Nữ thủ lĩnh hiến máu nhân đạo
20 tuổi, 12 lần hiến máu, Nguyễn Thị Thảo Nguyên - sinh viên năm I, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum được xem là thủ lĩnh hiến máu nhân đạo. Bằng nhiều việc làm thiết thực, em đã thành lập và làm chủ nhiệm của Câu lạc bộ máu nóng khu vực Kon Tum - Tây Nguyên với hơn 1.000 thành viên.
18 tuổi thành lập câu lạc bộ máu nóng
“Khi em được vài tháng tuổi, mẹ bị tai nạn và các y, bác sĩ đã phải truyền máu để cứu nhưng không thành. Lớn lên, nghe bà ngoại kể lại, em rất đau lòng. Từ đó, em mong muốn được hiến máu của mình để cứu giúp những người khác, như cách mà mọi người đã nỗ lực để cứu mẹ em”- Thảo Nguyên lục lại ký ức, mở đầu buổi trò chuyện.
Chính câu chuyện của mẹ đã trở thành động lực thôi thúc em hành động. Vào năm cuối cấp 3, biết tin một người cần gấp nhóm máu O, em liền xin thầy cô nghỉ học để đi hiến máu. Sợ kim tiêm đến mức tay chân run rẩy, huyết áp tăng cao, nhưng nghĩ đến người gặp nạn đang cần, em cố gắng tự trấn an mình. Đợt ấy, nhờ việc làm của em và nhiều nghĩa cử cao đẹp khác, nạn nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch. “Từ lần hiến máu đó trở về, em càng hiểu “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Và cũng chính từ đó, em quyết tâm thành lập câu lạc bộ máu nóng tại Kon Tum – Tây Nguyên” – Thảo Nguyên chia sẻ.
18 tuổi, là học sinh, mối quan hệ chưa đủ rộng, Thảo Nguyên bắt đầu thành lập câu lạc bộ bằng cách vận động những người thân quen. May mắn, đợt ấy, 3 người bạn cùng tham gia. Kể từ đó, 4 thành viên cùng kết hợp, xây dựng chiến lược thu hút thêm thành viên.
Để thu hút, tạo động lực cho mọi người tham gia câu lạc bộ cũng như hiến máu, Nguyên và 3 bạn cùng bỏ tiền túi (thu nhập từ việc vừa học, vừa kinh doanh online) để mua quà: áo, móc khóa… tặng cho những ai tham gia hiến máu. Trên mỗi món quà đều được in tên câu lạc bộ - đó là cách để truyền thông.
|
Không chỉ thế, dựa vào trang facebook, bản thân em tự tìm kiếm, gia nhập mạng lưới tình nguyện, tự tìm hiểu các câu lạc bộ, đội nhóm để huy động thêm người tham gia. Nhận thấy tâm huyết của cô gái trẻ, nhiều anh chị ở các tỉnh lân cận: Gia Lai, Đà Nẵng, Đăk Lăk… ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình.
Trong vòng vài tháng, câu lạc bộ đã thu hút nhiều thành viên tham gia với các hoạt động hiến máu đột xuất, hiến máu định kỳ. Đến nay, câu lạc bộ đã thu hút hơn 1.000 thành viên từ 18-60 tuổi ở trong tỉnh và nhiều tỉnh thành khác tham gia.
“Nghiện” hiến máu
Thảo Nguyên luôn đánh dấu cẩn thận ngày tháng tham gia hiến máu trên tờ lịch. Với phương châm của câu lạc bộ: “Hiến máu vì đam mê, cho đi khi còn có thể”, cứ đúng 3 tháng, em lại tham gia hiến máu. Và 3 năm nay, em đã hiến tổng cộng 12 lần, kể cả những lần hiến máu đột xuất. “Hiến máu mãi nên thành… “nghiện”. Nhiều lúc đến đợt, muốn hiến ngay nhưng phải để dành cho những trường hợp đột xuất” – Nguyên chia sẻ.
