Cảm xúc Tết Độc lập
Đã 70 năm trôi qua, nhưng mỗi khi đến Tết Độc lập, mỗi người dân Kon Tum vẫn không khỏi bồi hồi. Họ, có thể là những người đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, trải qua những ngày tháng bom sôi đạn lửa của chiến tranh; họ, cũng có thể là những người sinh ra trong hòa bình, chỉ biết đến sự kiện này qua sách, báo, qua những câu chuyện kể của người lớn… nhưng tất cả đều chung một niềm tự hào, xúc động.
Ông Đinh Hồng Đe - Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh năm nay đã bước sang tuổi 68 và có 45 tuổi Đảng. Với ông, Quốc khánh 2/9 hàng năm luôn mang đến cho ông sự tự hào xen lẫn xúc động. Không xúc động, tự hào sao được khi đây là một dấu son chói lọi trong hành trình mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vào ngày này cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đây lịch sử dân tộc Việt Nam sang trang mới, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Ông kể, mặc dù không hề được biết đến, chứng kiến sự kiện trọng đại ấy vì sau 2 năm sau ngày đất nước ta được thành lập ông mới chào đời nhưng khi lớn lên luôn được nghe cha mẹ nhắc đến ông đã phần nào hiểu hơn về mùa thu cách mạng năm ấy. Hiểu về truyền thống hào hùng của dân tộc, chứng kiến cảnh dân làng Đăk Blô (Đăk Glei) quê ông – vùng giáp ranh giữa ta và địch nên trong chiến tranh rất ác liệt - bị giặc đốt nhà cửa, đánh đập, đe nẹt, cướp bóc… 15 tuổi (năm 1962), ông đã tham gia du kích ở xã. Lớn hơn một chút, ông đi bộ đội, trực tiếp tham gia các trận đánh Mậu Thân 1968, giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh, giải phóng thị xã Kon Tum… Không ngừng phấn đấu, sau này, ông đảm nhận trọng trách Chỉ huy trưởng BCH Biên phòng tỉnh; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII và hiện đang là Chủ tịch Hội CCB tỉnh. “Những ngày này, tôi thường kể cho các con về những truyền thống hào hùng của dân tộc ta, về những giai đoạn lịch sử của đất nước. Độc lập đã mang lại cơm no, áo ấm cho mọi nhà” – ông Đinh Hồng Đe chia sẻ.
“Khi mới đi hoạt động cách mạng, tôi được cán bộ dạy cho biết đọc, biết viết, giảng giải về Đảng, về cách mạng, về dấu mốc lịch sử 2/9/1945. Tôi thường nghĩ, dân ta được đổi đời nô lệ có được cuộc sống tươi đẹp như hiện nay là nhờ có Đảng, có Bác Hồ, có cách mạng” - bà Y Nghéo ở tổ dân phố 2, phường Lê Lợi, TP Kon Tum năm nay đã 73 tuổi đời, 53 năm tuổi Đảng tâm sự.
Bà nhớ lại: Ngày 2/9/1945, tôi đúng tròn 3 tuổi, quá nhỏ để biết, để hiểu về sự kiện trọng đại này. Lớn lên một chút, nghe người lớn thường nhắc đến dấu mốc 2/9/1945 một cách hồ hởi, tôi hiểu rằng đây là dấu mốc đổi đời của mỗi người dân Việt Nam, của cả dân tộc. Hiểu và cảm nhận rõ nỗi đau mất nước, năm mới 13 tuổi, tôi đã làm liên lạc đưa công văn cho bộ đội và đến năm 1959 (17 tuổi), trở thành du kích...
Bà kể, chiến tranh liên miên, phải di chuyển liên tục nên thời gian trước giải phóng, kỷ niệm Tết Độc lập hàng năm, đơn vị không tổ chức nhưng ai ai cũng tự thầm hứa với Đảng, với Bác phải nỗ lực hơn nữa, phấn đấu nhiều hơn nữa. Nhớ nhất là vào dịp Tết Độc lập năm 1969, chúng tôi nhận được tin Bác Hồ mất, ai ai cũng nghẹn ngào xúc động.
“Lúc ấy, tôi là Trưởng Ban Tuyên huấn H40, được phân công đọc tiểu sử Bác Hồ. Nuốt nước mắt vào trong, tôi nghèn nghẹn đọc, còn khoảng 2-3 dòng nữa thì không thể kìm được đã khóc nức nở. Cả hội trường lúc ấy ai cũng nghẹn ngào” – bà Nghéo xúc động kể.
|
Còn ông A Kheo, già làng Plei Sar (xã Ia Chim, TP Kon Tum) tâm sự, tôi sinh năm 1954, sống trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ nên tôi hiểu rõ nỗi khổ cực, khó khăn, vất vả của nhân dân ta. Ngày nay, nhớ lại khoảng thời gian trong chiến tranh mới cảm nhận rõ giá trị của cuộc sống hòa bình. Đúng là không có gì quý hơn độc lập, tự do. Có tự do mình mới có thể chú trọng, tập trung chăm lo sản xuất. Tiếp nối hào khí mùa Thu cách mạng, thế hệ chúng tôi sau này đã hoàn thành vẻ vang nghĩa vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó là xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cũng như các gia đình khác, gia đình tôi luôn cố gắng lao động sản xuất, vượt khỏi đói nghèo, góp phần vào sự phát triển của xã hội. Nhận thức được giá trị của việc học cũng như những giá trị văn hóa truyền thống nên tôi luôn dạy dỗ, động viên các con chăm lo học đạo, học nghĩa, học chữ.
Say mê nghiên cứu lịch sử Việt Nam, em Nguyễn Hoài Vương - học sinh lớp 12, Trường THPT Kon Tum (đã sáng tạo trang Web hỗ trợ tự học lịch sử Việt Nam thời Lý- Trần và đạt giải Ba trong Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức) cho rằng, trong dòng chảy lịch sử Việt Nam, ngày 2/9/1945 có ý nghĩa quan trọng – ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khẳng định: Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập.
Vương tâm sự: Được sinh ra trong hòa bình với em đó là một điều may mắn. Chính từ ngày 2/9 cách đây 70 năm về trước, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam, đưa đất nước, người dân thoát khỏi thân phận nô lệ, lầm than. Cũng nhờ đây, chúng em được sống trong hòa bình, độc lập, tự do; được học và thể hiện những khả năng của mình, được sống, được theo đuổi đam mê, đó là một điều hạnh phúc. “Trong thời gian tới, em sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cả về nội dung và hình thức của trang Web. Em sẽ cố gắng tải toàn bộ lịch sử Việt Nam, đặc biệt là sự kiện lịch sử ngày 2/9/1945 cách đây 70 năm về trước để mọi người có thể xem, hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam” - Vương bộc bạch.
Nguyên Phúc