Y Đoan dám nghĩ, dám làm
Từ một gia đình nông dân đồng bào DTTS có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, nhưng nhờ sự cần cù, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt, đến nay gia đình bà Y Đoan dân tộc Xơ Đăng, thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi vươn lên thoát nghèo và trở thành một nông dân sản xuất giỏi.
Cũng như nhiều gia đình ở xã Sa Loong, nhiều năm trước đây, gia đình bà Y Đoan có cuộc sống nghèo khổ. Suốt ngày vợ chồng bà Y Đoan làm việc quần quật, hết vào rừng hái rau, tìm củ quả, bẫy thú rừng để kiếm cái ăn, bà lại lên rẫy gieo trồng nên không bao giờ tham gia hội họp thôn làng. Do không chịu nghiên cứu, tìm tòi học hỏi cách làm ăn mới, quanh năm gia đình Y Đoan chỉ biết trông chờ vào diện tích lúa nà, với một ít mì nên cuộc sống khó mà khấm khá lên được.
|
Bà Y Đoan tâm sự, dẫu có nhiều trăn trở lo cho cuộc sống gia đình, nhưng bà vẫn không biết làm cách nào để vực dậy kinh tế gia đình, lo cho con cái đủ ăn, đủ mặc. Cho đến một hôm, khi đi ngang qua các vườn cà phê, cao su, ruộng lúa nước xanh tốt của Công ty 732 và một số hộ gia đình khá giả khác trong xã, Y Đoan chợt suy nghĩ “tại sao người ta làm được mà mình lại không làm được, trong khi đất đai gia đình mình không thiếu mà sao lại thiếu ăn, thiếu tiền chi tiêu sinh hoạt trong gia đình”. Nghĩ là làm, sau khi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến “cái đói, cái nghèo” của gia đình mình là chưa biết áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, Y Đoan tìm đến chính quyền xã Sa Loong bày tỏ nguyện vọng và đăng ký tập huấn kỹ thuật chăm sóc, trồng cây cà phê, cao su, lúa nước… để áp dụng vào quá trình sản xuất của gia đình.
Được chính quyền và các đoàn thể chính trị- xã hội của xã Sa Loong tạo điều kiện, bà Y Đoan lần lượt tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác nông nghiệp do chính quyền, đoàn thể ở địa phương phối hợp với các ngành chức năng huyện Ngọc Hồi tổ chức với tinh thần hăng hái, tích cực. Sau khi được tập huấn, cách chăm sóc, trồng trọt một số loại cây trồng, bà Y Đoan áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình, tuy bước đầu còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn khi xuất hiện một số loại dịch bệnh trên cây trồng.
Với tinh thần không bỏ cuộc, bà Y Đoan vừa tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng, vừa nghiên cứu, học hỏi, tích lũy được một số kinh nghiệm làm ăn, dần dần gia đình bà đã thu được kết quả tích cực trong sản xuất và mạnh dạn đứng ra vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.
|
Có đất, có kiến thức, thế là gia đình bà Y Đoan bắt tay vào cải tạo đất, phát triển trồng trọt, chăn nuôi; chỗ trũng bà cho đào thành ao nuôi cá và lấy nước tưới cây trồng, chỗ cao trồng các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, tiêu... và trồng xen các cây ngắn ngày, kết hợp với chăn nuôi theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
Do vốn đầu tư còn hạn hẹp, để thực hiện được kế hoạch của mình, vào những thời gian cần nhiều lao động trồng trọt, thu hoạch, bà Y Đoan đã thuê các gia đình khó khăn ở địa phương phụ giúp, sau đó trả công bằng hình thức trao đổi công, hoặc trả bằng các loại giống cây trồng, vật nuôi như đã thỏa thuận trước.
Sau một thời gian cải tạo, thiết kế và triển khai mô hình trang trại của gia đình với các loại cây trồng như cao su, cà phê, lúa nước, ao thả cá… thu nhập kinh tế của gia đình bà Y Đoan từng bước được nâng lên. Đến nay, gia đình bà Y Đoan không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành một trong những hộ giàu, có “của ăn, của để” tại xã Sa Loong.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bà Y Đoan còn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong thôn Giang Lố 1 cách làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt; tuyên truyền, vận động bà con sinh đẻ có kế hoạch và mạnh dạn đầu tư về cây giống, con giống mới có năng suất cao để sớm thoát nghèo.
Có thể nói, mô hình trang trại vườn, ao, chuồng của gia đình bà Y Đoan là một trong những mô hình ra đời sớm ở xã Sa Loong và đã đem lại thành công, hiệu quả. Sự thành công từ trang trại của bà Y Đoan đã chứng minh cho mọi người dân nơi đây hiểu được tầm quan trọng của việc dám nghĩ, dám làm, chịu khó và mạnh dạn đưa các loại cây, con có năng suất cao vào canh tác. Bà Y Đoan chính là một trong những tấm gương để đồng bào DTTS ở xã Sa Loong nói riêng, ở huyện Ngọc Hồi nói chung học hỏi, làm theo.
BẢO CHÂU