện tấm lòng, tình cảm của mọi người đến chia vui niềm hạnh phúc.
Độc đáo ở đám cưới của đồng bào DTTS nói chung và người Ba Na ở làng Kon Tum Kơ Nâm nói riêng, quà cưới mừng cô dâu, chú rể thật đơn giản nhưng luôn được trân trọng như chính tình cảm của họ dành cho nhau.
Đối với con gái về nhà chồng, những bà mẹ thường dệt tặng cho cô dâu chiếc khăn để làm kỷ niệm. Đối với bà con họ hàng thì trong nhà có gì họ mang tặng cái nấy, không cầu kỳ. Có người mang hẳn những ghè rượu, có người chiết rượu cần ra chai mang đến đám cưới để mời cô dâu, chú rể; có người mang theo cặp gà, cặp heo, mấy chục quả trứng gà… Nếu không mang rượu, có người mang nước ngọt hay kẹo để tặng, có khi tặng tiền (vài chục ngàn đồng).
Những món quà cưới được bà con họ hàng trao tận tay cô dâu, chú rể sau khi cô dâu, chú rể uống xong những ly rượu hoặc những ly nước ngọt do mỗi người họ hàng mời.
Theo sau cô dâu, chú rể còn có 6 phụ dâu, phụ rể - họ mang những chiếc gùi rất xinh xắn để phụ cô dâu, chú rể đựng những quà cưới bà con họ hàng tặng hoặc uống đỡ những ly rượu mời cho cô dâu, chú rể.
Ông Chưt (58 tuổi) ở làng Kon Tum Kơ Nâm kể lại, cách đây 27 năm khi ông tổ chức cưới vợ cũng được bà con họ hàng tặng hơn chục cặp gà, hàng chục ghè rượu. Những con vật như heo, gà có người đến tặng trước đám cưới một ngày để giúp cô dâu, chú rể giết thịt đãi khách nhằm giảm bớt chi phí; có người đúng ngày cưới mới mang tặng để giúp cho vợ chồng mới tạo vốn liếng làm ăn. Mới đây, con gái lớn của ông Chưt lấy chồng, đám cưới cũng diễn ra theo phong tục truyền thống, được bà con họ hàng trong làng đến mừng cưới đến cả 2 gùi trứng gà. Với bà con, những món quà tuy đơn giản nhưng đấy là tất cả tấm lòng của họ.
Trước đây, theo phong tục, đám cưới của người Ba Na diễn ra trong vòng 3 ngày (nhà trai tổ chức riêng, nhà gái tổ chức riêng, ngày cuối cùng tổ chức tiệc để cảm ơn thanh niên trong làng đã giúp đỡ cô dâu, chú rể) nhưng bây giờ đơn giản hơn nên đã rút gọn xuống còn 1 ngày. Ông Chưt cho biết thêm, tuy mỗi thời có thay đổi nhưng từ xưa đến giờ, hễ tổ chức đám cưới thì mỗi bên gia đình cô dâu, chú rể cũng phải có ít nhất 11 ghè rượu và 11 con gà đặt sẵn cho họ hàng hai bên, người mai mối, già làng, cô dâu chú rể, thanh niên nam nữ, bà con trong làng, bà con ở làng khác và khách đến dự lễ cưới… Sau khi uống rượu hoặc nước ngọt họ hàng mời, cô dâu, chú rể mời mọi người cùng uống rượu cần do gia đình mình làm để chung vui. Họ vừa uống rượu, vừa nhảy múa.
Chị Ksor Nga Hơ Jang ở làng Kon Tum Kơ Nâm mới tổ chức đám cưới chưa lâu cũng có mời bà con trong làng đến chung vui chia sẻ, những món quà cưới như trứng hoặc nước ngọt, rượu, thịt còn lại sau lễ cưới theo phong tục mình đều mang chia cho những phụ dâu, phụ rể và những người đã giúp gia đình mình lo toan, chuẩn bị lễ cưới để cảm ơn tình cảm bà con, bạn bè dành cho mình.
Cuộc trò chuyện với những người họ hàng của cô dâu Y Ngân và chú rể A Klăn khiến chúng tôi bị cuốn hút đến nỗi mặt trời khuất núi lúc nào không hay. Một ngày dự đám cưới thật vui, bà con họ hàng cũng dần tản ra ai về nhà nấy. Cô dâu Y Ngân và chú rể A Klăn nắm chặt tay nhau rời “sàn nhảy”; rít một hơi rượu cần còn lại trong ghè thật sảng khoái, họ nhìn nhau nở nụ cười thật hạnh phúc nhưng cũng không quên chia những phần quà cưới của mình cho những người đã đến phụ giúp tổ chức tiệc cưới.
Tú Quyên