Nữ nghệ nhân với tình yêu thổ cẩm
Gần 60 năm gắn bó với Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) - ngôi làng nhỏ bên dòng Đăk Bla nước mùa dâng mùa cạn, nghệ nhân Y Hanh đã để lại dấu ấn làm sống lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống và góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa dân gian đậm đà bản sắc của người Ba Na trong đời sống cộng đồng.
Tác phong nhanh nhẹn, nói cười hòa nhã, bà Y Hanh luôn đem đến sự thân thiện, gần gũi cho mọi người, dù mới lần đầu gặp mặt. Sinh ra và lớn lên ở làng Kon Klor có truyền thống văn hóa lâu đời của người Ba Na vùng Bắc Tây Nguyên, cô bé Y Hanh hay cười đã được thừa hưởng “cái gien” văn nghệ từ người cha giỏi đánh đàn và khéo chế tác các nhạc cụ dân gian từ tre nứa.
Nhỏ nhắn, xinh xắn, lại dẻo chân dẻo tay, chừng 8-9 tuổi, Y Hanh đã nổi tiếng có những bước xoang đẹp so với các bà các cô. Từ tuổi trăng tròn đến tận xế chiều, bà luôn là “linh hồn” trong vòng xoang lễ hội của làng. Yêu xoang và đặc biệt là bằng sự nhạy cảm rất riêng với những vòng xoang hội lễ, nghệ nhân Y Hanh đã có nhiều sáng tạo làm đa dạng, phong phú thêm các điệu xoang truyền thống từ những động tác cơ bản đưa tay, đẩy tay, chống hông, nhún người, lắc eo...
|
“Cái duyên” với dệt thổ cẩm, bà Y Hanh kể: Cũng các làng đồng bào DTTS lâu đời bên sông Đăk Bla, từ xa xưa, phụ nữ Ba Na đã giỏi dệt thổ cẩm. Ngày trước, chị gái Y Yan khéo tay hay làm của Y Hanh đã nức tiếng trong vùng với nghề truyền thống này. Giỏi “chế” hoa văn trên những tấm vải, chị gái Y Yan còn tự tay làm nên những khung dệt lớn - nhỏ, giúp chị em trong làng cùng dệt. Trải qua giai đoạn khó khăn khiến văn hóa dân gian và các ngành nghề truyền thống bị gián đoạn, lãng quên; những năm đầu thập niên 2000, dệt thổ cẩm được tỉnh Kon Tum khuyến khích, động viên khôi phục. Cảm phục trước sự nhiệt tình, trách nhiệm của ông Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi đến tận nhà tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục; bà Y Hanh và một số chị em “đầu tàu” trong làng đã kết nối cùng nhau, quyết tâm làm sống lại nghề dệt lâu đời.
Miệt mài theo chị Y Yan học lại, tập lại từng đường chỉ, thao tác; sau chừng 3 tháng, Y Hanh đã thông thạo cách dệt thổ cẩm. Không chỉ tạo ra sản phẩm dệt, bà còn dạy lại cho chị em và các bé gái trong làng. Năm 2003, được sự quan tâm của Nhà nước thông qua chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, làng Kon Klor được hỗ trợ kinh phí thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại chỗ. Từ đó, bà Y Hanh luôn xứng đáng với sự tin cậy của mọi người khi đảm nhận vai trò phụ trách tổ hợp tác.
Từ khoảng 30 chị em ban đầu, tổ đã duy trì hoạt động đến giờ với hơn 100 thành viên thạo tay dệt thổ cẩm. Các sản phẩm thổ cẩm từ áo, váy, khăn, khố, túi xách, ví... được tạo ra không chỉ dùng trong sinh hoạt gia đình, mà từng bước trở thành hàng hóa phục vụ du lịch, hoạt động văn hóa - văn nghệ... trên địa bàn tỉnh.
Giỏi vắt sợi, nên từ những đường nét cơ bản trong kỹ thuật dệt truyền thống như đường thẳng, hình thoi, tam giác, hình chữ V, chữ X..., bà Y Hanh đã tạo ra nhiều mẫu thổ cẩm đa dạng, phong phú, mang bản sắc dân tộc Ba Na.
Dệt thủ công đòi hỏi siêng năng, kiên trì; song cũng rất cần tỉ mỉ, khéo léo. Bản tính chịu khó, nhã nhặn, gần 15 năm qua, bà Y Hanh đã tận tình chỉ bảo, dạy nghề đến nơi đến chốn cho nhiều chị em và cháu gái trong làng. Nhờ đó, sản phẩm thổ cẩm do phụ nữ làng Kon Klor làm ra luôn được du kháchm yêu thích.
Nhiệt tình và tận tâm, bà Y Hanh đã góp phần đưa Kon Klor trở thành một trong số khu dân cư trong tỉnh tiên phong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian và khôi phục lại nghề dệt truyền thống của dân tộc. Tâm huyết của bà cũng đã đem lại hình mẫu một gia đình luôn quan tâm gìn giữ và tỏa sáng nét đẹp văn hóa của dân tộc được ông bà để lại. Trong số 5 người con của vợ chồng bà Y Hanh, hai con trai đã thành thạo cồng chiêng, ba con gái đều giỏi xoang và dệt thổ cẩm. Đóng góp tích cực đã đưa người phụ nữ này vào danh sách các nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Thanh Như