Món ngon độc đáo nên thưởng thức khi đến Kon Tum
Đến Kon Tum du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, đắm mình trong âm vang cồng chiêng, múa xoang của các lễ hội truyền thống cùng các chàng trai, cô gái Xê Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Ja Rai… với những bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu mà còn có dịp được thưởng thức nhiều món ngon mang đặc trưng riêng có…
Là người dân Kon Tum tôi rất tự hào mỗi khi được dịp giới thiệu cùng bạn bè, du khách một số món ngon nổi tiếng của vùng đất cao nguyên nắng gió này. Trong khuôn khổ bài viết, xin giới thiệu một số món ăn độc đáo để bạn bè, du khách biết đến và nếu có cơ hội nên thưởng thức khi đến với Kon Tum.
“Độc” và “lạ” món gỏi kiến chua
Văn hóa ẩm thực của bà con đồng bào DTTS ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng có món gỏi kiến chua rất độc đáo.
Vào những tháng mùa khô, mùa của lễ hội, bà con đồng bào các DTTS nơi đây thường đi rừng để lấy tổ kiến vàng về chế biến món gỏi có vị chua chua như một cách để thanh nhiệt, giải độc cơ thể.
Để chế biến món ăn này rất kỳ công, khó nhất là công đoạn vào rừng để lấy được tổ kiến vàng mang về, vì thông thường các tổ kiến nằm trên cây rất cao.
Sau khi tổ kiến được lấy mang về nhà, phải qua sơ chế bằng cách nấu nước ấm cho tổ kiến vào để loại bỏ chất bẩn rồi vớt ra để ráo.
|
Trộn kiến vàng, trứng kiến và một ít rau thơm, muối, ớt, bột ngọt là đã có được món ăn hấp dẫn. Tổ kiến vàng càng nhiều trứng kiến thì càng ngon.
Lấy một ít gỏi kiến vàng cho vào miệng, cái vị chua chua của kiến, cay cay của ớt và bùi bùi của trứng kiến sẽ khiến bạn như tan chảy bởi dư vị của món ăn.
Dân dã vị đắng… đọt mây
Đến Kon Tum, ngoài việc thưởng thức các món ăn có vị đắng dân dã của miền cao nơi đây như cà đắng, măng le, chắc hẳn sẽ thiếu sót nếu chưa được thưởng thức vị đắng của đọt mây. Cũng như lồ ô, măng le, cây mây mọc rất nhiều trong rừng.
Mùa khô, cùng với việc đi lên nương dọn rẫy, bà con đồng bào các DTTS nơi đây còn tranh thủ kiếm những đọt mây bụ bẫm mang về tước bỏ phần vỏ bên ngoài, lấy lõi bên trong rồi luộc chín.
|
Lõi mây có màu trắng đục khi chín chuyển sang màu tim tím. Thoạt đầu mới ăn vào thực khách sẽ cảm nhận vị đăng đắng, giòn giòn nhưng càng nhai đọt mây càng ngọt.
Đọt mây luộc chấm với muối ớt hoặc nấu với thịt sóc, thịt chuột rừng thay cà đắng, măng đắng mới được xem là đúng bài.
Gỏi lá
Nhiều du khách đã từng đến Kon Tum đúc kết “đến Kon Tum mà chưa thưởng thức món gỏi lá thì coi như chưa đến”.
Tôi nghĩ câu nói của ai đó cũng có phần chính xác, bởi món ăn này rất độc đáo và càng độc đáo hơn khi món ăn này lọt vào top 10 đặc sản Việt Nam được công nhận đạt giá trị ẩm thực châu Á.
Ở ngay thành phố Kon Tum dọc đường Trần Cao Vân có các hàng quán chuyên phục vụ món ăn gỏi lá độc đáo này.
Đúng như tên gọi, món ăn có đến 40-50 loại lá khác nhau, gồm ổi, sung, xoài, me, đinh lăng, ngũ gia bì, lá chua, chùm ruột, tía tô, ngãi cứu, hồng ngọc… Món gỏi lá này được ăn kèm với thịt heo ba chỉ luộc thái mỏng, tôm đồng luộc, bì heo.
Điều làm nên sự độc đáo của món ăn này là nước chấm kèm theo làm nên hương vị rất riêng. Nước chấm được làm rất kỳ công gồm mẻ, tôm, gạo nếp.
Để thưởng thức món ăn, thực khách ngắt lá cây cuộn thành hình phễu rồi cho vào lát thịt ba chỉ, con tôm, bì heo, ít hạt muối trắng, tiêu và rưới lên ít nước chấm là có thể dùng được.
Mỗi loài lá cây là một vị thuốc khác nhau nên chính người dân Kon Tum cũng bị ghiền bởi món gỏi lá. Để “thanh lọc cơ thể”, nhiều gia đình lâu lâu cũng chọn các quán gỏi lá để ghé đến.
Ấn tượng các món ăn nấu ống lồ ô
Món ăn dân dã nhưng rất đậm đà hương vị núi rừng Tây Nguyên đó là các món ăn từ thịt, cá được nấu trong ống lồ ô.
Cách nấu món ăn trong ống lồ ô là truyền thống của bà con đồng bào Ba Na, Ja Rai, Xê Đăng… ở Kon Tum.
Xưa cũng như nay, trong các lễ hội truyền thống của bà con đồng bào các DTTS nơi đây không bao giờ thiếu món ăn được nấu từ ống lồ ô. Trước lễ hội một ngày, đàn ông, thanh niên ở các làng thường đi rừng để chặt ống lồ ô về.
