Người Xê Đăng ở Đăk Psi “đón nia lửa mới vào nhà”
Một trong các nghi lễ độc đáo diễn ra trong lễ hội ăn cơm mới của đồng bào Xê Đăng ở xã Đăk Psi (huyện Đăk Hà) là việc đón nia lửa mới vào nhà. Nia lửa mới tượng trưng cho tinh thần, sức mạnh, sự ấm áp và no đủ của dân làng. Bởi lẽ đó, bắt đầu đi đến ăn cơm mới ở từng hộ gia đình, già làng luôn là người đi đầu để mang nia lửa mới đến với từng gia đình...
Đã thành phong tục truyền thống, hàng năm, khi những hạt lúa trên rẫy bắt đầu chín vàng, bà con Xê Đăng ở các làng Đăk Rơ Wang, Đăk Pơ Trang, Kon Pao, Kon Pao Kram (xã Đăk Psi) lại tổ chức lễ hội ăn cơm mới và đón nia lửa mới vào nhà.
Men theo con đường tránh lũ Đăk Psi (nối từ xã Diên Bình, huyện Đăk Tô vào đến tận các thôn làng của xã Đăk Psi) vừa láng nhựa phẳng lì, chúng tôi về làng Đăk Rơ Wang để ăn cơm mới cùng bà con dân làng theo lời mời của thôn trưởng, già làng. Từ sáng sớm, mọi gia đình nơi đây đều đã thức dậy để quét dọn nhà cửa, vườn tược sạch đẹp.
Khác với mọi ngày, hôm nay, vợ chồng anh A Năng và chị Y Trêng ở làng Đăk Rơ Wang thức dậy từ 3h sáng, họ giã ít lúa vừa gặt trên rẫy về phơi khô cất ở góc bếp mấy ngày nay để nấu cơm mới và chế biến một số món ăn truyền thống nhằm đãi bà con đến ăn cơm mới cùng gia đình.
|
Anh A Năng rất vui khi thấy có khách ghé thăm nhà. Vừa chế biến mấy món ăn (như: cháo thịt chuột nấu với đọt mây, bí xanh nấu với cá suối, sâu lồ ô nướng ống lồ ô), anh A Năng cho biết, để chuẩn bị cho ngày lễ này, từ đầu tháng 10 anh đã phải đi rừng để bắt con chuột, cá suối, sâu lồ ô về treo ở gác bếp. Năm nay lúa rẫy chắc hạt, cà phê trĩu quả nên gia đình anh ăn cơm mới vui hơn mọi năm. Bên cạnh chuẩn bị vài chục con chuột, vài kilôgam cá suối phơi khô, vợ chồng anh A Năng và chị Y Trêng còn làm sẵn ghè rượu cần thật to để mang lên nhà Rông chung vui cùng bà con dân làng trong lễ hội.
Cạnh gia đình A Năng - Y Trêng là ngôi nhà của vợ chồng anh A Băk và chị Y Thil cũng đỏ lửa từ sớm để nướng thịt và cơm lam. Anh A Băk cho biết, năm nay, gia đình ăn cơm mới vui hơn mọi năm vì 2 sào lúa của gia đình anh dù vẫn bị chim chuột phá hại một ít nhưng nhờ sử dụng chế phẩm sinh học cho cây trồng nên năng suất không hề giảm; hơn nữa, năm nay là năm đầu tiên vườn cà phê của gia đình chính thức cho thu hoạch với năng suất cao nên vợ chồng phấn khởi lắm.
Tại nhà rông của làng, già làng A Đra và thôn trưởng Trương Đoàn Quốc Long cũng có mặt từ sớm để quét dọn, treo cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ…
Thôn trưởng Trương Đoàn Quốc Long cho biết: Thôn Đăk Rơ Wang có 110 hộ, trong đó gần 1/2 dân số là đồng bào Xê Đăng, còn lại là người Kinh. Lâu nay bà con trong thôn luôn đoàn kết, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các lễ hội của làng. Ngay trong lễ hội ăn cơm mới kết hợp với Ngày hội đại đoàn kết năm nay, bà con người Kinh trong thôn cũng đã đóng góp mỗi hộ 50.000 đồng mua con heo để cùng vui lễ hội với đồng bào Xê Đăng tại nhà rông của làng.
