Người thợ rèn cuối cùng ở làng Kon Mong Tu
Dân tộc Xơ Đăng nhánh Tơ Đrá nổi tiếng với nghề rèn sắt thủ công từ bao đời nay. Điều đặc biệt, nguyên liệu để rèn, người Tơ Đrá luyện trực tiếp từ quặng sẵn có trong thiên nhiên. Nhưng, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngày nay nghề rèn thủ công của người Tơ Đrá hầu như dần bị quên lãng. Ông A Gul là một trong số ít người biết nghề rèn truyền thống của người Tơ Đrá và là người thợ rèn cuối cùng ở làng Kon Mong Tu…
Độc đáo nghề rèn của người Tơ Đrá
Chúng tôi được cán bộ xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) dẫn đến nhà ông A Gul (78 tuổi) ở làng Kon Mong Tu để tìm hiểu về nghề rèn truyền thống của người Tơ Đrá.
Biết ý định của chúng tôi, ông A Gul ngồi trầm ngâm, đôi mắt ông chợt thoáng buồn. Trao đổi ban đầu giữa chúng tôi chỉ là những câu chuyện ngắt quãng, chắp nối. Nhưng khi nói về nghề rèn truyền thống của người Tơ Đrá, giọng ông A Gul về sau càng say sưa hơn, tôi hoàn toàn bị câu chuyện của cuốn hút…
Theo lời kể của ông A Gul, người Tơ Đrá sống chủ yếu tại các xã Đăk Ui, Ngọc Réo, Ngọc Wang (huyện Đăk Hà); xã Đăk Tơ Lung, Đăk Kôi… (huyện Kon Rẫy). Với người Tơ Đrá nghề rèn truyền thống của họ khá nổi tiếng trong đồng bào các DTTS ở Kon Tum. Trước đây nghề này đã tồn tại trong cộng đồng các dân tộc trong vùng như một trong những niềm tự hào của người Tơ Đrá.
Ông A Gul cho biết: Từ lúc nhỏ, già đã được cha mẹ truyền dạy nghề rèn truyền thống của người Tơ Đrá. Người Tơ Đrá không rèn công cụ sản xuất từ nguyên liệu sắt sẵn có mà tự tinh luyện quặng sắt trong tự nhiên. Đây là nét độc đáo riêng có của người Tơ Đrá trong nghề rèn mà không phải dân tộc nào ở vùng này cũng làm được và cũng cần có những kinh nghiệm trong tuyển chọn, khai thác quặng có trong tự nhiên.
|
Theo ông A Gul, nguyên liệu rèn được lấy từ đất bên cạnh con suối cách làng Kon Mong Tu khoảng một giờ đi bộ. Sau khi đất được đào lên, dùng chiếc sàng tre sàng hết đất, còn lại những viên đá nhỏ màu đen. Người thợ đem những viên đá này về, luyện thành những thỏi sắt, sau đó mới dùng sắt này chế tạo ra những công cụ khác. Những công cụ dao, rìu do người Tơ Đrá làm ra rất bén nên rất được ưa chuộng…
Để chứng minh lời mình nói, ông A Gul đem ra mấy con dao được chính ông rèn theo phương pháp truyền thống của người Tơ Đrá ra cho chúng tôi xem. Qua bao năm tháng những con dao này tuy đã cũ kỹ, nhưng tôi đưa tay sờ thử thì thấy sắc bén vô cùng. Đây chính là sự độc đáo của nghề rèn của người Tơ Đrá, công cụ được rèn từ sắt của họ có chất lượng tốt hơn công cụ của những dân tộc khác.
Cũng theo ông A Gul, người Tơ Đrá chế tác ra một loại lò rèn rất đặc biệt để luyện quặng và rèn. Bễ lò rèn tạo hơi được làm từ da con mang, ống bễ bằng gỗ, ống dẫn hơi bằng nứa và lò nung bằng đất sét trắng… Tất cả vật dụng để làm bễ rèn đều được sử dụng nguyên liệu từ núi rừng.
Ông A Gul cho biết thêm, sở dĩ bễ tạo hơi được làm từ da con mang là vì da mang bền, khi khô vẫn mềm, giữ độ đàn hồi cao, có sức nén hơi cao mà da các con vật khác không thể có những đặc tính như vậy được…
Ngoài sự độc đáo của bễ rèn từ da mang, người Tơ Đrá còn biết dùng một loại cây rừng để làm than, khi đốt có thể cho nhiệt độ cao trên 1.0000c, để nung quặng.
Khi nung quặng, người Tơ Đrá kết hợp hai loại quặng ở dạng cục và dạng cát pha chế với nhau. Cho đến khi nhiệt độ đạt chuẩn, hai loại quặng này sẽ nóng chảy, hòa lẫn với nhau. Có như vậy các công cụ khi được rèn đều bền chắc, không bị sứt mẻ, gãy khi sử dụng, cho dù có tương tác với các vật dụng cứng như đá, gỗ…
Cái khó nhất khi nung quặng là phải biết kết hợp sự ăn ý giữa người thụt bễ, người bỏ than và quặng.
Khi nung, người thợ chính phải có nhiều kinh nghiệm, biết điều chỉnh nhiệt độ hợp lý, sao cho lửa phun đều bốn phía, ngọn lửa bốc cao, màu sáng trắng, như vậy quặng mới nhanh chảy, đỏ đều.