Việc chế biến các món ăn nấu ống lồ ô rất đơn giản, không cầu kỳ và đặc biệt hơn là rất ít gia vị. Thịt hoặc cá làm sạch cắt miếng nhỏ, cho ít muối, bột ngọt vào rồi bỏ vào ống lồ ô, sau đó đem nướng trên bếp than hồng, nhờ vậy khi chín món ăn sẽ giữ được mùi vị riêng nên rất thơm và ngọt.
|
Vào mỗi dịp làng có lễ hội lớn như Mừng lúa mới, Mừng nhà rông mới, Tết làng…, bà con còn chịu khó đi rừng bẫy con sóc, con chuột về làm sạch, xắt miếng nhỏ, trộn với măng hoặc đọt mây và ít rau rừng cho vào ống lồ ô nướng.
Ngày nay, món ăn được nấu bằng ống lồ ô không chỉ có mặt có các lễ hội của làng mà đã vào thực đơn của nhiều quán ăn, nhà hàng ở Kon Tum.
Nộm hoa chuối rừng
Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng có rất nhiều chuối rừng. Theo các nhà nghiên cứu, chuối rừng có tác dụng chữa bệnh, nhất là trái chuối rừng đem sắc nước uống hoặc ngâm rượu có thể chữa đau lưng, nhức mỏi… Và bắp chuối rừng cũng được xem là sản vật từ rừng rất ngon khi chế biến thành các món luộc, xào, nấu canh và ngon nhất vẫn là món nộm.
Hoa chuối sau khi lấy từ rừng về được đem thái chỉ nhỏ ngâm vào nước muối để khỏi bị thâm đen và tạo độ giòn hơn. Sau đó vớt ra để ráo nước rồi trộn các loại gia vị với nhau.
Món nộm chuối rừng ngon phải đảm bảo có được cái vị chua chua của chanh, cay cay của ớt, ngòn ngọt của đường và bùi bùi, béo béo, thơm thơm của những hạt đậu phộng rang trộn lẫn với ít ngò tàu, rau húng, kinh giới. Từng sợi bắp chuối thái chỉ sần sật quyện với các loại gia vị chua chua, cay cay, ngọt ngọt sẽ khiến bạn ăn mãi mà cảm giác như không thấy no.
Món ăn từ thịt dúi
Dúi thường sống trong hang dưới các gốc măng, gốc le ở rừng (thức ăn chủ yếu của dúi là rễ và phần gốc non trong lòng đất của tre, nứa, lồ ô), có hình dạng giống như con chuột. Thịt dúi có thể chế biến thành nhiều món ăn như xào lăn, hấp, nấu giả cầy, nướng…
Dân sành ăn ở Kon Tum thì khoái khẩu nhất vẫn là món dúi nấu giả cầy. Dúi sau khi làm sạch, chặt nhỏ ướp riềng, mẻ, mắm tôm, đậu phộng, bột ngọt, muối cho thấm rồi cho lên bếp bật lửa riu riu. Khi thịt dúi chín cho vào đó ít tía tô, rau ngổ là có thể dùng được.
Món dúi nấu giả cầy thơm ngon, hương vị rất đặc trưng; thịt dúi mềm dẻo, ngon ngọt; da dúi giòn làm mê mẩn người thưởng thức, dù chế thành bất cứ món gì. Người sành ăn ở Kon Tum hay nói vui “đắm đuối thịt dúi” khi ăn món ăn được chế biến từ con vật này là như vậy.
Đặc sản cá niên
Cá niên thường sống ở những vùng nước chảy xiết, ghềnh đá nên rất khó bắt. Cá niên thường xuất hiện nhiều vào thời điểm những tháng mùa khô hoặc mùa xuân. Thức ăn của loài cá này chủ yếu là rong rêu bám trên đá nên ruột của chúng rất đắng, rất được nhiều người ưa chuộng (xem như một vị thuốc).
Thịt cá niên rất trắng, chẳng những không có mùi tanh mà ngược lại rất thơm ngon và được đánh giá có rất nhiều dưỡng chất.
Ở Kon Tum người ta thường chế biến cá niên thành nhiều món như nướng chấm muối ớt, nấu cà chua xanh hay nấu rau răm.
Cách chế biến cá niên rất đơn giản. Nếu nướng, cá chỉ cần để nguyên con rửa sạch rồi xiên vào thanh tre đặt trên bếp than. Khi cá chín vàng gỡ ra chấm với muối ớt.
Với món cá niên nấu cà chua xanh hoặc nấu rau răm thì sau khi cá rửa sạch (để nguyên ruột), cho vào nồi nước sôi; đợi khi cá sắp chín cho ít cà chua xanh vào (nếu nấu rau răm thì cho rau răm vào), nêm ít muối, bột ngọt là đã có thể dùng được.
Mùa khô hanh của Kon Tum, còn gì bằng khi được húp một chén canh cá niên nấu với cà chua xanh hoặc rau răm. Vị đắng của ruột cá niên quyện với vị ngọt của thịt cá và vị chua chua của cà chua xanh hay cay nồng của rau răm thật mát lành…
Nếu du khách có dịp đến vùng đất “làng Hồ” - Kon Tum xin mời hãy một lần thưởng thức những món đặc sản này để cảm nhận rõ hơn những nét độc đáo về mảnh đất và con người nơi đây.
Bài, ảnh: Tú Quyên