Doanh nghiệp chưa mặn mà với các phiên chợ hàng Việt
Theo báo cáo của Sở Công thương, mỗi năm đơn vị thường tổ chức từ 2- 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn với quy mô lớn, không kể rất nhiều chuyến bán hàng lưu động về các xã vùng sâu, vùng xa.
Thực tế cho thấy, từ những phiên chợ này, người dân khu vực nông thôn đã có thêm cơ hội để tham quan, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao, do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất; từ đó có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với hàng ngoại được bày bán trôi nổi trên thị trường.
Với các doanh nghiệp thì đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng nông thôn, đồng thời nắm bắt được thị hiếu của khách hàng để có chiến lược kinh doanh phù hợp hơn.
Như vậy, các phiên chợ này đã tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, góp phần đưa hàng Việt thâm nhập sâu hơn thị trường nông thôn.
|
Không giống như những hội chợ thương mại, các doanh nghiệp tham gia bán hàng tại các phiên chợ hàng Việt về nông thôn luôn nhận được nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi của ngành chức năng và các địa phương.
Riêng với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi tham gia các phiên chợ thường nhận được nhiều ưu đãi như hỗ trợ 100% các chi phí thuê gian hàng, điện, nước; được bố trí những vị trí ưu tiên...
Đáng ra với những chính sách hỗ trợ, khuyến khích cùng với lợi ích rõ rệt tại các phiên chợ, các doanh nghiệp phải chen nhau để có được một vị trí trong các phiên chợ hàng Việt về nông thôn; thế nhưng trên thực tế, đa số các doanh nghiệp lại tỏ ra ngại ngần khi tham gia các phiên chợ này.
Số lượng các gian hàng của tỉnh tại mỗi phiên chợ thường rất khiêm tốn; thậm chí, có các doanh nghiệp trước đó đã đăng ký gian hàng nhưng khi phiên chợ diễn ra thì lại bỏ trống.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, có rất nhiều lý do khiến cho các doanh nghiệp tỏ ra hờ hững với các phiên chợ hàng Việt về nông thôn.
Theo đó, các doanh nghiệp lớn thì hầu như đã khẳng định được vị thế trên thị trường, có hệ thống kênh phân phối hàng hoá ổn định nên không mặn mà với việc tham gia phiên chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hay tìm kiếm kênh phân phối hàng hoá.
Còn với những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập thì thiếu thông tin nên không nắm bắt được cơ hội để đăng ký, tiếp cận với kênh bán hàng này.
Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là do các doanh nghiệp coi phiên chợ hàng Việt về nông thôn chỉ là một đợt bán hàng thông thường, nên sau một vài đợt tham gia doanh thu, lợi nhuận không đạt như mong muốn, thu không đủ bù chi đã không tiếp tục tham gia.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân không thể không nhắc tới làm cho các phiên chợ hàng Việt về nông thôn chưa có sức hút đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đó là công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp còn hạn chế nên nhiều doanh nghiệp không nắm được kế hoạch tổ chức, thủ tục tham gia.
Cùng với đó là cơ chế hỗ trợ cũng chưa đủ động lực khích lệ các doanh nghiệp tham gia phiên chợ, thủ tục rườm rà nên nhiều doanh nghiệp thực sự e ngại khi tiếp cận nguồn hỗ trợ...
Chưa kể đến, cách thức tổ chức ở một số phiên chợ chưa đảm bảo, ban tổ chức, các nhà quản lý còn để lọt cho một số doanh nghiệp, tiểu thương đưa các mặt hàng kém chất lượng, giá rẻ, không rõ nguồn gốc vào bán cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp...
|
Rõ ràng, để có thể phát huy hiệu quả lâu dài chương trình hàng Việt ở nông thôn, điều quan trọng là thu hút doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tích cực Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, nhất là tham gia các phiên chợ hàng Việt về nông thôn.
Để làm được điều này, các ngành chức năng cần có nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ và vận động doanh nghiệp hơn nữa; đồng thời, tích cực đổi mới phương thức tổ chức để mỗi phiên chợ hàng Việt về nông thôn thực sự là những phiên chợ vui cho cả người bán lẫn người mua.
Thiên Hương