Nghệ nhân A Nian truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ
Năm 2015, nghệ nhân A Nian (69 tuổi) ở làng Kon Stiu, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Với danh hiệu cao quý này, nghệ nhân A Nian luôn nêu cao ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là di sản văn hóa cồng chiêng.
Xứng danh “Nghệ nhân ưu tú”
Buổi chiều, trời đã bắt đầu đổ mưa. Về đêm, mưa càng nặng hạt. Nghệ nhân A Nian hối thúc mấy đứa con, dọn bữa cơm tối ăn nhanh để ông còn qua làng Kon Rôn (xã Ngọc Réo) - cách nhà chừng hơn cây số để truyền dạy cồng chiêng cho mấy đứa trẻ trong làng.
Truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ là công việc được nghệ nhân A Nian duy trì từ nhiều năm nay. Ở làng, mỗi tuần, ông đều dành thời gian 2 buổi tối (thứ 3 và thứ 7) để truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu nhi tại nhà rông hoặc có khi tại nhà riêng của mình. Những năm gần đây, vào mỗi dịp hè, ông còn tích cực tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thiếu nhi ở các thôn làng khác trên địa bàn xã Ngọc Réo.
|
Nghệ nhân A Nian cho biết, cồng chiêng như một phần máu thịt trong cơ thể của mình. Từ nhỏ, ông đã được bố chỉ dạy cho đánh cồng chiêng. Lớn lên, A Nian được nhiều cô gái trong làng để ý đến vì đánh cồng chiêng hay. Đam mê đánh cồng chiêng nên A Nian được dân làng bầu chọn làm đội trưởng đội cồng chiêng của làng, rồi được các cấp chính quyền địa phương chọn đi biểu diễn nhiều nơi…
Nhờ đi nhiều nơi, hiểu được giá trị và vốn quý của cồng chiêng đối với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên; từ đó, nghệ nhân A Nian quyết tâm phải dùng sự hiểu biết của mình về cồng chiêng để truyền dạy cho lớp người trẻ trong làng, trong xã nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa độc đáo này.
Anh A Viên - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Réo cho biết, trước đây, khi huyện, xã chưa phối hợp mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu nhi, nghệ nhân A Nian đã làm việc này. Ông cùng với già làng, thôn trưởng đứng ra tuyên truyền, vận động con cháu rồi đến thanh thiếu nhi ở làng Kon Stiu buổi tối dành mấy tiếng đồng hồ đến nhà rông, có khi là ở nhà riêng của mình để truyền dạy cồng chiêng.
Năm 2015, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, ông A Nian càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Đến nay, nghệ nhân A Nian đã truyền dạy cồng chiêng cho cả trăm thanh thiếu nhi tại các thôn làng trên địa bàn xã Ngọc Réo.
Ở làng Kon Stiu, từ chỗ chỉ có số ít người già biết đánh cồng chiêng, bây giờ, cả làng đã thành lập được 4 đội cồng chiêng, gồm: đội cồng chiêng người già, đội cồng chiêng thanh niên, đội cồng chiêng nữ, đội cồng chiêng nhí. Mỗi khi tổ chức ngày hội đại đoàn kết, Tết làng hay ăn lúa mới, làng Kon Stiu nhộn nhịp, vui tươi trong âm thanh tiếng cồng tiếng chiêng rộn rã, ngân vang… Điều đặc biệt hơn là dưới sự truyền dạy của nghệ nhân A Nian, đội cồng chiêng của làng Kon Stiu luôn được đánh giá cao, được chọn đi biểu diễn nhiều nơi.
Những người già ở làng Kon Stiu cho biết, già A Nian luôn biết cách để cuốn hút thanh thiếu nhi học đánh cồng chiêng bằng những câu chuyện cười, những chuyện cổ của đồng bào Xê Đăng, cũng có khi là những câu chuyện mà ông lượm lặt ở đâu đó ngoài đời rất hay, rất ý nghĩa. Từ ngày có lớp dạy cồng chiêng của nghệ nhân A Nian, thanh thiếu nhi trong làng đều chăm chỉ luyện tập để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa.
