Thái Ba Na và những câu chuyện được kể bằng ảnh
Chọn cho mình một lối đi riêng trong nghề nhiếp ảnh, mỗi bức ảnh của Nguyễn Ngọc Thái (nghệ danh Thái Ba Na, sinh 1990) là một câu chuyện, một cuộc đời được anh kể lại bằng ngôn ngữ của hình ảnh. Hiện anh đang ấp ủ thực hiện một bộ ảnh về 54 dân tộc anh em để kể một câu chuyện về văn hóa, về con người, dân tộc Việt Nam.
Chọn lối đi riêng
Trong không gian nhỏ của quán cà phê góc ngã tư xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, những bức ảnh do chính tay chủ quán – Thái Ba Na - chụp trở thành điểm nhấn, mang lại sức hút đặc biệt. Không ấn tượng sao được, bởi tất cả những tấm được treo, đa số đều là ảnh chân dung đạt giải tại các cuộc thi ảnh quốc tế, quốc gia, khu vực. Và hơn hết, chính những bức ảnh có lối thể hiện ấn tượng ấy đã giúp Thái trở thành hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế vào năm 2020; hội viên trẻ tuổi nhất (thế hệ 9x) của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam vào năm 2018.
Thái Ba Na đến với nhiếp ảnh một cách rất tình cờ. Đó là vào năm 2015, khi người em theo học nhiếp ảnh, Thái đi cùng để tìm hiểu. Và chính lần “đi theo” ấy đã giúp anh tìm ra đam mê thực sự.
|
Ban đầu, trước những mông lung, mơ hồ của việc cầm máy, anh tự tìm hiểu trên mạng rồi rong ruổi khắp các làng để cảm nhận và chụp. Từ ngẫu nhiên đến sắp đặt, Thái Ba Na chụp nhiều thể loại từ chân dung, phong cảnh, kiến trúc… “Mình phải tự tìm hiểu thế mạnh của chính mình, tìm hướng đi riêng để tránh đi trên lối đi của những nghệ sĩ nhiếp ảnh khác. Và rồi, mình yêu ảnh chân dung. Mình chấp nhận ảnh chân dung dù biết sẽ khó đạt giải sâu trong các cuộc thi ảnh và xét về giá trị kinh tế, thể loại này ít bán chạy so với phong cảnh”- Thái chia sẻ.
Xác định được hướng đi, phong cách ảnh của mình giúp Thái Ba Na thăng hoa hơn trong những tác phẩm của mình. Và cũng từ đó, mỗi bức ảnh của Thái Ba Na là một câu chuyện, một cuộc đời được anh kể lại bằng ngôn ngữ của hình ảnh.
Ngay từ khi chập chững vào nghề, tác phẩm Đôi mắt Ba Na đặc sắc vừa toát lên vẻ đẹp về văn hóa, con người Ba Na đã mang lại giải khuyến khích trong một cuộc thi ảnh tầm quốc gia, Huy chương Đồng khu vực, giải khuyến khích của Hội VHNT Việt Nam. Kết quả ấy đã tạo động lực, tiếp sức để anh tiếp tục chinh phục đam mê của chính mình.
Tiếp nối những thành công đầu tiên, tấm ảnh với tựa đề “Mất rừng” được chụp ở Kon Tum đã đạt giải trong một cuộc thi ảnh quốc tế vào năm 2017, 2018; tấm ảnh Mẹ con Hà Nhì với đôi bàn tay nhuốm màu nhuộm vải của người mẹ ôm chặt, che chở người con bé bỏng đã mang lại Huy chương Đồng trong một cuộc thi ảnh quốc tế… và nhiều tấm ảnh đạt giải quốc gia, khu vực.
“Tất nhiên, khi có tác phẩm đoạt giải cao, tôi rất vui, nhưng đó không phải là tất cả. Điều quan trọng là giữ được đam mê và điều mong muốn hơn hết là thể hiện được văn hóa, câu chuyện trong từng bức ảnh” – anh nói.
|
Trong mấy năm theo đam mê, anh chụp được khoảng 300 bức ảnh chân dung. Nhưng anh bảo, chỉ có 50 tấm thể hiện được nét riêng, có dấu ấn, thu hút người xem. “Chân dung dễ chụp nhưng khó ra ảnh tốt, khác lạ và thu hút. Nhiều khi ngoài yếu tố về kĩ thuật, người chụp cũng phải có sự may mắn, gặp được nhân vật có hồn mới tạo được tấm ảnh có chiều sâu” – anh giải thích.
