Cựu chiến binh A Chan sâu nặng nghĩa tình
Năm 2012, ông A Chan và hơn 1.000 công dân Lào từ 18 tuổi trở lên sinh sống tại 10 xã của 2 huyện Đăk Glei và Ngọc Hồi được UBND tỉnh Kon Tum tổ chức công bố và trao Quyết định nhập quốc tịch Việt Nam. Với người cựu chiến binh người Việt Nam gốc Lào này, đây là một ngày vô cùng ý nghĩa và sẽ không bao giờ quên vì được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm…
Cựu chiến binh A Chan quê gốc ở huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào), hiện là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Măng Rao, xã Đăk Pét (huyện Đăk Glei).
Năm 1965, ông A Chan tham gia phục vụ kháng chiến chống Mỹ tại huyện H40. Đến 1972, ông chính thức trở thành bộ đội Việt Nam trực tiếp cầm súng đánh Mỹ tại Đăk Glei trong biên chế của Huyện đội H40.
|
Trong những năm cầm súng đánh Mỹ, ông A Chan nhiều lần bị thương, được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Đến năm 1975, huyện Đăk Glei được giải phóng, ông rời quân ngũ trở về địa phương. Ở lại huyện Đăk Glei một thời gian, đến đầu năm 1980 ông trở về lại huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông.
Ngồi trong nhà nhìn ra khoảng mênh mông xa xăm, ông A Chan nói: Bởi sâu nặng nghĩa tình với mảnh đất Đăk Glei, với những người đồng chí, đồng đội Việt Nam đã từng cùng mình vào sinh ra tử, cận kề giữa cái sống và cái chết; cộng với việc nhiều người thân yêu, họ hàng cũng là người Lào đang sinh sống ở đây, tất cả đã thôi thúc tôi đi đến quyết định đưa vợ, con và nhiều người trong làng của mình cùng quay lại Đăk Glei.
Nhớ về lần trở lại Đăk Glei vào ngày 15/2/1987, nét mặt ông A Chan như giãn ra: Ngày ấy để đến được Đăk Glei phải đi đường rừng mấy ngày mới đến nơi. Thời mới qua đây, cuộc sống gia đình vô vàn khó khăn. Thế nhưng, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con dân làng nơi đây, gia đình tôi và nhiều hộ gia đình cùng đến đây sinh sống có được hạt gạo để ăn, chỗ để ở, giống lúa và đất sản xuất nên cũng sớm ổn định… Măng Rao đã có rất nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Thôn bây giờ đã có đường nhựa, có điện, có điểm trường tiểu học, có nhà rông văn hóa làm nơi vui chơi tập trung và hội họp của thôn.
Tôi hỏi ông: Điều ông tâm đắc nhất trong những năm tháng định cư ở Đăk Glei là gì? Ông A Chan chậm rãi trả lời: Cuộc đời có hai điều khiến tôi không bao giờ quên. Điều thứ nhất đó là tôi và gia đình cùng những người thân đã được sống những tháng ngày thật yên bình, hạnh phúc trong sự đùm bọc, thương yêu, chở che của nhân dân các dân tộc huyện Đăk Glei nói chung và bà con nhân dân xã Đăk Pét nói riêng. Điều thứ hai là khi tôi và bà con tới nơi này, chưa một người nào trong số đó biết chữ, Đảng và Nhà nước Việt Nam và người dân nơi đây đã giúp đỡ chúng tôi ổn định cuộc sống, giúp có được cái chữ để biết phân biệt điều hay, lẽ phải, biết sống sao cho trọn với đạo lý ở đời…
Rót tiếp ly trà nóng uống để giằng lại cảm xúc đang dâng trào, ông A Chan tiếp tục chia sẻ: Bà con chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước Việt Nam nhiều lắm. Cũng như bao thôn làng khác ở Đăk Glei, bà con chúng tôi ở đây cũng được Nhà nước đầu tư cho rất nhiều thứ cần thiết cho cuộc sống, nào là đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ làm nhà theo các chương trình mục tiêu Quốc gia và đặc biệt là việc cấp sổ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh...
Với vai trò là Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, nhiều năm qua, cựu chiến binh A Chan còn vận động bà con dân làng tích cực phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; vận động học sinh đúng độ tuổi đến trường, thanh niên chăm chỉ làm ăn phát triển kinh tế gia đình…
Khi chia tay chúng tôi, ông A Chan cứ nhắc đi nhắc lại câu nói như một lời nhắn gởi: Bà con thôn Măng Rao biết ơn Đảng và Nhà nước lắm. Bà con chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để thoát nghèo và từng bước làm giàu cho gia đình, góp một phần nhỏ cho sự phồn thịnh của đất nước. Chúng tôi tin rằng mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai đất nước Việt Nam và Lào sẽ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Và chúng tôi sẽ luôn có trách nhiệm nhắc nhở thế hệ con cháu mình phải gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.
Chu Mai Phong