Niềm vui của A Thìn
Nhận lời là nghệ nhân chính để truyền dạy cồng chiêng cho thiếu nhi làng Kon Rôn trong mấy tháng hè vừa qua, mỗi tuần, nghệ nhân ưu tú A Nian đều dành 3 buổi tối trong tuần (thứ 3, 5, 7) để làm công việc rất ý nghĩa này. Trong quá trình truyền dạy cồng chiêng cho các em nhỏ, thấy có những chỗ các em chưa biểu diễn ưng bụng, nghệ nhân A Nian không ngần ngại dành thêm một buổi tối Chủ nhật trong tuần để đến truyền dạy thêm cho các em.
Với sự nhiệt tình và trách nhiệm với công việc của nghệ nhân A Nian, 30 em nhỏ tham gia lớp học ở làng Kon Rôn không khi nào vắng mặt. Nhờ được nghệ nhân A Nian “truyền lửa” nên nhiều em nhỏ đã thể hiện được niềm đam mê đánh cồng chiêng của mình, bằng chứng là có những buổi tối dù không có lịch học nhưng nhiều em cũng chăm chỉ rủ nhau tự tập luyện tại nhà.
Trong số các em nhỏ học đánh cồng chiêng ở làng Kon Rôn, cậu bé A Thìn (13 tuổi) - học viên nhỏ tuổi nhất đã khiến nghệ nhân A Nian vô cùng phấn khởi và tự hào. “Dù tập luyện chưa đầy 2 tháng nhưng A Thìn đã có thể biểu diễn thành thục cùng lúc 5 chiếc chiêng” - nghệ nhân ưu tú A Nian giới thiệu.
Để chứng minh điều này, trong lễ bế giảng lớp học, nghệ nhân A Nian sắp xếp 5 chiếc chiêng xoay vòng và gọi A Thìn biểu diễn cho chúng tôi và bà con dân làng Kon Rôn xem. A Thìn giới thiệu với mọi người em sẽ chọn bài Tết làng để trình diễn, bởi đây là bài có giai điệu, tiết tấu vui nhộn mà em rất thích.
Đôi tay bé nhỏ của cậu bé A Thìn nhanh nhẹn, khéo léo cùng lúc điều khiển 5 chiếc chiêng hòa cùng với âm thanh của trống, của những chiếc cồng do các bạn trong đội cùng hòa tấu làm cho bà con dân làng thôn Kon Rôn và những ai chứng kiến đều ngạc nhiên và thán phục.
Ở tuổi A Thìn để biểu diễn thành thục 1 chiếc cồng, chiêng thôi đã khó nhưng cùng lúc em có thể điều khiển được 5 chiếc chiêng là một tài năng hiếm thấy – nghệ nhân A Nian tự hào chia sẻ.
A Thìn cho biết, em rất thích đánh cồng chiêng. Từ nhỏ, mỗi lần trong làng có lễ hội, thấy người lớn đánh cồng chiêng em ước ao sau này mình cũng sẽ trở thành người đánh chiêng giỏi trong làng. Được nghệ nhân A Nian dạy cách đánh chiêng, em háo hức rủ các bạn cùng tham gia. Ngoài giờ học trên nhà rông, em thường rủ các bạn trong làng cùng tập trung lại nhà em vào buổi tối rồi mượn bộ cồng chiêng của làng để tự học hỏi lẫn nhau. Để điều khiển được cùng lúc 5 chiếc chiêng em đã phải rèn luyện rất nhiều. Khó nhất là phải làm sao để cảm nhận được âm điệu của từng chiếc chiêng sau đó là đến kỹ thuật để hòa âm 5 chiếc chiêng do mình điều khiển hòa quyện vào toàn bộ dàn cồng chiêng do các bạn trong đội cùng biểu diễn…
Nghe mong ước của cậu bé A Thìn “sẽ góp sức để cho cồng chiêng mãi được ngân vang”, nét mặt nghệ nhân ưu tú A Nian rạng rỡ hẳn lên bởi ông tin rằng văn hóa của đồng bào Xê Đăng nơi đây, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng chắc chắn sẽ không dễ bị mai một bởi đã có lớp người trẻ như cậu bé A Thìn đây gìn giữ và phát huy.
Bài, ảnh: Tú Quyên