Chuyện về những “cánh hồng” vượt sóng đến với Trường Sa
Đầu năm 2018, trong đoàn công tác đến với Trường Sa trên con tàu HQ561 mà tôi đi cùng hầu hết là nam giới, chỉ vỏn vẹn có 5 người phụ nữ. Trong khi khá nhiều “đấng mày râu” chếnh choáng say sóng thì 5 “cánh hồng” vẫn kiên cường vượt qua cơn say sóng, đến Trường Sa thân yêu.
Đoàn công tác của chúng tôi do Đại tá Phan Ngọc Quang - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân (Quân chủng Hải quân) làm trưởng đoàn được giao nhiệm vụ mang hàng, quà Tết từ đất liền đến với đảo và tiến hành thay thu quân tại 12 điểm đảo của 6 đảo ở Trường Sa.
Khác với chuyến công tác ra Trường Sa vào giữa năm, chuyến đi này, ngoài nhiệm vụ mang những phần quà Tết ra đảo thì trên tàu là các chiến sĩ hải quân ra nhận nhiệm vụ mới tại đảo. Vì vậy, thành viên trong đoàn chủ yếu là nam giới. Trong tổng số 20 phóng viên các báo đài cùng đi có sự hiện diện của 5 “cánh hồng”, trong đó có 4 nữ phóng viên là Nguyễn Minh Xuân Hiếu (phóng viên Báo Quảng Ngãi), Nguyễn Thị Phương Duyên (phóng viên Báo Đà Nẵng), Nguyễn Thị Loan (phóng viên Đài PTTH tỉnh Đăk Nông), Nguyễn Thị Hằng Nga (phóng viên Đài PTTH Hải Phòng) cùng đi ra đảo để làm nhiệm vụ tuyên truyền về biển đảo và ca sĩ Dương Thanh Nga (thành viên Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”) làm nhiệm vụ biểu diễn văn nghệ phục vụ các chiến sĩ trên đảo.
Trong 2 ngày đầu lênh đênh trên biển, khá nhiều anh em phóng viên nam say sóng, người mệt lả, có cảm giác không nhấc nổi chân tay lên, thậm chí có người không ra boong tàu được, do lần đầu đi biển, chưa quen với sóng gió. Ngược lại có chị em nữ “tỉnh rụi” như không có gì xảy ra, tỏ ra phấn chấn, tràn trề năng lượng.
|
Phóng viên Nguyễn Thị Phương Duyên (Báo Đà Nẵng) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em được ra Trường Sa và cũng là lần đầu đi biển dài ngày như vậy. Em lo nhất là say sóng. Mới đầu, khi tàu rời cảng vài tiếng em cũng thấy hơi mệt, nhưng sau đó khi được trò chuyện, tâm sự cùng với những người lính, nhất là những chiến sĩ mới ra đảo nhận nhiệm vụ nên em quên mệt luôn.
Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, điểm dừng đầu tiên của tàu chúng tôi là đảo Phan Vinh A. Khi đảo hiện ra trước mắt, chúng tôi và các chị em rời phòng ra boong tàu để nhìn đảo. Khi thuyền trưởng thông báo chuẩn bị xuống ca nô lên đảo, phóng viên Nguyễn Thị Loan và ca sĩ Dương Thanh dường như quên hết mệt mỏi, xông xáo là những người đầu tiên xách ba lô, máy ảnh ra boong tàu chờ xuống ca nô để vào đảo. Khi ca nô cập đảo, các “cánh hồng” ùa lên rạng rỡ, hăng hái bước lên đảo. Rồi những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười tươi rói thắm đượm tình quân dân hòa quyện vào nhau như những người thân lâu ngày gặp lại.
“Khi các chị em đến đảo, chúng tôi cảm nhận nét dịu dàng của những người phụ nữ đất liền “ùa đến với đảo”, sự quan tâm đến lính đảo và cả sự dũng cảm không ngại khó khi vượt trùng khơi của các chị đã làm vơi đi nỗi nhớ nhà trong chúng tôi, khiến ai cũng xúc động. Đây thực sự là động lực để anh em vững tâm hơn thực hiện tốt nhiệm vụ. Qua đây, những chiến sĩ Trường Sa cũng gửi lời tới đất liền rằng hãy vững tin, có chúng tôi đang chắc tay súng giữ yên biển trời Tổ quốc”, Trung tá Tiêu Quang Sự - Chính trị viên đảo Phan Vinh cho biết.
