Khoảng lặng
Với người đã trải qua những ngày tháng chiến tranh đầy gian khổ, hy sinh, ngày toàn thắng không chỉ là reo mừng, hoan ca, mà còn có những khoảng lặng sâu thẳm.
Chiều qua, anh cán bộ văn hóa xã ghé qua nhà gửi một cái phong bì có đề "Kính gửi ông Ba Tường".
Thằng cháu nội hét toáng lên từ ngoài cổng: Thư gửi ông nội. Thư gửi ông nội.
Bà nội đang lập cập quét sân, dừng chổi quay ra nạt: Chi mà la rùm beng vậy. Cầm vô cho ông coi đi chứ.
Còn ông cụ đang ngồi bên bậc thềm thì chậm rãi gỡ cặp kính lão, hấp háy nhìn ra cổng, cười hiền từ: Đem vào cho ông xem nào.
Thằng nhỏ rón rén bước qua ngổn ngang giấy bút, sổ sách của ông. Mấy ngày nay, ông đang bắt đầu thực hiện ý định soạn hồi ký về những ngày đánh Mỹ nên rất bận. Bận đến nỗi ông quên hẳn việc kể chuyện chiến đấu cho nó nghe mỗi đêm.
Ông nội nhận phong bì và bóc ra, lẩm nhẩm đọc. Nó ghé đầu vào đọc ké. Thì ra là thư mời ông đi nói chuyện giải phóng miền Nam.
Bà nội nhấm nhẳng: "Mấy chuyện đó ông kể muốn thuộc lòng rồi mà cứ bắt kể hoài. Ông nội mi ra đó ngồi cả buổi, về lại kêu đau lưng, hại bà nội phải đấm lưng cả buổi”.
Nói là vậy, nhưng bà lại vội vàng đi vào nhà, tìm bộ quân phục đã cũ của ông để giặt ủi phẳng phiu, chuẩn bị cho ông đi dự lễ.
|
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4, xã thường tổ chức nói tọa đàm, cho người đi rước mấy cụ lão thành lên nói chuyện truyền thống. Nói như anh cán bộ văn hóa xã, “các cụ là kho báu” đấy.
Nhớ lần đầu, hồi ông mới nghỉ Nhà nước, được xã mời đi nói chuyện truyền thống, ông như lật tung cái nhà lên. Ông chui xuống gầm giường, ông lục lọi cái tủ gỗ ọp ẹp, lôi mấy cái gùi đựng quần áo ra giữa nhà, xổ tung hết, rồi lầm bầm: Rõ ràng ông cất ở đây, sao bây giờ tìm không thấy.
Nó cũng chạy lại, nghiêng ngó tìm giúp, dù không biết ông tìm gì.
Rồi ông mừng quýnh khi cầm đến cái gối: Thì ra ở đây mà ông tìm cả buổi không ra. Lúc này nó mới biết ông tìm mấy cái cuống Huân chương. Và buồn cười thay, chính tay ông cất ở dưới gối.
Hình ảnh ấy đã khá lâu rồi, nhưng mỗi lần nhớ đến nó lại thấy buồn cười. Nhưng là cười vụng cười trộm thôi, chứ bà nội mà biết là sẽ la nó cái tội dám cười ông.
Trong nhà, ông nội thương nó nhất. Nó cũng quấn ông nội suốt ngày. Công việc của nó là nấu cơm, quét dọn nhà cửa, sau đó ngồi nghe ông nội kể chuyện xưa. Thỉnh thoảng bà nội cũng kể cho nó nghe những chuyện còn xưa hơn nữa.
Nhưng nó khoái nhất là nghe ông nội kể chuyện đi bộ đội đánh Mỹ. Từ miền Bắc, ông đi bộ vào miền Nam, đánh Mỹ ở Kon Tum; rồi đánh vào tận Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Hết chiến tranh, ông về quê đưa vợ con vào Kon Tum ở hẳn.
