Những nghệ nhân dân gian xã Đăk Tờ Re
Xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) có 12 thôn với hơn 6.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 60%, chủ yếu là dân tộc Ba Na. Nơi đây có nhiều nghệ nhân dân gian rất tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Đến thăm các nghệ nhân của xã Đăk Tờ Re, người đầu tiên chúng tôi gặp là bà Y Phôih sinh năm 1947, trú tại thôn 5 của xã là một trong những người kể sử thi giỏi nhất huyện Kon Rẫy hiện nay.
Bà cho biết: Năm lên tám tuổi, bà bắt đầu theo bố mẹ, anh chị, chú bác và các già làng nghe kể sử thi bên bếp lửa nhà dài của làng. Sau đó, ngày tiếp nối ngày, tiếng kể sử thi cứ thế theo bà khi lên rẫy tuốt lúa, khi ra đồng chăn trâu, hay lúc vào rừng đặt bẫy, xuống suối khe bắt cá hàng ngày.
Tiếng kể sử thi dài như dòng sông Đăk Bla chảy mãi, chảy sâu vào trong lòng bà. Vì thế, giờ đã trên 50 tuổi rồi, nhưng mỗi khi làng tổ chức lễ hội nào cũng mời bà đến tham dự để kể sử thi. Mỗi lúc như vậy, giọng hát kể của bà lúc lên bổng, lúc xuống trầm, có khi ngân dài như âm thanh của thác nước đại ngàn, của tiếng chiêng cồng trong mùa lễ hội.
Bà Y Phôih tích cực động viên con cháu học dân ca, kể sử thi của dân tộc và truyền dạy kỹ thuật, kỹ năng diễn tấu dân ca, kể sử thi cho lớp trẻ trong làng. Hiện nay, bà cùng các thành viên trong làng thành lập Đội văn nghệ quần chúng để sẵn sàng phục vụ công tác hoạt động lễ hội của làng cũng như tham gia các ngày hội, hội thi, liên hoan do huyện hoặc tỉnh tổ chức và sẵn sàng phục vụ khách tham quan du lịch khi đến với dân làng, qua đó góp phần truyền bá văn hóa truyền thống của cộng đồng người Ba Na ở tỉnh ta với du khách gần xa.
Đến với nghệ thuật hát giao duyên, chúng tôi gặp ông A El sinh năm 1954, trú tại thôn 5 và ông A Sứ sinh năm 1956, trú tại thôn 4 của xã là những người có lối hát giao duyên thật truyền cảm từ ánh mắt nhìn cho đến những câu hát luyến láy thật rung động người nghe.
Tâm sự với chúng tôi, ông A Sứ, dân tộc Ba Na cho biết: Vì mình làm cán bộ văn hóa của xã được trên 15 năm, nên mình rất am hiểu về văn hóa, nhất là văn hóa của dân tộc mình. Năm 2014, mình nghỉ hưu, nên mình có thời gian để truyền lại cho con cháu, nhất là những cháu gái từ 5-10 tuổi. Hát giao duyên chỉ cần để ý một chút là hát được, vì giao duyên từng lời vừa da diết, vừa sâu lắng như hơi thở, như tiếng lòng của người Ba Na, lại vừa như vẽ nên một bức tranh về cuộc sống sinh hoạt rất đỗi mộc mạc, thân quen trong mỗi gia đình.
|
Đến thăm nhà anh A Tân, sinh năm 1972, trú tại thôn 7, chúng tôi vô cùng thích thú khi xem anh đục gọt tượng gỗ. Khiêm tốn, thật thà, anh A Tân tâm sự: Tôi “bén rễ” với tượng gỗ được gần 10 năm. Tôi học hỏi từ những người anh làm xưởng gỗ và qua các kênh thông tin. Ban đầu, tôi chỉ đục một số con vật gần gũi như: cóc, rắn, chim… dần dần đến tượng nhà mồ, tượng đàn ông, tượng thiếu nữ trong hoạt động hàng ngày như: địu con, uống rượu, đeo gùi, giã gạo …
Năm 2013, A Tân vinh dự được UBND huyện Kon Rẫy giới thiệu tham gia Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh lần đầu tiên tổ chức nhân Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh. Với tác phẩm bức tượng nhà mồ khắc hình người đàn ông mặt buồn, anh đã thành công với từng nét đục đẽo mang tính hoang sơ nhưng gần gũi với con người.
Năm 2016, một lần nữa A Tân được UBND huyện chọn về thành phố Kon Tum tham gia Liên hoan Văn hóa dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3.
Còn nữ nghệ nhân Y Pư, sinh năm 1966, trú tại thôn 7 của xã, tâm sự: Mình được UBND huyện đề nghị là nghệ nhân làm gốm truyền thống, mình vui lắm. Bởi vì đây là nghề “mẹ truyền, con nối” của gia đình. Từ nhỏ mình đã tự học hỏi từ mẹ và những người già trong làng. Mỗi khi những người già làm gốm tại nhà rông hoặc những lúc trong làng có lễ hội, mình thường chăm chú theo dõi cách làm gốm và ghi nhớ những cách làm đó vào trong đầu. Thấy người nào mệt thì mình xin tham gia làm thay. Lúc đầu, mình làm sai các tác phẩm tạo hình, nhưng nhờ những người già trong làng ân cần chỉ bảo, nên dần dần mình biết cách làm đẹp hơn.
|
Ngoài việc thường xuyên làm gốm, vào các ngày lễ của làng, bà Y Pư còn tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ về kỹ năng làm gốm dân gian. Đến nay, bà đã truyền dạy cho 6 người trong làng biết làm đồ gốm theo truyền thống của người Ba Na (nhánh Jơ Lâng). Vật dụng làm ra chủ yếu là đồ gia dụng trong nhà như: ghè rượu, chum vại, ché rượu, hay là những cái hong thổi xôi…
Được gặp gỡ các nghệ nhân dân gian xã Đăk Tờ Re, được lắng nghe những tiếng hát dân ca giao duyên dặt dìu, tiếng kể sử thi trầm hùng sâu lắng, tiếng đẽo gọt tượng gỗ trong trẻo dứt khoát… khiến chúng tôi thêm yêu những nghệ nhân đang ngày đêm nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Bài và ảnh: Hà Nguyên