Các chị em phụ nữ đến đảo nào cũng được chào đón nồng hậu. Với các nữ phóng viên, ngoài việc tác nghiệp, các chị em còn dành nhiều thời gian để tâm sự, sẻ chia, động viên chiến sĩ hải quân yên tâm công tác, giữ vững tay súng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Phóng viên Nguyễn Minh Xuân Hiếu (Báo Quảng Ngãi) tâm sự: Lần đầu tiên tôi được cơ quan cử đi Trường Sa nên tôi hiểu niềm tin của lãnh đạo với mình. Vậy nên, tại các điểm đảo được đến, dù có mệt do chưa quen đi biển nhưng tôi tranh thủ thời gian cố gắng gặp nhiều lính đảo, tranh thủ tâm sự, tìm hiểu để kịp thời phản ánh đầy đủ cuộc sống ở Trường Sa nhằm giúp bạn đọc thêm cảm nhận rõ hơn về người lính hải quân ở quần đảo Trường Sa.
“Có đến với Trường Sa, được nghe, thấy, tâm sự với người lính đảo càng làm cho em cảm phục tinh thần kiên cường, quyết giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc của các chiến sĩ hải quân. Họ đang âm thầm hy sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc riêng tư, không quản ngại những khó khăn, gian khổ để góp phần bảo vệ sự thống nhất, toàn vẹn của Tổ quốc. Chỉ tiếc là thời gian lưu lại ở đảo ít nên chưa tìm hiểu sâu được về cuộc sống cũng như những tâm sự của người lính đảo. Nhưng chuyến đi Trường Sa lần này phần nào giúp tôi hiểu nhiều hơn về người lính đảo và để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc” - phóng viên Minh Hiếu chia sẻ.
Trong chuyến công tác đến với quần đảo Trường Sa, tôi ấn tượng với phóng viên nữ Nguyễn Thị Loan (Đài PTTH tỉnh Đăk Nông). Ở trên tàu, chị suốt ngày nằm bẹp, đến cơm cũng không thể ăn vì say sóng, thế mà chỉ cần nghe chuẩn bị vào đảo chị lại “tỉnh như sáo”. Lên đảo, gần như chị Loan không nghỉ, tận dụng tối đa thời gian để khai thác thông tin ở mọi góc cạnh làm tư liệu phục vụ tuyên truyền. Sự năng động, nhiệt tình ấy khiến anh Lê Văn Đại (quay phim Đài PTTH Đăk Nông) - một thanh niên khỏe mạnh quay như chong chóng, mồ hôi đầm đìa khi cùng chị Loan tác nghiệp trên các đảo. Nữ ca sĩ Dương Thanh Nga nằm bẹp do say sóng khi ở trên tàu. Đến khi lên đảo, dù rất mệt nhưng chị vẫn hát vang những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi về người lính đảo dành tặng các chiến sĩ. Không chỉ hát, trong thời gian lưu lại trên đảo, Thanh Nga cũng tranh thủ đi thăm, tâm sự, động viên các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo, với mong muốn tiếp thêm động lực để người lính đảo vững chắc tay súng bảo vệ quê hương.
“Được thăm, lắng nghe, chia sẻ tâm tư cùng các chiến sĩ tại 12 đảo, điểm đóng quân; được tận mắt chứng kiến cuộc sống, học tập, công tác của người lính ở quần đảo Trường Sa, em thực sự cảm phục, xúc động trước ý chí kiên cường của cán bộ chiến sĩ nơi đảo xa. Vì vậy, bằng lời ca, tiếng hát, em hy vọng người lính đảo sẽ vững tin hơn để tiếp tục cống hiến bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển của Tổ quốc…” - Thanh Nga chia sẻ.
Những người phụ nữ tình nguyện đến với Trường Sa không chỉ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước mà qua đó còn khẳng định về truyền thống “Anh hùng- Bất khuất- Trung hậu- Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam mà Bác Hồ kính yêu đã dành tặng. Ở bất cứ vị trí nào, hoàn cảnh nào, phụ nữ Việt Nam vẫn phát huy những phẩm chất tuyệt vời của phụ nữ, đó là sự dịu dàng, khéo léo vốn có của mình.
Phúc Nguyên