Rộn ràng Tết về
Tháng Chạp đến một cách lặng lẽ, nhưng từng ngày lại trôi qua một cách vội vã. Mới hôm nào lật tờ lịch lên còn thủng thẳng nói: Nay mới mùng đầu tháng Chạp chứ mấy, vội vàng gì. Vậy mà vèo cái đã qua rằm, rồi chỉ kịp dự vài ba lễ tất niên là Tết đến ngay cửa.
Năm nào cũng vậy, cứ đến tầm này, mấy người bạn lại rộn ràng lo tàu xe, quà cáp để về quê. Bởi có những người phải đi chặng đường khá xa, có khi về đến quê nhà đã vào giao thừa.
Nhìn bạn bè náo nức bàn chuyện về quê đón Tết mà tôi cứ nôn nao, cứ chộn rộn. Mới hôm nào lật tờ lịch lên còn thủng thẳng nói: Nay mới mùng đầu tháng Chạp chứ mấy, vội vàng gì. Vậy mà vèo cái đã qua rằm, rồi chỉ kịp dự vài ba lễ tất niên là Tết đến ngay cửa.
Dù rất bận rộn để giải quyết nốt những phần việc còn lại của năm cũ nhưng mà lòng cũng chẳng yên, trong đầu toàn nghĩ đến chuyện Tết và Tết.
Năm nay, theo quy định, đến hết ngày 28 tháng Chạp mới được nghỉ Tết. Với những người ăn tết tại chỗ thì thấy bình thường, chứ người phải về quê ăn tết thì thời gian này dường như là hơi muộn. Tuy nói là 3 ngày tết, nhưng rõ ràng có không khí nhất, chộn rộn nhất và… mệt nhất vẫn là những ngày trước Tết.
Bởi thế mà có năm, nếu giải quyết xong công việc sớm, tôi đều không bỏ qua cơ hội xin được nghỉ phép khoảng thời gian trước và sau Tết vài ngày để có thể thong dong, để có thể hưởng thụ trọn vẹn không khí tết nơi quê sau một năm dài xa cách.
|
|
Có người hỏi đùa rằng, lớn rồi, sao vẫn còn “ham” Tết đến vậy? Tôi cười: Tết mà, sao không ham cho được. Nhưng kỳ thực, Tết đến, chẳng phải tôi nghĩ đến chuyện được nghỉ ngơi, được đi chơi đây đó, mà chỉ cần được về quê sớm hơn một chút, được quây quần bên gia đình, cùng nhau dọn dẹp bàn thờ gia tiên, rồi đi thăm viếng người thân, họ hàng, hỏi han nhau việc sắm sửa cho Tết; hòa vào không khí chợ tết quê để mua sắm những thứ cần thiết cho gia đình.
Với tôi, thế mới là Tết!
Chị tôi đã lập gia đình, lại bận bịu với việc buôn bán nên thường đến ngày mùng 2 Tết cả nhà mới kéo nhau về quê. Chị nói vui, đi về đúng trong Tết nên không phải vất vả lo toan chuyện tết nhất, nhưng thiệt thòi là không được hòa mình vào không khí chuẩn bị tết ở quê nhà.
Và tôi thấy chị nói thật đúng. Không hiểu sao, Tết nào cũng vậy, từ sáng mùng 1, khi mấy đứa cháu mặc bộ đồ mới, hí hửng chúc tết ông bà, người lớn trong nhà, vui mừng nhận phong bao lì xì đỏ; khi ba, má và mấy chị em đi chúc tết hai bên nội, ngoại là tôi thấy Tết đã bắt đầu phai. Rồi mùng 2, mùng 3 thì Tết chớm hết, sang mùng 4 là hết Tết.
Thế cho nên, làm nên không khí tết, luôn gây thương nhớ mỗi dịp Xuân về Tết đến lại là những ngày giáp tết. Chị tôi toàn về quê vào ngày Tết thì làm sao có được cái không khí rộn ràng của những ngày trước đó. Dù chị có nói “được về quê ăn tết cũng đã rất vui rồi”, nhưng tôi vẫn nhận ra sự tiếc nuối không hề che giấu.
tầm 25, 26 tháng Chạp là cả nhà đã cùng nhau lau dọn nhà cửa, bàn thờ gia tiên. Chỉ cần nghĩ đến cảnh nhà cửa rộn vang tiếng nói cười, rồi ba phân công nhiệm vụ đứa này làm việc này, đứa kia làm việc kia thôi đã thấy vui.
Trong nhà vui bao nhiêu, ngoài ngõ cũng vui bấy nhiêu. Nhà nhà rủ nhau ra dọn đường làng, ngõ xóm, dựng và trang trí cổng chào mừng năm mới. Từ ngày xã lên nông thôn mới, mỗi năm Tết đến Xuân về, bà con trong làng, trong xóm càng ý thức giữ cho cảnh quan môi trường thêm sạch, đẹp, văn minh, hiện đại hơn.
Dọn dẹp xong đâu đấy, các chị còn í ới rủ nhau cùng đi chợ tết. Vui lắm! Thường ngày đi xa về ít có cơ hội chuyện trò cùng nhau, nên bây giờ có dịp, ai cũng có chuyện để kể cho nhau nghe, nên chuyện này nối chuyện kia, cứ nở bung như rang bắp. Câu chuyện được kể từ nhà đến chợ rồi từ chợ về nhà cũng chưa hết, kéo cả sang ngày hôm sau, hôm sau nữa. Vậy mà tôi nghe cũng không thấy chán, mà ngược lại, hôm nào không nghe lại thấy… thiêu thiếu.
Có câu chuyện chẳng phải to tát gì, nhưng vì cái tính hay suy nghĩ, trăn trở nên mới thành ra chuyện dài. Mà càng kể, tôi càng thấy cảm mến cái tính thiệt thà, dễ thương, mộc mạc của người dân quê mình.
Mỗi ngày, ở cái xóm nhỏ đón không biết bao nhiêu đứa con xa quê trở về ăn tết mà vui. Nhà ai có con cháu nào về quê ăn tết là cả xóm đều biết. Mọi người mừng vui cho nhau, như thể là con cháu mình lâu ngày trở về vậy, nên tình làng nghĩa xóm luôn thắm thiết, đậm đà.
Càng viết lại càng nhớ quê. Lại càng sốt ruột khi Tết đã đến rất gần.
Ngoài kia, chợ hoa xuân cũng đã bắt đầu rộn ràng, chỉ mong cho xong công việc để trở về nhà, để được đi chợ quê ngày tết.
Tú Quyên