Tấm gương sáng cho phụ nữ nghèo
Mạnh dạn, nhanh nhẹn, dám nghĩ dám làm là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp chị Nguyễn Thị Ước ở thôn 2, xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy). Xuất phát từ gian khó, với sự cần cù, siêng năng, chị Ước đã cùng chồng phấn đấu trở thành một trong những hộ khá với thu nhập mỗi năm (đã trừ chi phí) lên đến 150 triệu đồng.
Dẫn khách ra đám cà phê xanh mướt, trái trĩu cành, chị Ước phấn khởi khoe: Nhờ mạnh dạn tham gia vào mô hình trồng cà phê của Dự án giảm nghèo miền Trung nên bây giờ tôi có được 1ha cà phê này đấy.
Những ngày đầu vào Đăk Pne (năm 2002), đời sống kinh tế gia đình chị Ước gặp nhiều khó khăn. Khi ấy, thu nhập từ những cây ngắn ngày: bắp, mì, lúa chỉ giúp gia đình chị đủ sống qua ngày.
Đến năm 2007-2008, khi Dự án giảm nghèo miền Trung triển khai mô hình trồng cà phê trên địa bàn xã, chị Ước đã mạnh dạn đăng kí tham gia. “Ngày ấy cũng bỡ ngỡ lắm nhưng không để lỡ cơ hội, mình quyết tâm đăng kí thực hiện. Được hướng dẫn kĩ thuật, bản thân tự trau dồi, học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc cây từ những người đi trước nên vườn cà phê phát triển tốt. 2-3 năm nay, cà phê cho năng suất rất cao” – chị Ước nói.
|
Cùng với việc trồng cà phê, chị Ước còn mạnh dạn trồng thêm 3ha bời lời. Với suy nghĩ tấc đất tấc vàng, không để đất “ở không”, khi bời lời đang còn nhỏ, chị tận dụng trồng thêm bắp lai để lấy ngắn nuôi dài. Chăm chỉ làm ăn, chị đầu tư trồng thêm 3 sào lúa ruộng, 6 sào lúa rẫy, nuôi thêm 150 con gà lấy thịt, lấy trứng; chăn nuôi thêm 3 con bò và 12 con heo thả vườn.
Không chỉ mát tay trồng trọt, chăn nuôi, chị Ước còn nức tiếng về việc “sản xuất” măng khô. Chị cho biết, chị thu mua măng rừng của người dân rồi tự làm lò sấy thủ công. Vì măng được làm kĩ lưỡng, sấy cẩn thận nên được nhiều khách hàng từ Bắc đến Nam ưa chuộng. “Măng làm ra không kịp bán, mỗi năm, riêng thu nhập thêm từ măng cũng đủ chi phí cho các con ăn học” – chị Ước chia sẻ.
Siêng năng, chăm chỉ làm ăn, chị Ước còn mạnh dạn chớp lấy cơ hội, thực hiện các mô hình mới để phát triển kinh tế gia đình. Như tháng 7/2016, khi huyện Kon Rẫy triển khai mô hình trồng sâm đá, chị Ước liền bàn với chồng đăng kí tham gia thực hiện thử nghiệm. Với sự nhanh nhạy của mình, vừa làm thử nghiệm, chị Ước vừa trau dồi, học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng trồng ra vườn thêm 700m2.
Với sự chăm sóc kĩ lưỡng, ngoài diện tích thử nghiệm của huyện khá thành công, 300m2 sâm đá tự trồng đã đem lại cho gia đình chị hơn 20 triệu đồng. “400m2 còn lại mình sẽ để đến 3- 4 năm xem có hiệu quả, năng suất hơn không. Sâm đá dễ trồng, chi phí thấp, ít sâu bệnh, nếu hiệu quả, mình sẽ nhân rộng thêm” – chị Ước cho biết.
|
Dám nghĩ, dám làm, cộng thêm sự cần cù, siêng năng, đến nay, mỗi năm trừ các chi phí, chị Ước thu về 150 triệu đồng. Với thu nhập trên, từ chỗ ở tạm bợ, ăn bữa nay lo bữa mai, gia đình chị Ước đã xây dựng được nhà cửa khang trang, đàng hoàng; mua sắm đầy đủ các vật dụng.
Không chỉ làm ăn kinh tế giỏi, chị Ước còn được biết đến là một Bí thư Chi bộ thôn xuất sắc. Hiểu rằng bản thân nói được, làm được thì mới có thể vận động bà con làm theo nên dù khá bận bịu với công việc nhưng chị luôn năng động, gương mẫu đi đầu trong các phong trào của thôn, hết lòng giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Chính vì lời nói đi đôi với hành động nên chị Ước được rất nhiều người tin yêu, quý mến. “Chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, vừa tận tụy hoàn thành tốt các chức trách được giao, chị Ước là tấm gương sáng để nhiều chị em phụ nữ học tập và noi theo”- chị Y Oanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Pne nhận xét.
Bình An