Câu chuyện làm giàu của “tỷ phú chân đất” Nguyễn Đình Phượng
“Năng nhặt, chặt bị”, cuộc sống kinh tế của gia đình anh Phượng ngày càng khấm khá. Đến nay, gia đình anh Phượng có 12ha cây cao su đã cho thu hoạch, gần 2ha cây cà phê, hơn 1,2ha ao nuôi cá, 0,5ha lúa nước, 2,1ha cây bời lời, trên 12ha mỳ…
|
Vào một ngày đầu tháng 11, theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Đăk Kan - ông Nguyễn Bá Huân, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Đình Phượng (sinh năm 1968), một nông dân làm kinh tế giỏi tiêu biểu của xã để tìm hiểu về mô hình kinh tế trang trại.
Với bản tính cần cù, chịu khó và tinh thần học hỏi, anh Phượng đã “bắt đất phải khuất phục sức người” đem lại cho gia đình anh mỗi năm trên 650 triệu đồng. Anh là một trong những “tỷ phú chân đất” ở xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi).
Sinh ra và lớn lên tại một vùng nông thôn nghèo ở huyện Chương Mỹ (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), dù cần cù, chịu khó bươn chải “một nắng, hai sương” trên đồng ruộng nhưng do đất chật, người đông nên gia đình anh Nguyễn Đình Phượng vẫn lận đận, nghèo khó.
Sau bao đêm trăn trở, toan tính, năm 2003 anh Phượng quyết định dắt díu vợ con vào huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk lập nghiệp với mong muốn đổi đời, đủ điều kiện lo toan cho 2 con nhỏ ăn học.
Sau 4 năm cần mẫn gây dựng, anh Phượng cũng xây được một căn nhà và có một ít đất rẫy. Nhưng rồi cái khó một lần nữa “gõ cửa” gia đình anh. Năm 2007, toàn bộ đất đai, nhà cửa, vườn tược của gia đình anh đều nằm trong vùng ngập lòng hồ của Thuỷ điện Sêrêpốk.
Không chịu lùi bước, anh Phượng theo một người bạn vào huyện Ngọc Hồi để tìm cơ hội làm ăn. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng về điều kiện đất đai, khí hậu ở nơi đây, trở về lại Đăk Lăk, anh Phượng bàn với vợ con và quyết định chọn thôn Tân Bình, Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) làm nơi lập nghiệp.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4, anh Nguyễn Đình Phượng cho biết: Khi vào đến Đăk Kan, với số tiền đền bù nhận được cùng với số tiền vay mượn của bà con, tôi mua liền thửa 17ha đất rẫy đã trồng cao su được từ 2 - 3 năm. Vốn liếng đổ dồn hết vào mua rẫy nên lúc bấy giờ kinh tế gia đình hết sức khó khăn; để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, vợ chồng tôi xác định là phải “lấy ngắn, nuôi dài”.
Vậy là, nơi nào cây cao su còn nhỏ, vợ chồng anh chọn trồng xen một số loại cây trồng ngắn ngày khác như bắp, mỳ, các loại đậu… Ở khu vực đất trũng, anh san ủi để trồng lúa và đào ao thả cá và nuôi thêm một số gia súc, gia cầm. Nhờ biết tính toán, chắt chiu nên chỉ vài năm sau gia đình anh Phượng đã trả được nợ và bắt đầu tích cóp.
Không dừng lại ở đó, anh Phượng tiếp tục mua thêm gần 2,5ha đất trồng cà phê đang cho thu hoạch và trồng thêm hơn 2ha cây bời lời; riêng phần đất lầy phía trước nhà, anh cải tạo thành các ao để vừa nuôi cá, vừa trồng thêm lúa nước và thuê thêm đất của Công ty Nguyên liệu giấy trồng trên 10ha mỳ và một số hoa màu khác.
“Năng nhặt, chặt bị”, cuộc sống kinh tế của gia đình anh Phượng ngày càng khấm khá. Đến nay, gia đình anh Phượng có 12ha cây cao su đã cho thu hoạch, gần 2ha cây cà phê, hơn 1,2ha ao nuôi cá, 0,5ha lúa nước, 2,1ha cây bời lời, trên 12ha mỳ. Ngoài ra, trong vườn nhà anh lúc nào cũng có đàn gia cầm cả trăm con…
Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, các nguồn lợi từ cây trồng, vật nuôi cũng cho thu nhập của gia đình anh từ 650 - 750 triệu đồng; nếu giá mủ cao su giữ ở mức ổn định như các năm trước thì thu nhập của gia đình anh Phượng chắc chắn lên đến tiền tỷ.
Hiện nay anh Phượng đã mua được nhà ở trung tâm thị trấn Plei Kần và xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) cho thuê kinh doanh để có thêm thu nhập lo cho 2 con ăn học. Điều đáng mừng là hiện tại cả 2 con trai của anh đều học giỏi và đang theo học tại Trường Đại học Giao thông vận tải và Trường Cao đẳng Thương mại.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Kan - Lê Ngọc Tịnh cho chúng tôi biết: Hội viên nông dân Nguyễn Đình Phượng là một trong những hội viên ưu tú của Hội Nông dân xã Đăk Kan. Anh Phượng không chỉ biết học hỏi vươn lên làm giàu, giúp đỡ, tạo việc làm cho một số lao động ở địa phương mà còn rất nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Nhiều năm nay gia đình anh Phượng đạt danh hiệu Gia đình văn hoá...
Đắc Vinh