Hỗ trợ 2 lao động quê Tu Mơ Rông làm việc ở Đồng Nai gặp khó khăn về quê tránh dịch
Sáng 26/7, nhận được thông tin có 2 lao động là người đồng bào DTTS ở xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông làm việc tại thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) bị mất việc làm, đi bộ về quê tránh dịch và đang ở nhờ nhà trọ của một người dân tại thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương), lãnh đạo UBND xã Đăk Na, cộng đồng người Kon Tum trên mạng xã hội cùng lực lượng thanh niên, người dân tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng liên lạc, hỗ trợ các em.
Đó là trường hợp em Y Du (20 tuổi) và em A Thành (19 tuổi, A Thành là em họ của Y Du) cùng có hộ khẩu thường trú tại thôn Hà Lăng (xã Đăk Na). Các em là công nhân của một doanh nghiệp sản xuất giày da tại thành phố Long Khánh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp này phải ngừng hoạt động, khiến em Y Du và em A Thành bị mất việc làm.
Đời sống khi còn đang là công nhân vốn đã khó khăn và vất vả, sau khi bị mất việc làm, em Y Du và em A Thành càng lâm vào hoàn cảnh khó khăn hơn. Dù chi tiêu tằn tiện nhưng số tiền mà các em tiết kiệm ngày càng vơi dần. Tiền sắp hết và biết bản thân không thể cầm cự lâu hơn, sáng 24/7, em Y Du và em A Thành quyết định ra Quốc lộ 1A bắt xe khách để về quê tránh dịch.
Tuy nhiên, hiện tại tỉnh Đồng Nai và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên các phương tiện vận tải hành khách ngừng hoạt động. Không tìm được xe khách, 2 em đã đi bộ men theo Quốc lộ 1A, hướng về tỉnh Bình Dương để về quê.
Đến khuya 24/7, em Y Du và em A Thành đi lạc về khu vực giáp ranh thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) với thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh). Tại đây, các em may mắn gặp được anh Phan Văn Ngọc Tú, người dân tỉnh Gia Lai đang chạy xe máy giao hàng tại khu vực này giúp đỡ, chỉ đường để về Quốc lộ 13 ở tỉnh Bình Dương. Trưa 25/7, Tú cùng bạn của mình tên là Huy liên lạc và tiếp tục đến hỗ trợ, mua cho em Y Du và em A Thành một số nhu yếu phẩm và chở các em về nhà trọ của anh Lê Sỹ Tuấn (ở đường NA9, khu dân cư Việt Nam-Singapore, khu công nghiệp VSIP I, phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), để nhờ anh Tuấn cho các em ngủ lại qua đêm.
Biết được hoàn cảnh của em Y Du và em A Thành, anh Lê Sỹ Tuấn không những cho các em ở nhờ trong 1 phòng hiện đang trống của dãy trọ, anh còn chuẩn bị đầy đủ chăn gối, màn, chiếu, mua cho các em thêm nhu yếu phẩm và động viên các em yên tâm ở lại phòng trọ cho đến khi bạn Tú và bạn Huy tìm được xe để xin cho các em đi nhờ về quê.
|
Đêm 25/7, khi biết được tin về trường hợp của 2 em, cộng đồng người Kon Tum trên các mạng xã hội Zalo, Facebook nhanh chóng xác minh, tìm cách hỗ trợ và báo tình hình của các em cho lãnh đạo xã Đăk Na, nơi gia đình và người thân của các em đang sinh sống.
Bà Y Hương- Bí thư Đảng ủy xã Đăk Na cho biết, sau khi nhận được tin báo, chúng tôi đã lập tức chỉ đạo lực lượng công an xã xuống địa bàn xác minh thông tin và được biết đúng em Y Du và em A Thành là người trên địa bàn xã Đăk Na, đi làm việc tại thành phố Long Khánh. Qua tìm hiểu, kết nối, chúng tôi được biết 2 em này hiện đang mất việc làm và gặp khó khăn phải đi bộ về quê và đã báo cáo lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông để nắm sự việc, bổ sung tên các em vào danh sách hỗ trợ đón về quê theo phương án của tỉnh đang triển khai. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho đồng chí Chủ tịch UBND xã giữ liên lạc thường xuyên, động viên tinh thần các em và kết nối với anh Lê Sỹ Tuấn, chủ nhà trọ để nhờ chuyển tiền, gửi cho các em một khoản chi tiêu ăn uống, sinh hoạt trước mắt.