“ Khi quặng hơi nguội sẽ được lấy ra, bỏ trên một phiến đá đặc biệt, lấy búa đập cho cục sắt liên kết lại và phẳng nhẵn; sau đó tiếp tục nung, đập nhiều lần cho đến khi người thợ có “một tấm sắt như ý” để chế tác công cụ” - bằng kinh nghiệm của một người thợ rèn lão luyện, ông A Gul “bật mí” cho chúng tôi biết về kỹ thuật rèn của người Tơ Đrá.
Khi nung quặng, người Tơ Đrá dùng loại than cho nhiệt độ cao bao nhiêu thì ngược lại, khi rèn công cụ họ lại dùng một loại cây có than cho nhiệt độ thấp hơn (thông thường là cây giẽ). Cách thức rèn công cụ cũng dùng bễ rèn như khi nung quặng. Sau đó đập, mài hình dáng, kích thước theo ý muốn. Ông A Gul say sưa nói về nghề rèn của dân tộc mình với vẻ tự hào, phấn khích.
Đem một con dao đi rừng ra, ông A Gul khoe với tôi: Cháu nhìn xem này, phần lưỡi nó rất bén. Đây chính là kỹ thuật trui lưỡi. Phải biết cách trui thì nó mới sắc bén được; khi trui lưỡi thì dùng vảy con tê tê, sừng trâu hay da mang để cho lưỡi dao, rìu, cuốc… không bị sứt mẻ và giữ được độ bén lâu…
“Nét văn hóa” truyền thống của người Tơ Đrá
Qua câu chuyện với ông A Gul, tôi thật sự ngỡ ngàng bởi chính ông là thương binh hạng 2/4, có 35 năm tuổi Đảng và hiện đang sinh hoạt tại chi bộ thôn. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông A Gul đi bộ đội và đã sử dụng nghề rèn truyền thống của dân tộc mình để chế tác các công cụ, vũ khí thô sơ… phục vụ sản xuất và kháng chiến.
Hòa bình lập lại, nguyên liệu sắt phục vụ nghề rèn hầu như có sẵn, không cần phải nung từ quặng và người dân cũng dễ dàng mua nông cụ phục vụ sản xuất và đời sống với giá thành thấp, vì thế nên nghề rèn truyền thống của người Tơ Đrá hầu như bị lãng quên.
Ngay chính bản thân ông A Gul, dù không còn đủ sức khỏe để theo nghề rèn như thời còn trai trẻ, thi thoảng ông vẫn rèn vài con dao, rìu hay vài chiếc cuốc … cho bà con trong làng, nhưng hầu như nguyên liệu cũng lấy từ phế liệu sắt.
Ông A Gul đưa tôi đi thăm lò rèn của ông bên rìa làng. Nơi đây chiếc lò rèn đã nguội lạnh từ lâu, còn lò nung nằm quạnh quẽ bên tảng đá dùng để đập quặng.
Chỉ phiến đá, ông A Gul tâm sự: Hòn đá này cũng chính từ đời cha mẹ tôi truyền lại. Nó đặc biệt lắm, dù có dùng búa đập mạnh cỡ nào cũng không bao giờ bị vỡ…
Tôi hỏi ông A Gul: Vậy nếu khi cần rèn thì già dùng bễ hơi nào? Ông A Gul nói: Già dùng bễ hơi được đặt làm ngoài huyện. Bễ hơi da mang lâu quá đã bị mục nát, mà bây giờ tìm con mang để lấy da cũng khó…
Khi được hỏi về việc truyền nghề cho con cháu, đôi mắt ông A Gul nhìn xa xăm, giọng ông chùng xuống: Con cháu bây giờ nó không muốn học nghề này đâu. Vì bây giờ dao, rìu, cuốc… họ bán đầy ngoài chợ. Làm nghề rèn khổ lắm nên nó không muốn học. Bây giờ trong làng Kon Mong Tu chỉ còn lại mình già là còn biết nghề này thôi…
Cũng qua câu chuyện của ông A Gul và qua tìm hiểu, hiện nay loại lò rèn truyền thống của người Tơ Đrá không tồn tại hoặc có tồn tại cũng đã bị thay đổi theo lò rèn hiện đại. Người Tơ Đrá dù có rèn công cụ để phục vụ trong sinh hoạt, sản xuất thì cũng dùng nguyên liệu có sẵn từ phế liệu, việc nung quặng để lấy sắt chỉ còn trong ký ức của một số bậc cao niên trong làng.
Bên cạnh đó, những người thợ giỏi nghề rèn truyền thống của người Tơ Đrá bây giờ cũng không còn nhiều; có người đã qua đời do tuổi cao, có người thì sức khỏe yếu, nên việc truyền nghề lại thế hệ mai sau là điều không thể.
Bên cạnh giá trị lịch sử, nghề rèn truyền thống của người Tơ Đrá còn mang giá trị văn hóa truyền thống của một tộc người. Cũng như nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, nghề nung gốm… của các dân tộc khác nhau, nghề rèn truyền thống của người Tơ Đrá chính là nét văn hóa riêng của họ, đang có nguy cơ mai một, bị lãng quên…
Bài, ảnh: Dương Đức Nhuận