Những chuyện của ông kể đều đã xa lắm rồi. Khi ông nội nó đặt những bước chân đầu tiên lên mặt đường trải nhựa nóng hầm hập của Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 thì ba nó mới tròn 1 tuổi.
Nhưng ông nội nó vẫn nhớ từng chi tiết. Rồi đến nó, vì nghe hoài nên cũng nhớ từng chi tiết.
Bao nhiêu năm qua, năm vào ông nội nó cũng được mời đi ôn chuyện truyền thống nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ở đó, ông và các đồng đội của ông kể lại những chuyện cất trong tim, trong máu, buổi sáng nhớ, buổi chiều nhớ, buổi tối cũng nhớ.
Có năm, vào ngày này, ông nội mệt, bà nội và ba mẹ nó muốn ông ở nhà, nhưng ông không chịu, thế là nó được “biệt phái” đi theo chăm sóc ông, kèm theo lời dặn “thấy ông mệt là phải báo ngay”.
Nó ngồi cạnh ông nội, thấy mình lớn hẳn, nghiêm túc hẳn, hãnh diện nhìn đám bạn loi choi ngồi dưới nghe chuyện. Thỉnh thoảng thấy ông quên, nó tự hào nhắc: Còn chuyện gặp mìn, chuyện bị mảnh pháo “lụm” mấy ngón tay nữa. Ông có ghi trong nhật ký đó.
Nó đọc được trong nhật ký của ông nội như thế này: Mới vừa đêm hôm qua thôi, mọi người còn lầm lụi chặt cây, đào hầm ém quân trong rừng, ngụy trang kín ba lô súng đạn chờ lệnh tiến công, mà bây giờ đang đường hoàng, thần tốc tiến quân vào trung tâm đầu não của Ngụy quyền Sài Gòn.
Trước đêm tiến vào Sài Gòn, một đồng chí trinh sát đạp phải mìn bị thương vào bàn chân phải ở lại; hai đồng chí hy sinh. Trận đánh cuối cùng kết thúc, chúng tôi nhớ về những đồng đội đã ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn, ngay trước giờ phút hòa bình. Với chúng tôi, chiến tranh đã kết thúc trong một khoảng lặng như vậy.
Rồi “Với những người lính từng trải qua những ngày tháng ác liệt nhất của chiến tranh, cảm xúc ấy thật dễ hiểu. Bởi vì đã bao nhiêu đêm cùng đồng đội sống giữa rừng tràm, rừng đước, giữa những bờ cây bình bát, trâm bầu, chất chứa khát vọng tiến về giải phóng Sài Gòn”.
Nó đọc mà cái hiểu cái không. Nhưng nó luôn tự hào vì được đọc những trang nhật ký đã ố vàng ấy.
Nghe ba kể lại, một năm sau giải phóng miền Nam, ngày 30/4/1976, ông mới trở về. Cả làng đến chúc mừng. Có nhiều người ôm lấy ông, nước mắt cứ chảy dài, rồi về nhà sắp mâm cơm lên bàn thờ, mừng Ngày Chiến thắng và thầm lặng khóc chồng, con, em không trở về.
4 năm sau ngày giải phóng miền Nam, ngày 30/4/1979, ông nội mới nhận được giấy báo tử của em ruột, hy sinh đúng ngày 30/4/1975, trước cửa ngõ Sài Gòn. Nhà có 5 anh em, 2 trai 3 gái, anh đi bộ đội được 2 năm thì em cũng xung phong nhập ngũ.
Từ đó đến nay, trong bữa cơm Ngày Chiến thắng nhà nó, có sự náo nức mừng vui, cũng có sự ngậm ngùi vì một phần cơ thể của ông gửi lại chiến trường; cũng có những giọt nước mắt khóc thương người đã khuất ở tuổi đôi mươi.
Ngày toàn thắng không chỉ là reo mừng, hoan ca, mà còn có những khoảng lặng sâu thẳm.
THÀNH HƯNG