Chung tay hỗ trợ em Y Du và em A Thành, ngày 26/7, cộng đồng người Kon Tum trên mạng xã hội Zalo cũng kêu gọi quyên góp, ủng hộ được số tiền 2,1 triệu đồng và kết nối, nhờ đơn vị Thành đoàn Thuận An đến hỗ trợ các em.
Chiều 26/7, đại diện Thành đoàn Thuận An cùng Đoàn phường Thuận Giao đến thăm hỏi, động viên và trao tận tay số tiền 2,1 triệu đồng của cộng đồng người Kon Tum gửi ủng hộ cho các em, đồng thời, trao tặng số tiền 3 triệu đồng và một số nhu yếu phẩm của Thành đoàn Thuận An hỗ trợ thêm cho các em.
Chị Phạm Nguyễn Phương Thà- Bí thư Thành đoàn Thuận An chia sẻ, nhận được tin báo về trường hợp của em Y Du và em A Thành đang gặp khó khăn phải đi bộ về quê tránh dịch, với trách nhiệm của lực lượng thanh niên địa phương, chúng tôi đến thăm hỏi và gửi tặng các em một phần quà nhỏ để động viên tinh thần và giúp các em có thêm kinh phí để về quê an toàn.
“Thành đoàn Thuận An cũng đã thông tin trường hợp của các em với lãnh đạo UBND phường Thuận Giao, nhờ UBND phường tạo điều kiện, hỗ trợ các em làm giấy xác nhận đi lại và đưa các em đi xét nghiệm Covid-19 để có đầy đủ các giấy tờ cần thiết khi lưu thông qua các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 nằm ở các tỉnh mà các em gặp trên đường về quê”, chị Thà nói.
|
Chiều 27/7, nhờ sự hỗ trợ của anh Hoàng Văn Phúc (trú tại thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) lái xe tải biển kiểm soát 29H-716.70, chở thư báo từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Thành phố Hà Nội có đi qua khu vực Tây Nguyên, em Y Du và em A Thành đã được đón tại Tỉnh lộ DT743 (phía sau khu công nghiệp VSIP I) và cho đi nhờ để về Kon Tum.
Việc các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ em Y Du và em A Thành khi biết thông tin các em đang gặp khó khăn, phải đi bộ về quê để tránh dịch là hết sức cần thiết, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” và trách nhiệm xã hội.
Tại Công văn số 2449/UBND- KGVX của UBND tỉnh đã có nội dung chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố về việc đón người dân của tỉnh Kon Tum từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam về địa phương. Như vậy, tỉnh đã có chủ trương về việc đón người dân về quê nhằm góp phần “chia lửa” với các tỉnh, thành ở phía Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân Kon Tum làm ăn xa đang gặp khó khăn có nhu cầu được đón về quê.
Thiết nghĩ, các ngành, các địa phương cần đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai thực hiện Công văn số 2449/UBND-KGVX nhằm kịp thời đưa đón những người dân Kon Tum làm ăn, sinh sống tại những nơi xảy ra dịch Covid-19 đang gặp khó khăn và có nhu cầu cấp thiết trở về quê; tránh trường hợp tự tìm cách về quê, gây bị động trong công tác đưa đón, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tích cực tuyên truyền vận động để gia đình, người thân và những lao động của tỉnh ta đi làm ăn ở các tỉnh thành phía Nam đang gặp khó khăn có nhu cầu về quê, cần chủ động liên hệ, đăng ký với chính quyền địa phương và ngành chức năng để được giúp đỡ.
Đức Thành