Tham gia hiến máu và làm thủ lĩnh câu lạc bộ hiến máu, thời gian đầu, em bị bà ngoại phản đối. Bởi lẽ, bà lo sợ việc hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu gái. Sau nhiều lần động viên cũng như cứu được nhiều người từ hành động nhân văn, bà ngoại đã hiểu và động viên em cố gắng làm việc ý nghĩa.
Từ ngày ủng hộ cháu gái, bà ngoại quen luôn với việc… không chờ cửa và việc cháu gái đi hiến máu, vận động hiến máu từ lúc nửa đêm hay gà gáy. Bởi lẽ, cứ có người cần máu, vào bất cứ lúc nào, Nguyên hoặc các thành viên trong Ban chỉ đạo của câu lạc bộ đều có mặt.
Nguyên không bao giờ tắt điện thoại, để luôn nhận thông tin và hỗ trợ kịp thời. “Có lần, chưa đủ thời gian để hiến, em kêu gọi, vận động 1 thành viên ở xã Hòa Bình tham gia hiến. Lúc ấy nửa đêm, bạn đó sợ, không dám chạy xe qua bệnh viện, em phải qua đón. Hầu như lần nào các thành viên đi hiến, em cũng có mặt để đón, đưa, động viên, dẫn về nhà an toàn. Và khi xong việc, trời cũng gần sáng. Nhiều lúc thấy mình cũng gan thật” – Nguyên cười.
Nguyên còn tự học cách xử lý linh hoạt trong mọi tình huống. Khi ở Kon Tum có trường hợp khẩn cấp nhưng các thành viên chưa đủ thời gian hiến máu, Nguyên liền kết nối với các thành viên ở các tỉnh khác hỗ trợ. Em và 3 thành viên trong Ban chỉ đạo luôn sẵn sàng bỏ tiền túi để đưa đón, lo chỗ nghỉ ngơi, ăn uống cho các tình nguyện viên. Tất cả làm việc với tinh thần trách nhiệm và với mục tiêu cứu người là trên hết.
Không chỉ tham gia hiến máu trong tỉnh, Nguyên cùng các thành viên còn kịp thời hỗ trợ người bị nạn ở các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk và các tỉnh lân cận khác. Thậm chí, ở những tỉnh thành khác, khi không thể đến kịp thời, em sử dụng nhiều hình thức vận động, kêu gọi hỗ trợ.
Ngoài những lần bản thân đi hiến định kỳ hoặc đi vận động hiến máu cứu người, trong những đợt phát động hiến máu, Nguyên đều sắp xếp thời gian để có mặt. Em nói rằng, mình là chủ nhiệm câu lạc bộ, phải có mặt để tạo động lực cho mọi người.
Vừa học, vừa làm thêm lại tham gia trong câu lạc bộ nên em khá bận. Dẫu vậy, lúc nào Nguyên cũng tràn đầy năng lượng tích cực và luôn trong tâm thế sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ mọi người.
Cuộc nói chuyện diễn ra chóng vánh để Nguyên tiếp tục giờ học. Tranh thủ vài phút trước lúc vào lớp, Nguyên cho biết, trong tương lai, em sẽ cố gắng để câu lạc bộ có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, hướng đến cộng đồng. Và em cũng hy vọng bản thân và các thành viên trong ban chỉ đạo sẽ tìm ra cách để “nuôi sống” các hoạt động của câu lạc bộ. “Số tiền làm thêm cũng có hạn, lại phải lo cho việc học nên nhiều lúc em cũng thấy đuối. Phải làm sao để có kinh phí hoạt động là điều khiến em khá đau đầu” – Nguyên nói.
Chia tay, tôi ấn tượng với cách nghĩ, cách làm và hoạt động nhân đạo của em. Tấm lòng của Nguyên và các thành viên câu lạc bộ đang thắp lên niềm tin yêu trong cuộc sống. Và tôi tin rằng, với việc làm đầy ý nghĩa của mình, Nguyên sẽ có thật nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Hoài Tiến