Mỗi tấm ảnh là một câu chuyện
Mỗi tấm ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Thái đều thể hiện một câu chuyện đặc sắc bên trong. Đó là sự thân thiện giữa người Ba Na với động vật; là nét đẹp về con người, văn hóa, tâm linh của các dân tộc; là bức tranh sinh động thể hiện khí thế lao động; là nỗi đau, giọt nước mắt của người phụ nữ; là mái nhà rông đứng sừng sững giữa bão giông…
Khoe với chúng tôi tấm ảnh về người phụ nữ ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi làm đẹp bằng cách mài răng; tấm hình về người phụ nữ Brâu ở xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi với đôi khuyên tai bằng ngà voi…, anh bảo rằng, để có được những khoảnh khắc đẹp ấy, bản thân anh phải tìm hiểu rất nhiều, rất kỹ về văn hóa của các dân tộc. Và rồi, bằng sự đam mê, cứ thấy nơi đâu có nét văn hóa đặc sắc, bất chấp khoảng cách, anh lại tìm đến, chờ đợi nhân vật hàng tiếng đồng hồ, thậm chí cả ngày trời để được gặp, được chụp ảnh.
Anh luôn tìm kiếm và có mặt trong các lễ hội của cộng đồng các DTTS; thậm chí bỏ tiền túi giúp dân làng phục dựng lễ hội để có những tấm ảnh chân thực. Anh còn đứng ra tổ chức các chuyến đi thực tế về văn hóa, lễ hội để anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh có cơ hội thể hiện đam mê. Rong ruổi khắp nơi, nhiều lúc, 1-2h sáng, khi mọi người chìm trong giấc ngủ, anh vẫn lang thang ở các thôn, làng. “Để có bức ảnh đẹp, ấn tượng, nghệ sĩ nhiếp ảnh phải bỏ ra rất nhiều công sức, tâm huyết và chi phí gấp 5, gấp 10 lần giá trị giải thưởng” – Thái Ba Na nói vui.
|
Vậy làm thế nào để nuôi sống đam mê của mình?- tôi hỏi Thái bảo, anh phải chụp các thể loại ảnh khác để bán theo đơn đặt hàng, đồng thời làm thêm các nghề phụ, như buôn bán, chụp hình dịch vụ… mới đủ để phục vụ cho việc đi sáng tác ảnh chân dung khắp nơi.
Cứ thế, Thái đi nhiều nơi, qua những ngôi làng để lưu lại khoảnh khắc trong những lễ hội. Những câu chuyện mang hơi thở văn hóa, cuộc sống luôn sống động, chân thực trong từng bức ảnh của Thái Ba Na. Và có lẽ vì được chụp bằng đam mê, bằng ngẫu nhiên, bằng cái tâm, ít chỉnh sửa màu sắc mà người xem luôn say đắm, cuốn hút.
Với đích để thỏa mãn đam mê và lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa tinh túy của dân tộc, anh đang ấp ủ dự định sẽ làm một bộ ảnh về 54 dân tộc anh em. “Ở Việt Nam, dường như chưa ai làm bộ ảnh này. Sẽ mất nhiều thời gian và công sức đấy, nhưng tôi sẽ cố gắng để thực hiện” – anh trải lòng.
54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc sẽ có những điểm khác biệt về văn hóa, về con người, trang phục, và để thể hiện được nét riêng ấy, hiện tại anh đang dày công tìm hiểu, định hướng ý tưởng. Anh cho biết, qua bộ ảnh, anh mong muốn mỗi người sẽ thêm hiểu và trân quý, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
Tạm biệt Thái Ba Na, những câu chuyện về ảnh vẫn còn mãi trong tâm trí. Tin rằng, với niềm đam mê, bộ ảnh 54 dân tộc anh em sẽ sớm hoàn thành, mang lại hiệu ứng tích cực như mục đích mà tác giả hướng đến.
HOÀI TIẾN