Già làng A Đra chia sẻ, hiện nay lễ hội ăn cơm mới của bà con đồng bào Xê Đăng ở làng Đăk Rơ Wang vẫn giữ được phong tục truyền thống. Lễ hội diễn ra trong vòng 3 ngày. Ngày đầu tiên, đàn ông và thanh niên trong làng cùng nhau đi rừng làm cây nêu, đan nia lửa mới (đan bằng tre nứa). Ngày thứ hai, các gia đình tổ chức ăn cơm mới dưới góc độ gia đình, sau đó tiến hành dựng cây nêu và tổ chức lễ hội tại nhà Rông. Ngày thứ ba, đội cồng chiêng của làng được cử đến từng hộ gia đình xin thức ăn dự trữ sẵn như thịt chim, chuột, cá khô, bầu, bí… mang về nhà rông để dân làng cùng chế biến món ăn và cùng nhau uống rượu ghè vui mùa bội thu.
Chuẩn bị xong việc ở nhà rông, già làng A Đra tranh thủ về nhà sửa sang lại nia lửa mới - vật không thể thiếu trước khi vào nhà từng hộ gia đình để ăn cơm mới.
|
Già A Đra cho biết, nia lửa mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lễ hội ăn cơm mới của bà con đồng bào Xê Đăng. Nếu như việc tổ chức lễ hội ăn cơm mới ở góc độ cộng đồng làng phải có cây nêu thì ở góc độ gia đình phải có nia lửa mới. Nia lửa mới tượng trưng cho tinh thần, sức mạnh, sự ấm áp và no đủ của dân làng. Bởi lẽ đó, khi dân làng bắt đầu đi đến ăn cơm mới ở từng hộ gia đình, già làng phải là người đi đầu để mang nia lửa mới đến với từng hộ gia đình.
Khi mặt trời từ từ nhô lên ở phía chân trời chiếu những tia nắng đầu tiên trong ngày xuống làng, già A Đra ra hiệu cho bà con dân làng tập trung lại cùng nhau đến từng hộ gia đình ăn cơm mới. Đầu tiên, bà con ăn cơm mới tại nhà già làng. Chờ cho khách đến cổng nhà, già làng A Đra mang nia lửa mới ra để mời khách vào bên trong nhà. Lửa trên chiếc nia lửa mới được già A Đra nhóm lên từ trấu của những hạt lúa mới của gia đình mình.
Dù không đi rừng được nhưng già làng A Đra cũng đã cố gắng kiếm ít cá suối nấu với bí xanh và rau rừng nấu để đãi khách. Bà con dân làng mỗi người gắp một ít thức ăn và cơm mới thưởng thức. Xong đâu đấy mọi người cùng chúc cho gia đình già làng sức khỏe, ruộng rẫy tốt tươi, thóc lúa đầy bồ rồi chuyển sang hộ gia đình khác…
Già làng A Đra tiếp tục giữ trọng trách mang nia lửa mới đi cùng bà con dân làng đến ăn cơm mới tại các hộ gia đình còn lại trong làng. Nia lửa mang đến hộ gia đình nào thì chủ hộ sẽ ra đón lấy mang vào nhà, sau đó lấy ít trấu từ hạt lúa mới của gia đình mình cho vào nia lửa để cầu mong điều tốt đẹp.
Quá trưa, khi già làng và bà con dân làng đã ăn cơm mới ở từng hộ gia đình trong làng xong, mọi người cùng tập trung tại nhà rông của làng để dựng cây nêu. Khác với cây nêu trong các lễ hội khác, cây nêu trong lễ hội ăn cơm mới của bà con đồng bào Xê Đăng nơi đây được dựng cao vút bên nhà rông và được bà con trang trí rất tỉ mỉ theo hình dạng của cây lúa trổ bông trĩu hạt.
Sau khi cây nêu được những thanh niên lực lưỡng trong làng dựng xong, theo hiệu lệnh của già làng A Đra, bà con dân làng mang rượu cần và thức ăn đến nhà rông để làm lễ ăn cơm mới dưới góc độ cộng đồng làng.
Vị trí của mỗi hộ gia đình tại nhà rông được đánh dấu bằng một ghè rượu cần. Sau khi già làng làm lễ khấn thần linh xong, bà con dân làng cùng mời nhau vít rượu cần và cầu chúc cho nhau sức khỏe, ruộng rẫy tốt tươi, cuộc sống luôn no đủ…
Già làng A Đra mời chúng tôi thưởng thức cơm gạo lúa mới sực nức mùi thơm và hương rượu cần nồng nàn để cảm nhận rõ hơn lễ hội của đồng bào Xê Đăng nơi đây.
Trong không khí đông vui của làng, già A Đra không quên dặn dò dân làng: Tuy giờ đây cây lúa không còn là cây trồng chủ lực của bà con dân làng, thay vào đó là những loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, bời lời…, nhưng không vì thế mà lễ hội ăn cơm mới của bà con dân làng bị mai một. Việc duy trì lễ hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa sẽ làm cho đời sống tinh thần của bà con thêm phong phú hơn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần xây dựng thôn làng no đủ, vững mạnh hơn.
Bài, ảnh: Tú Quyên