Cô giáo Xê Đăng tận tụy, tâm huyết với nghề
Dáng người ưa nhìn, giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười ấm áp, ánh mắt cương nghị - đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp cô giáo Y Bê - giáo viên bộ môn Ngữ văn của Trường THPT Phan Bội Châu, thành phố Kon Tum.
Con người và tâm hồn ấy có lẽ vì thế đã đủ sức kéo chúng tôi tìm cách tiếp cận; cũng như đủ lực hút để động viên, khuyến khích nhiều thế hệ học trò vùng ven các xã Ia Chim, Đăk Năng đến với môn Ngữ văn giữa bức tranh muôn màu muôn vẻ của đời sống hiện đại.
Trường THPT Phan Bội Châu thành lập vào năm 2011, trước đó 2 năm là Phân hiệu của Trường THPT Lê Lợi. Những năm đầu mới thành lập, cùng với những khó khăn chung của địa phương, của ngành Giáo dục và Đào tạo, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở trường lớp, trang thiết bị dạy và học, việc duy trì sĩ số học sinh…
|
Về nhận nhiệm vụ ở trường này ngay từ những ngày đầu gian nan ấy, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, với lòng yêu nghề, mến trò, cô giáo Y Bê lao vào công việc giảng dạy không một chút đắn đo.
Y Bê tâm sự: Mình sinh năm 1984, là người con của làng Đăk Trăm, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô. Học ngành Sư phạm xong, được quay trở về phục vụ bà con, con em người DTTS là niềm mơ ước của mình. Để không phụ lòng tin yêu và mong mỏi của bà con mình, mình luôn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là việc làm sao vận động được bà con cho con em đến trường.
Mình quan tâm nhiều nhất tới nhóm lớp THPT vì đây là lứa tuổi các em thường có những suy nghĩ thiếu kiên trì, dễ lung lay tư tưởng trong chuyện học tập, nên học tiếp hay về nhà lấy chồng, lấy vợ để giúp gia đình. Sinh ra ở vùng sâu, vùng xa nên mình rất đồng cảm với các em. Việc học xong chương trình THPT đối với học sinh người DTTS là một nỗ lực lớn – cô trải lòng.
Là giáo viên môn Ngữ văn, giữa dòng chảy hối hả, bận rộn, nhiều biến chuyển trong đời sống hiện đại; xu thế nghề nghiệp ít nghiêng về môn xã hội, nên việc truyền đam mê môn Văn cho các em quả là rất khó khăn. Vì vậy, cô Y Bê mạnh dạn tự chọn lối đi riêng. Là người dân tộc Xê Đăng, cô Y Bê học thêm tiếng Ba Na. Qua tiếng Ba Na cô có thể giao tiếp với học sinh và phụ huynh các dân tộc khác trong vùng.
Cô giáo Y Bê cho biết: Các em học sinh DTTS có điểm rất riêng, đó là trình bày cảm xúc của mình một cách thật nhất; có lối tư duy đặc biệt bằng hình ảnh; giọng văn mộc mạc, chân chất như chính cách sống của đồng bào Tây Nguyên. Môn Văn dạy cho học sinh cách làm người theo đạo lý, lẽ phải, sống nhân văn hơn; dạy cho các em hình thành nhân cách, có kỹ năng sống để thích nghi với môi trường mà không dễ bị cám dỗ; môn Văn còn đem đến cái đẹp, bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ, biết rung cảm trước cái đẹp cho thế hệ trẻ. Khi mình đủ sức thuyết phục các em bằng những mục đích tốt đẹp đó thì môn Văn dễ dàng đi vào lòng người. Khi các em hiểu được điều ấy có nghĩa là mình đã nhen nhóm được ngọn lửa tình yêu môn học cho mỗi học sinh, trong đó có học sinh DTTS của mình.
Khi đứng trên bục giảng, Y Bê là một cô giáo mẫu mực và rất nghiêm khắc. Trong đời thường, cô giáo Y Bê giống như người chị chỉ dạy cho em mình những bài học ý nghĩa sâu sắc trong cuộc đời. Khi tiếp xúc với người dân các thôn, làng ở xã Ia Chim, nơi Trường THPT Phan Bội Châu đứng chân, cô giáo Y Bê như là một người con của thôn, làng.
Thầy Trần Ngọc Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu, nhận xét: Cô Y Bê là một giáo viên rất nhiệt tình và tận tụy. Cô rất chịu khó tìm tòi học hỏi ở mọi người, tìm phương pháp giảng dạy, truyền đạt làm sao cho học sinh mà đặc biệt là học sinh người DTTS tiếp thu dễ nhất; phát hiện ra được khoảng cách tiếp nhận của học sinh với tác phẩm văn học để có phương hướng dạy phù hợp với đối tượng.
Đặc biệt, cô giáo Y Bê còn làm vai trò “đại sứ” của Chi bộ nhà trường trong việc hỗ trợ nhà trường về giao tiếp với bà con trong các thôn, làng ở các xã Ia Chim, Đăk Năng và thực hiện các nhiệm vụ kết nghĩa, giúp đỡ thôn làng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy.
Tôi được biết cô giáo Y Bê thường tìm gặp, giao tiếp với một số người hoạt động văn hóa – văn học để tranh thủ kiến thức, kinh nghiệm chuyên ngành, bổ sung vào bài giảng của mình có phần thực tiễn và phong phú. Với lòng nhiệt tình, tận tụy như vậy, cô giáo Y Bê đã có hơn 6 năm dành trọn yêu thương cho các lớp học trò vùng ven các xã Ia Chim, Đăk Năng, chắp cánh cho các em những ước mơ vươn cao đến những chân trời tri thức mới. Và qua đó, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi rất có thiện cảm và quý mến khi kể về cô giáo Y Bê- người con gái Xê Đăng.
Nhà báo Hoàng Đăng Du đã dành những vần thơ tâm huyết tặng cô giáo Y Bê: “Tôi gặp em-cô giáo Xê Đăng/Đẹp như hoa rừng lung linh trong nắng/Công việc em làm tháng ngày thầm lặng/ Mang ánh sáng ngày mai đến với thôn làng...).
Có lẽ hạnh phúc của những thầy giáo, cô giáo nói chung, cô giáo Y Bê nói riêng, ở những thôn, làng xa xôi trên địa bàn tỉnh, không gì hơn là mong những buổi học trò đến lớp đầy đủ; những năm học không có học sinh bỏ dở giữa chừng, có kết quả đỗ đạt hàng năm duy trì ở mức cao nhất và luôn có ước mơ vươn xa, bay cao… Đó là những bông hoa đẹp nhất dành cho thầy cô trong ngày 20/11.
Lê Sang